Tin này thoạt nghe như đùa. Là bởi sau quả cau và cá nóc, đây là một trong những mặt hàng thu ngoại tệ có vẻ... kỳ cục. Tin này cũng thuộc loại tin khó tin bởi người Thái không hài hước đến mức bỏ ngoại tệ nhập khẩu một phương tiện dùng bất đắc dĩ vài ngày mà người ta có thể tạo ra bằng mồ hôi.
Có người cho đây là một sự nhanh nhạy của ngư dân, chính xác hơn là của các tư thương, được gợi ý từ trận lụt lịch sử năm 2008 ở Hà Nội. Nhưng thuyền thúng, cũng như cau, hay cá nóc sẽ là một trong những loại hàng hóa mang tính thời điểm, chỉ xuất được một lần duy nhất.
Đến đây, không thể không nhắc đến Đề án chế biến và xuất khẩu cá nóc được thực hiện hồi năm 2009. Đó là thời điểm, ở trong nước, cá nóc bị cấm đánh bắt, cấm mua bán, cấm... ăn do nguy cơ gây ngộ độc. Đây là đề án được Chính phủ chấp thuận, giao Bộ NNPTNT tiến hành, với vốn đầu tư cỡ 3 triệu USD và kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu đến 10 triệu USD vào 3 thị trường Nhật, Hàn, Trung. Nhưng chưa qua giai đoạn thí điểm, đề án đứt gánh do phía đối tác dường như cũng nhận ra đây là một loại hàng hóa nguy hiểm, giống chất độc hơn là một loại thực phẩm. Và sau đó, hàng trăm tấn cá tồn kho.
Năm 2006, cả miền Trung lao vào trồng và xuất cau khô. Giá mỗi kg cau tươi bấy giờ được thương nhân Trung Quốc mua tại vườn với giá 14.000 đồng. 1kg cau khô xuất khẩu có giá tới 3,9 USD. Một năm sau, nông dân phá cau hàng loạt khi thậm chí 14.000 đồng/kg còn không đủ thuê nhân công leo trèo. Và từ đó, người Trung Quốc không thấy nói lại câu chuyện mua cau ăn trầu.
Mới nói, việc xuất khẩu cho một loại hàng hóa, không thể theo lối đánh bạc, không thể bất chấp tất cả, cũng không thể để thương lái thao túng với những cơn sốt ảo, lại càng không thể để "nông dân tự bơi, ngư dân tự lội".
Chuyện xuất khẩu thuyền thúng có thể ngay lập tức mang về vài chục ngàn USD, nhưng sẽ rất nguy hiểm khi tư duy xuất khẩu này cứ duy trì. Bởi, Thái Lan, hay bất cứ quốc gia nào khác, sẽ khó có một trận lụt lịch sử thứ hai nặng nề và kéo dài đến mức phải bỏ ngoại tệ ra để nhập cả "tiểu đoàn thuyền thúng".
Vậy nên lúc này nhiều người lao động chân tay ở Phú Yên và cả nhiều người quan tâm đến đời sống dân sinh có thể vui với “thương vụ” sản xuất thuyền thúng để xuất khẩu sang Thái Lan, giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống... Nhưng ngẫm ra, về lâu dài có nên mỉm cười ngay cả khi ngư dân thu được ngoại tệ bằng việc xuất khẩu hàng hóa chỉ dùng một lần, chỉ xuất một lần, loại hàng hóa được chế tạo bằng chân tay to hơn là bằng cái đầu?
Anh Đào
Vui lòng nhập nội dung bình luận.