Gia Cát Lượng (191 - 234), tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, quê tại huyện Dương Đô, quận Lang Nha (nay thuộc huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông). Ông là một nhà chính trị, quân sự, chiến lược, ngoại giao kiệt xuất thời Tam quốc. Ông được hậu thế nhắc tới với một niềm kính tôn tột bậc không chỉ bởi trí tuệ và tài năng lỗi lạc, mà còn vì lòng trung nghĩa sắt son.
Vợ của Gia Cát Lượng là con gái của Hoàng Thừa Ngạn tiên sinh, một danh sĩ có học vấn uyên thâm. Tuy nhiên, có rất ít ghi chép về ông trong các sử liệu.
Hoàng Thừa Ngạn không rõ năm sinh năm mất, ông là một danh sĩ cuối thời Đông Hán, sách Tương Dương ký chép rằng ở miền Nhữ Năm có một danh sĩ là Hoàng Thừa Ngạn, tính tình thanh cao, khoát đoạt và thành thực.
Hoàng Thừa Ngạn tiên sinh trí tuệ và học vấn uyên thâm so với Gia Cát Lượng thì cũng phải "một chín một mười".
Ngạn đến bảo với Lượng rằng: "Nghe anh kén vợ, tôi có đứa con gái xấu xí, đầu vàng, da đen, nhưng tài năng có thể phối hợp với anh được. Lượng bằng lòng tức thì Ngạn đem con gái đến cho".
Người đương thời rất buồn cười về chuyện ấy, nên trong làng xóm hay nhắc câu: "Mạc học khổng Minh trạch phụ/ Chi đắc A Thừa xú nữ" (Nghĩa là "Đừng học cách Khổng Minh kén vợ/ Chỉ được gái A Thừa xấu kinh".
Tuy nhiên, theo một chuyên gia nghiên cứu từng tiết lộ trên Hoàn Cầu thời báo, kỳ thực, Hoàng Nguyệt Anh không chỉ trí tuệ tinh thông, bà đích thực là người phụ nữ có nhan sắc yêu kiều.
Chuyện Hoàng Thừa Ngạn tiên sinh loan tin con gái mình xấu xí, thô kệch chỉ cốt để thử thách lòng kiên trì và bản lĩnh cương nghị của Gia Cát Lượng. Sau khi thành thân, phu thê Gia Cát Lượng và Hoàng Nguyệt Anh sống với nhau rất hòa thuận. Nguyệt Anh không chỉ khéo tay mà còn thông tuệ, nhiều lần giúp đỡ sự nghiệp của phu quân.
Trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Hoàng Thừa Ngạn cũng xuất hiện khi Lưu Bị thua chạy, Lục Tốn mang quân đuổi theo truy kích. Khi đuổi đến ải Quỳ Quan, Tốn ngồi trên ngựa, trước mặt thấy chỗ cạnh bờ sông bên sườn núi có một đám sát khí bốc ngùn ngụt lên tận trời. Tốn nghi có mai phục nên cho đại quân dừng lại, lùi 10 dặm, dựng trại đợi địch đến giao chiến.
Quân do thám về báo không thấy bất cứ đạo binh mã nào. Tốn vẫn chưa tin, tự mình cưỡi ngựa lên núi quan sát nhưng cũng không thấy bất cứ dấu hiệu khả nghi nào khác. Tuy vậy, càng về tối thì sát khí bốc lên ngày càng mạnh. Lục Tốn nghi hoặc, sai người tâm phúc đi do thám. Người đó về báo rằng không có quân mã nào mai phục mà chỉ có chừng tám chín mươi đống đá ngổn ngang dựng ở cạnh bờ sông. Tốn tự mình đi hỏi thổ dân ở đó thì được biết bến này tên là Ngư Phúc, trước khi vào Xuyên, Gia Cát Lượng đi qua đây đã lấy đá bày ra thế trận này. Từ đó, ngày nào cũng có sát khí bốc lên ngùn ngụt.
Lục Tốn tự mình thân chinh, mang vài chục quân kỵ mã đến tận nơi dò la. Tốn đứng trên núi nhìn xuống thì thấy thạch trận này bốn mặt tám phương đều có cửa ra vào. Tốn cười cho đó là mê thuật làm mê hoặc lòng người. Đoạn, Tốn cầm quân thân chinh đi vào bãi đá xem xét.
Khi chuẩn bị trở về, bỗng đâu một cơn gió lớn nổi lên, cát sỏi bay lên mù mịt, lại thấy đá dựng lên chơm chởm như gươm cắm, cát nổi lên từng đống như núi, dưới sông lại thấy nước chảy cuồn cuộn, tiếng reo như trống rung.
Lục Tốn giật mình nói: "Ta mắc phải mẹo Gia Cát Lượng mất rồi". Tốn vội vàng tìm đường ra nhưng đã lạc vào thạch trận, loay hoay mãi vẫn chưa thấy lối thoát. Đang trong cơn túng quẫn thì bỗng đâu thấy một cụ già đứng ở trước ngựa, nói: "Tướng quân có muốn ra khỏi trận này không?". Tốn cầu xin ông cụ dẫn ra khỏi thạch trận.
Cụ già chống gậy, đi từ từ dẫn Lục Tốn thoát khỏi thạch trận. Tốn đa tạ rồi hỏi danh tính thì mới biết đó chính là Hoàng Thừa Ngạn tiên sinh, bố vợ của Gia Cát Lượng. Hoàng tiên sinh giải thích: "Khi rể lão vào Xuyên, có bày thạch trận ở đây, gọi là Bát trận đồ chia làm tám cửa, theo hưu, sinh, thương, đỗ, cảnh, tử, kinh, khai, trong độn giáp. Mỗi ngày, mỗi giờ, biến hoá không biết đâu mà lần, sánh bằng mười vạn tinh binh. Khi con rể lão đi có dặn lão rằng: "Về sau, có đại tướng Đông Ngô lạc vào trận này, thì đừng có đưa ra!" Mới rồi, lão chơi trên sườn núi. Thấy tướng quân từ cửa Tử đi vào, chắc rằng không hiểu trận này, thế nào cũng lạc lối. Lão xưa nay ưa làm phúc, không nỡ để tướng quân chết tại đây, cho nên dắt tướng quân ra cửa sinh".
Tốn lại hỏi phép bày trận này có học được không, Hoàng Thừa Ngạn trả lời: "Phép trận này biến hóa vô cùng, không sao học được". Tốn lạy tạ rồi quay ngựa ra về.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.