Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tàu điện Hà Nội ra đời sau khi người Pháp thiết lập xong chế độ thuộc địa ở xứ Việt Nam. Có thể coi lịch sử hình thành tàu điện ở Hà Nội bắt đầu vào khoảng năm 1890.
Theo một số tư liệu còn để lại, tháng 5 năm 1890, Công ty Điện địa Đông Dương xin phép chính quyền thuộc địa Pháp thành lập một cơ sở khai thác giao thông bằng tàu điện gọi là "Nhà máy xe điện" . Nhà máy đó đặt ở đầu làng Thuỵ Khuê nên dân Hà Nội ngày ấy gọi là "Nhà máy tàu điện Thuỵ Khuê".
Để kết nối trung tâm Hà Nội với các vùng ngoại ô bằng tàu điện, một đơn xin cấp quyền cùng với dự thảo sơ bộ của ông Courret và Krug được gửi đến Phòng Thương mại và Đô thị Hà Nội thời ấy.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, ngày 04/ 5/1899, một nghị định của chính quyền thuộc địa được ban hành tuyên bố: thành lập dự án xe điện tiện ích công cộng và phê chuẩn quy ước với các thông số kỹ thuật.
Theo Nghị định này sẽ cấp quyền cho ông Courret, anh em nhà Krug và Durand xây dựng và vận hành ba tuyến đường xe điện trong khoảng thời gian 60 năm.
Tuyến số một: Từ quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (khi ấy tên là quảng trường Négrier) là đầu nối các phố Lê Thái Tổ, Hàng Đào, Hàng Gai, Đinh Tiên Hoàng, Cầu Gỗ) đến làng Thụy Khuê. Tuyến này có tổng chiều dài 3,53 km.
Tuyến số hai: Từ quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đến làng Giấy (Cầu Giấy), có chiều dài 5,4 km.
Tuyến số ba: Từ quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đến làng Tân Ấp (Yên Phụ) có chiều dài là 4,14 km.
Tàu điện Hà Nội là hệ thống tàu điện thứ hai tại Việt Nam được Pháp xây dựng. (Tầu điện ở Sài Gòn ra đời sớm hơn. Tầu điện ở Sài Gòn chạy chuyến đầu tiên vào năm 1881 và ngừng hoạt động năm 1953).
Kế hoạch là như vậy, nhưng thực tế xây dựng và đưa các tuyến vào hoạt động lại hơi khác.
Thực tế ngày 13 tháng 9 năm 1900, tàu chạy thử tuyến đường đầu tiên Bờ Hồ - Thuỵ Khuê. Đến ngày 10 tháng 11 năm 1901 có thêm tuyến đường Bờ Hồ - Thái Hà ấp. Lúc đó đường tàu chạy dọc Hàng Bông sang Cửa Nam, theo phố Sinh Từ (nay là Nguyễn Khuyến) rẽ sang trước mặt Văn Miếu rồi ra đường Hàng Bột (nay là Tôn Đức Thắng).
Nhưng có lẽ do phố Sinh Từ bé, nên hai năm sau, người ta bỏ đoạn Cửa Nam -Sinh Từ - Văn Miếu mà cho tàu chạy theo phố Hàng Đẫy (nay là Nguyễn Thái Học) tới lưng Văn Miếu thì rẽ sang Hàng Bột (phố Tôn Đức Thắng ngày nay).
Từ chỗ này có một tuyến đi thẳng qua Tám Mái – Kim Mã đến Cầu Giấy. Ở ngã ba này khi xưa có cây gạo rất lớn và nghe nói là rất thiêng. Thậm chí sau này vào hồi thập niên 90 của thế kỷ XX khi người ta chặt bỏ cây gạo thì rất nhiều người vẫn đến đây lễ bái…
Năm 1906, tuyến đường xe điện Bờ Hồ - Chợ Mơ được xây dựng và khánh thành ngày 18 tháng 12 năm 1906. Ít năm sau, kéo dài đường Bờ Hồ - Thuỵ Khuê lên tận Chợ Bưởi.
Năm 1915 đường Bờ Hồ - Thái Hà ấp được kéo vào thị xã Hà Đông , nhưng phải dừng ở bên này Cầu Đơ vì cây cầu này yếu, không chịu được tải trọng của tàu. Sau này, người ta xây cầu mới, nên tàu điện chạy vào tới tận Hà Đông. Vé tàu ghi : Bờ Hồ - Cầu Mới - Hà Đông.
Trong năm 1929 có thêm được tuyến Yên Phụ - ngã tư Đồng Lầm (nay là ngã tư Đại Cồ Việt – Lê Duẩn) để rồi mãi tới tháng 5 năm 1943 mới nối xuống trước cửa nhà thương Vọng (nay là bệnh viện Bạch Mai).
Như vậy là tới năm 1929, từ Ga tàu điện Bờ Hồ có 6 tuyến đi các ngả : lên Yên Phụ, chợ Bưởi, sang Cầu Giấy, vào Hà Đông, xuống chợ Mơ và Vọng. Nghĩa là các ngả xe điện này toả ra các cửa ô, thực sự kết nối nông thôn nhà quê với nội thành. Tổng chiều dài mạng lưới đường xe điện khi ấy đã dài khoảng 30 km . Tàu điện Hà Nội thời đó đi các tuyến thường chỉ mắc hai toa, riêng tuyến Bờ Hồ - Hà Đông là tuyến dài, đông khách nên mắc ba toa, sau thêm cả tuyến Bờ Hồ - Cầu Giấy cũng thế.
Chắc không nhiều người biết rằng, thời Pháp đã có một dự án hết sức táo bạo, "hoành tráng" nhằm mở rộng hệ thống xe điện của Hà Nội.
Dự kiến thời điểm đó, tuyến xe điện sẽ từ Bạch Mai đến ga Văn Điển với khoảng cách 5,5 km để kết nối tuyến xe lửa từ Hà Nội đến Nam Định. Kéo dài tuyến từ Cầu Giấy qua làng Cổ Nhuế, đến đình làng Chèm, phủ Hoài Đức (nay là khu vực bờ nam của cầu Thăng Long), dài khoảng 6,5 km. Kéo dài đường tầu điện từ Bờ Hồ - Bạch Mai qua sân bay Bạch Mai, qua Đình Công, lang Lủ, làng Quang Liệt về tới Cự Đà… Và sẽ đặt đường xe điện tới tận Sơn Tây…
Ngày nay nhìn lại dự án này chúng ta cũng không khỏi "choáng ngợp". Nếu dự án được thực thi thì Hà Nội có thể nói là có một hệ thống xe điện dày đặc không kém các đô thị châu Âu. Đến cuối năm 1928, dự án này bị bỏ rơi.
Những ngày đầu chính quyền cách mạng mới tiếp quản Hà Nội 1954, Sở Xe điện Bắc Việt được thành lập và được giao để quản lý và khai thác trên nền tảng của hệ thống tàu điện của Pháp.
Mọi hoạt động khai thác trong giai đoạn này vẫn được duy trì theo cung cách cũ của Pháp nhưng có thay đổi chút ít cho phù hợp với tình hình hiện tại. Chữ ghi trên vé tàu đã Việt hóa gần như hoàn toàn, đầy đủ và rõ ràng.
Giá vé vẫn chưa được ghi trên tấm vé mà vẫn phải tra trên bảng kê giá. Tên gọi Sở Xe điện Bắc Việt mang ý nghĩa do Nhà nước quản lý chứ không như các tên gọi cũ thời Pháp thuộc là Công ty do tư nhân quản lý.
Cuối năm 1955 Sở xe điện Bắc Việt được đổi tên thành Sở Xe điện Hà Nội và tên gọi này tồn tại đến năm 1959. Rồi sau đó đổi tên thành Quốc doanh xe điện Hà Nội (đến năm 1969). Từ năm 1969 đến khi xe điện ngừng hoạt động thì có tên là Công ty Xe điện Hà Nội.
Năm 1991 tàu điện tại Hà Nội hoàn toàn chấm dứt hoạt động. Đường ray bị tháo bỏ, cột và dây điện bị dỡ xuống…
Đến nay, các đầu máy toa xe của hệ thống tàu điện của Hà Nội đã không còn, số đầu máy toa xe này được cho là đã bị nấu thành gang, thép để tái sử dụng.
Tiếng leng keng của chuông tầu điện bao nhiêu năm thân thuộc với người Hà Nội từ năm 1991 ấy đi vào quá khứ…Tàu điện ở Hà Nội chỉ "thọ" được 90 năm…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.