Những loại rau này mới chỉ có nguồn duy nhất là Chiến khu D. Qua 2 cuộc chiến tranh trường kỳ, chắc chắn còn nhiều loại rau rừng, lá rừng và thuốc rừng vẫn còn vô danh nhưng đã là “cứu tinh” cho nhiều người trong quá khứ gian khổ, ác liệt.
“Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, rừng còn cung cấp thức ăn, rau cỏ, lá thuốc nữa. Kiến thức về các loại sản vật rừng đang nằm trong ký ức của cựu chiến binh và những người đã từng kiểm nghiệm bằng chính cuộc sống và nhiều khi là mạng sống của chính mình. Không phải dân tộc nào, thời gian nào, trường đại học nào cũng dễ có được những kinh nghiệm sống ấy.
Họ đã già, sắp mang theo những hiểu biết bổ ích mà các thế hệ sau không biết hoặc biết nhưng khó thực nghiệm được như họ. Cần có một đề tài nghiên cứu công phu để thu thập, xử lý xem ngoài rừng Chiến khu D thì trong rừng Việt Bắc, Tây Bắc, Trường Sơn, Tây Nguyên và cả rừng duyên hải từ Cà Mau đến Móng Cái còn có bao nhiêu loại cây có thể thay chất bột, thay rau, có thể làm thuốc cứu người... Rừng là nguồn gen quý hiếm không thể coi thường hay bỏ qua.
Một ý tưởng rất thực tế nhưng cũng rất lãng mạn, cần được khuyến khích. Nhờ kháng chiến mà chúng ta biết được ngoài sâm Cao Ly còn có sâm Ngọc Linh tốt hơn, đắt hơn. Nhờ kháng chiến mà các loại cơm lam, những món ăn của đồng bào dân tộc thiểu số đang trở thành đặc sản ở các nhà hàng thành thị và có vài thứ đã được nổi tiếng trên thế giới. Ăn rau rừng, lớp trẻ sẽ chiêm nghiệm cảm giác mộc, rất thực của sản vật đất nước, những cây cỏ gắn liền với một quá khứ có rất nhiều chuyện để kể lại, để suy nghĩ.
Nguyễn Quang Thân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.