Chuyện ít biết về “ngũ long công chúa” cứu người trong biển lửa

Bình An - Triệu Quang Chủ nhật, ngày 29/04/2018 18:55 PM (GMT+7)
Được bạn bè, đồng đội trìu mến đặt cho biệt danh “ngũ long công chúa”, thế nhưng trái với cái tên hiền dịu ấy, những nữ chiến sĩ của phòng Cảnh sát Cứu nạn chuyên nghiệp lại dám làm những công việc mà cánh đàn ông nhìn thấy cũng phải nể phục.
Bình luận 0

Nhận lệnh là lên đường, lao vào những nơi mà người khác đang cố chạy ra để bảo toàn mạng sống, chiến đấu với "giặc lửa" để giành lại tài sản và tính mạng cho người dân, đó là công việc của những người lính Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ. Họ không quản tính mạng, bất chấp mọi hiểm nguy. Không ít người lính cứu hỏa đã hy sinh và bị thương khi "giành lại cái còn trong cái mất". Để thấu hiểu và trân trọng hơn công việc đầy hiểm nguy này, chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả loạt bài về những người lính cứu hỏa, cùng những bài tư vấn hữu ích có thể giúp bạn thoát nạn khi gặp hỏa hoạn.

img

 Khi nhắc đến những người lính cứu hoả, cứu nạn người ta thường hình dung ra những chàng trai cơ bắp cuồn cuộn, cầm trên tay những chiếc vòi cứu hoả sẵn sàng lao vào chiến đấu với giặc lửa để cứu người, thế nhưng ngay tại Hà Nội, có một biệt đội lính cứu nạn vô cùng đặc biệt, họ là những người phụ nữ nhưng dám đảm nhận những công việc mà đàn ông nhìn thấy phải nể phục.

img

Năm nữ chiến sĩ mang năm cái tên rất hiền dịu: Thu Huyền, Ngọc Lan, Ngọc Anh, Thuỷ, Lụa hiện nay đang công tác tại phòng Cứu nạn cứu hộ, thuộc sở Cảnh sát PCCC Hà Nội. Họ thậm chí còn được các đồng đội nam yêu quý đặt cho biệt danh “Ngũ long công chúa”.

img

Dù vậy, khi bắt tay vào việc hay trong quá trình luyện tập hàng ngày thì những nữ chiến sỹ cứu nạn cứu hộ thể hiện rõ sự nhanh nhẹn, khéo léo nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ so với các đồng nghiệp nam giới.

img

 Trao đổi với PV, Thiếu tá Vũ Trọng Sang - Phó trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn (Cảnh sát PCCC Hà Nội) cho biết: "Hiện nay, trong đơn vị có 5 cán bộ chiến sĩ là nữ, trong quá trình tập luyện thì không phân biệt nam - nữ và được lên giáo án tập luyện giống nhau. Chỉ khác nhau khi xảy ra sự việc thì các nữ chiến sĩ sẽ tham gia giải quyết, sơ cứu cho nạn nhân nữ".

img

Nói về chuyện nghề, Đại úy Phan Thị Ngọc Lan- thuộc Phòng cứu hộ cứu nạn (Cảnh sát PCCC Hà Nội) - chia sẻ, chị tốt nghiệp chuyên ngành Y, công tác tại Cục cảnh sát bảo vệ đến năm 2014 mới chuyển sang Phòng Cứu nạn cứu hộ - Cảnh sát PCCC Hà Nội, để đáp ứng được nhu cầu của công việc, chị vừa phải đi học thêm văn bằng 2 về nghiệp vụ của Cảnh sát PCCC-CNCH, vừa căng mình luyện tập cùng đồng đội mỗi ngày.

img

 “Thời gian đầu vừa học vừa làm rất vất vả, nhưng lòng yêu ngành mến nghề đã khiến tôi chọn và gắn bó với nghề cứu hộ cứu nạn", đại uý Lan chia sẻ.

img

 Quả thật vậy, khi chứng kiến những bài tập khó như leo tường 90 độ bằng dây được các chị thực hiện một cách thuần thục dù rất hao sức lực mới thấy chỉ có lòng yêu nghề mới là động lực chính để họ bám trụ với công việc vất vả này.

img

 Hay thực hiện nhiệm vụ đưa nạn nhân theo cáng từ nhà cao tầng xuống đất.

img

Đây là một trong những nhiệm vụ vô cùng khó khăn, vừa phải đảm bảo an toàn cho nạn nhân xuống đất vừa đảm an toàn cho mình khi phải di chuyển trên những bức tường thẳng đứng.

img

Chế độ tập luyện liên tục cùng công việc vất vả khiến bàn tay của những cô gái thuộc lực lượng cứu nạn, cứu hộ chai sần, rắn rỏi khác với vẻ điệu đà thường thấy ở phái nữ.

img

Được coi là “của hiếm” trong toàn lực lượng CNCH - PCCC, vì thế các nữ chiến sĩ luôn được đồng nghiệp nam chăm sóc tận tình sau mỗi ca tập luyện căng thẳng, mệt mỏi.

img

 “Những nữ chiến sĩ Cứu nạn cứu hộ dù chỉ có năm người thế nhưng vai trò của họ rất quan trọng bởi khi tiếp cận nạn nhân là nữ giới gặp nạn cháy hết quần áo, các nữ chiến sĩ dễ thuyết phục, cứu người hơn, bên cạnh đó họ cũng khéo léo, nhanh nhẹn và dễ có ưu thế hơn khi cứu người trong không gian hẹp.” Thiếu tá Vũ Trọng Sang - Phó trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn (Cảnh sát PCCC Hà Nội) chia sẻ.

img

img

img

Những nữ chiến sĩ của phòng Cảnh sát Cứu nạn chuyên nghiệp lại dám làm những công việc mà cánh đàn ông nhìn thấy cũng phải nể phục.

---------------------------

Để có thể tiếp cận, cứu người trong những tình huống khẩn cấp, các chiến sĩ PCCC phải thường xuyên luyện tập đó là đu dây, vượt tường trong điều kiện thực tế là những ngôi nhà cao tầng. Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo: Thót tim với màn chạy bộ dọc tường nhà 5 tầng của lính cứu hoả vào lúc 19h ngày 30/4.

Một chiến sĩ PCCC trong vụ sập nhà Bình Tân bị gãy cột sống

Sau khi được Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu, hiện sức khỏe hai chiến sĩ PCCC trong vụ sập nhà quận Bình Tân đã qua giai...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem