Chuyện ít biết về lễ hạ cờ lặng lẽ của thực dân Pháp trước ngày Giải phóng Thủ đô
Chuyện ít biết về lễ hạ cờ lặng lẽ của thực dân Pháp trước ngày Giải phóng Thủ đô
Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến
Thứ hai, ngày 10/10/2022 06:41 AM (GMT+7)
Ngày 8/10/1954, trời Hà Nội mưa tầm tã, lính Pháp xếp hàng ở sân Cột cờ (sân vận động Mangin) bồng súng chào cờ lần cuối, chuẩn bị rút khỏi các điểm đóng quân.
LTS: Ngày 10/10/1954 - ngày Giải phóng Thủ đô - là một mốc son chói lọi, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước. 68 năm trôi qua, khoảnh khắc thiêng liêng khi đoàn quân giải phóng tiến về năm cửa ô còn mãi trong dòng chảy của lịch sử.
Bên kia chiến tuyến, cuộc rút quân, trao trả lại Hà Nội, trong đó có nghi thức hạ cờ cuối cùng của quân đội Pháp, có rất ít tư liệu ghi chép.
Nhân dịp này, Báo điện tử Dân Việt giới thiệu đến bạn đọc bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến. Bài viết dựa trên những khảo cứu, dịch thuật của riêng tác giả trong nhiều năm.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến được biết đến là một trong những người viết nhiều nhất về Hà Nội. Ông có nhiều tác phẩm, khảo cứu về lịch sử, văn hóa của Thủ đô.
Theo các điều khoản Hiệp định Genève, quân Pháp có 80 ngày để rút quân khỏi Hà Nội. Ngày 8/9/1954, quân đội Pháp đã phải bàn giao 35 điểm tại Hà Nội cho lực lượng quân đội Việt Nam.
Và sự kiện đặc biệt đã diễn ra trong ngày này là quân đội Pháp đã làm lễ hạ cờ và thu cờ vào lúc 18 giờ tại sân vận động Mangin (sân Cột cờ).
Lá cờ Pháp ba màu xanh, trắng, đỏ lần đầu xuất hiện trên kỳ đài là ngày 20/11/1873, sau khi đội quân do Francis Garnier chỉ huy chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất. Việc Francis Garnier cho cắm cờ ở kỳ đài Hà Nội như tuyên bố là Pháp đã chiếm được Bắc Kỳ.
Lễ hạ cờ cuối cùng của quân đội Pháp chiều tối 8/10/1954, tại sân Cột cờ Hà Nội. Ảnh: photobucket.
Ngày 15/3/1874, chính quyền Pháp và triều Nguyễn ký Hòa ước Giáp Tuất. Theo hòa ước này, triều Nguyễn công nhận Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp còn chính phủ Pháp đồng ý trả Hà Nội và các tỉnh Bắc Kỳ mà họ đã chiếm cho nhà Nguyễn.
Sau gần 4 tháng trên kỳ đài thành Hà Nội, cờ Pháp đã hạ xuống nhưng năm 1882 nó lại được treo trên kỳ đài khi Pháp đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ hai.
Lễ hạ và thu cờ chiều ngày 8/10/1954 là lễ hạ và thu cờ lần thứ hai của quân đội Pháp tại Hà Nội. Không khí hạ cờ lần này khác xa lần trước.
Trên sân vận động Mangin, lính Pháp và lính lê dương Bắc Phi thuộc Trung đoàn bộ binh Bắc Kỳ, đơn vị cuối cùng rời Hà Nội, xếp hàng bồng súng làm lễ chào cờ lần cuối trong tiếng kèn binh. Trời Hà Nội mưa tầm tã. Tướng Masson, Chỉ huy trưởng lực lượng triệt thoái quân đội Pháp bước ra, đứng nghiêm chào lá cờ đang từ từ kéo xuống.
Lính Pháp gấp quốc kỳ chuẩn bị rút quân khỏi Hà Nội. Ảnh: photobucket.
Lá cờ ba màu ướt sũng nước mưa được 2 hạ sĩ quan gấp làm bốn. Một sĩ quan cao tuổi ngực đeo đầy huân chương công trạng, trong đó có Bắc Đẩu Bội tinh, đứng chờ lệnh.
Viên sĩ quan ấy chính là Đại tá D'Argence, đã ở Bắc Kỳ từ năm 1945. Tướng Masson quay về phía Đại tá D'Argence ra lệnh cho ông này tiến lên.
Sau khi Đại tá D'Argence vào vị trí, tướng Masson nói: "Đại tá D'Argence, ông vinh dự giữ lá cờ này, tôi trao nó cho ông, ông xứng đáng là người ra đi cuối cùng".
Khác với mệnh lệnh danh dự của tướng Masson, những người lính lại có suy nghĩ trái ngược. Trong hồi ức đăng trên "Diễn đàn Điện Biên Phủ" về lễ hạ cờ, một hạ sĩ quan Pháp viết: "Yên lặng bao trùm vừa khớp với mưa gió lẫn nước mưa trên mặt các sĩ quan là những giọt nước mắt lặng lẽ trong sự tuyệt vọng. Tiếng kèn vang lên trong buồn tẻ thống thiết này đánh dấu sự kết thúc của một giai đoạn lịch sử.
16h30 ngày 9/10/1954, quân Pháp rút hết qua cầu Long Biên, quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Trong ảnh là những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên để xuống Hải Phòng. Ảnh: Tư liệu TTXVN.
Lúc đó là 18 giờ, "72 năm hiện diện của nước Pháp mà nay ra đi với lá cờ này", một hạ sĩ quan khác lại viết "Trong lúc tướng Masson nói những lời ruột gan thống thiết thì trong đầu tôi lúc đó xuất hiện khẩu hiệu Vive la Pair (Hòa bình muôn năm)".
Sau lễ thu cờ, một số lính Pháp và lê dương Bắc Phi đi chào tạm biệt những người đồng đội đã chết ở nghĩa trang. Số khác về doanh trại thì thầm bàn tán tương lai.
14 giờ ngày hôm sau 9/10, họ được lệnh tập trung. Hai giờ sau, họ đặt chân lên cầu Long Biên đi xuống vùng đệm Hải Phòng.
Cho đến ngày hôm nay các nhà sử học Pháp vẫn băn khoăn "Tại sao tướng Masson không ra lệnh làm lễ hạ và thu cờ trong thời gian sớm hơn mà lại chọn lúc xẩm tối?" và "Tại sao ông lại không cho báo chí chụp ảnh đưa tin sự kiện này để họ phải chụp lén từ phía xa?". Thực ra việc chọn thời gian 18 giờ đã là câu trả lời vì sao. Họ đã thất bại và muốn ra đi lặng lẽ.
Tháng 5/1954, chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định vào thực dân Pháp. Pháp bị buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Geneva (21/7/1954) kết thúc chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Đúng 16 giờ ngày 9/10/1954, tốp lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên. Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới... chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.