Chuyện ít biết về nữ đại gia Diệu Hiền

Thứ hai, ngày 12/03/2012 10:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Xung quanh nữ đại gia Phạm Thị Diệu Hiền - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) giàu có nhưng đang lâm nợ này, có rất nhiều câu chuyện bi hài...
Bình luận 0

“Phất” lên nhờ… buôn gỗ

Theo lời kể của một người họ hàng với bà Hiền: Bà Hiền sinh năm 1961, vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ và được bà nội đưa cho 1 người cô nuôi nấng. Người nuôi bà gọi là má Năm, sinh sống bằng nghề đi kiếm củi... và nay đây mai đó lênh đênh trên sông nước bằng 1 chiếc thuyền…

img
Mặc dù nợ nần bủa vây nhưng bà Diệu Hiền vẫn tổ chức tiệc cưới cho con rất hoành tráng.

Có câu chuyện kể rằng, khi bà Hiền mới sinh được ít ngày thì trong một trận địch càn, một nhà sư bế bà- khi đó còn đỏ hỏn, chui xuống hầm bí mật. Mọi người sợ đứa bé khóc và địch phát hiện. Nhà sư lầm rầm cầu nguyện như ru để đứa bé ngủ yên và suốt mấy giờ đồng hồ dưới hầm, đứa bé cứ ngủ li bì... Khi địch rút, nhà sư bế đứa bé chui lên khỏi hầm và nói: “Đứa trẻ này có căn nhà Phật. Sau này nên cho nó đi ở cửa chùa. Hôm nay, tôi đặt tên cho nó là Diệu Hiền”…

Quê gốc Long Mỹ, Hậu Giang, bà lấy chồng là 1 người đồng hương sau khi vừa tốt nghiệp Cao đẳng Ngoại thương. Sau đó, bà làm kế toán ở Công ty Xuất nhập khẩu tỉnh Hậu Giang. Sau khi sinh con, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bà xin nghỉ về nhà.

Gom góp được một ít vốn liếng, bà chuyển sang làm kinh tế, khởi nghiệp bằng 1 xưởng làm đồ gỗ xuất khẩu. Diệu Hiền nhanh chóng khẳng định được tên tuổi của mình nhờ hàng làm ra có mẫu mã đẹp, chất lượng lại cao. Do làm ăn có uy tín cho nên xưởng gỗ của bà được Tổ chức UNICEP chọn đóng bàn ghế cho trường học ở Sóc Trăng.

Từ đó, tiếng tăm và uy tín của bà được giới kinh doanh đồ gỗ biết đến nhiều hơn. Sau khi sinh thêm cô con gái kế tiếp là Bình An, do bận lo cho con, thiếu quản lý, nên xưởng gỗ làm ăn ngày càng xuống, vướng vào nợ nần. Diệu Hiền phải vay vàng của bà con họ hàng và mang theo 2 đứa con nhỏ lên tận núi rừng Tây Nguyên.

Khi đó, có được một số vốn trong tay, bà Hiền quyết định đi buôn gỗ, vừa gần giống nghề cũ, vừa như muốn tìm lại thời vàng son trước đó - khi còn là chủ xưởng gỗ. Và muốn gì được nấy. Bà lại thành công! Và chỉ 4 năm gắn bó với nghề buôn gỗ phế phẩm, Diệu Hiền thu về hàng chục tỷ đồng. Năm 1992, sau khi chấm dứt sự nghiệp buôn gỗ, Diệu Hiền thành lập công ty và kinh doanh nhiều ngành nghề như: Đầu tư bất động sản; kinh doanh du lịch; sản xuất đồ gỗ xuất khẩu; xây dựng... Công việc kinh doanh từ đó ngày một phất lên.

Năm 2005, Diệu Hiền “chi bạo”, bỏ ra 30 triệu USD (theo tuyên bố) để xây dựng Bianfishco tại Khu Công nghiệp Trà Nóc II, TP.Cần Thơ. Sau 1 năm xây dựng, đến tháng 11.2006, Bianfishco đi vào hoạt động với công suất chế biến lên đến 500 tấn cá tra nguyên liệu/ngày, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động tại địa phương.

Thích làm... từ thiện

Không chỉ nổi tiếng trong giới kinh doanh, bà Diệu Hiền còn nổi tiếng với công việc làm từ thiện, đặc biệt là “khoái” đấu giá các bức tranh. Tên tuổi của bà được nhiều người trong nước biết đến, qua việc đấu giá từ thiện bức tranh "Văn Miếu - Văn hoá Việt" được VTV truyền hình trực tiếp. Đó là ngày 8.10.2008 tại TP.HCM, nhân giải Gold Doanh nhân Việt Nam vì người nghèo. Giá khởi điểm của bức tranh là 500 triệu đồng. Khởi điểm là vậy, nhưng qua đấu giá của các doanh nhân có mặt, giá được nâng lên 800 triệu, rồi 2 tỷ đồng. Sau đó, những đại gia “hạng xoàng” rớt lại.

Nhờ con cá tra, Bianfishco vinh dự nhận được những giải thưởng quốc tế cao quý . Riêng tại Việt Nam, Bianfishco được Hội đồng Thương hiệu Quốc gia trao giải thưởng “Thương hiệu Quốc gia – 2010”, Bianfishco còn vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và bản thân bà Diệu Hiền nhiều năm liền được bình chọn nữ doanh nhân tiêu biểu của VN nhận giải thưởng “Bông hồng Vàng” và cúp Thánh Gióng.

Cuộc “chơi” chỉ còn lại bà Hiền và một nữ đại gia thứ thiệt ở đất Sài Thành. “3 tỷ đồng” - bà Hiền ra giá. Ngay lập tức, nữ đại gia kia nâng lên ngay 5 tỷ, rồi 8 tỷ đồng…

Rốt cuộc, bà Hiền thua cuộc nữ đại gia kia khi nâng mức giá bức tranh lên tới 10 tỷ đồng. Dù không mua được tranh, bà Hiền vẫn tặng 2 tỷ đồng cho quỹ người nghèo làm từ thiện.

Tuy nhiên, trong một số chương trình quyên góp làm từ thiện, “đại gia” Diệu Hiền thường xuyên bị tai tiếng vì “hứa lèo”.

Một lãnh đạo Đài Truyền hình Cần Thơ cho biết, trong một lần chương trình từ thiện do đài tổ chức, bà Diệu Hiền tuyên bố hùng hồn sẽ đóng góp số tiền hàng tỷ đồng để gây quỹ vì người nghèo. Thế nhưng sau chương trình, liên hệ với bà Diệu Hiền để hỏi số tiền bà đã hứa thì chỉ nhận được những cái hẹn và đến nay coi như huề cả làng.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem