Chuyện người cha Jrai nhận 4 đứa con nuôi, mở lớp dạy nhạc miễn phí

Chủ nhật, ngày 01/12/2019 06:41 AM (GMT+7)
Từ niềm đam mê bất tận với âm nhạc, anh Y Ploi (35 tuổi, ở xã An Phú, TP. Pleiku) đã mở lớp dạy đàn miễn phí cho trẻ em nghèo. Đặc biệt hơn, người đàn ông dân tộc Jrai đang bị bệnh hiểm nghèo nhưng đã nhận tới 4 đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, có hoàn cảnh khó khăn để nuôi dạy.
Bình luận 0

Lớp dạy nhạc miễn phí

Len lỏi qua những hàng thông trăm tuổi, chúng tôi tìm đến lớp dạy đàn miễn phí của anh Y Ploi tại làng Phung (xã Biển Hồ, TP.Pleiku). Nhìn từ xa, anh Y Ploi mái tóc đã ngả sang màu bạc như người 50 - 60 tuổi. Trên môi anh luôn xuất hiện một nụ cười chào khách. Trong gian chính của ngôi nhà xây khang trang này, có một người đàn ông và khoảng 20 đứa trẻ say sưa gảy đàn guitar. Lâu lâu, người đàn ông đến chỉnh tay hướng dẫn đám trẻ bấm gam guitar.

Mời chúng tôi vào nhà, anh Y Ploi bắt đầu kể về tình yêu âm nhạc của mình. Theo lời anh Ploi, tốt nghiệp cấp 3, anh bắt đầu tham gia biểu diễn âm nhạc trong tỉnh. Nhờ một chữ duyên, anh được đi diễn chung với nhạc sĩ Nguyễn Cường trên khắp cả nước. Sau này, vì muốn nâng cao trình độ, anh bắt đầu thi vào trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, chuyên ngành thanh nhạc, nhạc cụ. Sau khi tốt nghiệp, anh trở về Gia Lai làm việc và dạy ở một số trường trên địa bàn.

img

Anh Y Plơi đã dạy cho những em nhỏ trong làng biết đánh đàn, biết hát.

“Năm 2002, mình bắt đầu mở các lớp dạy nhạc miễn phí cho trẻ em nghèo. Trước đây, các lớp dạy miễn phí chủ yếu ở làng Plei Pông Phrao. Sau đó mình đi dạy miễn phí tại các làng khác ở xã An Phú, Diên Phú, Biển Hồ. Đây là lớp dạy đàn miễn phí đầu tiên của mình ở làng Phung này. Căn nhà này là của chú Phom, một người bạn tâm giao cho mượn phòng để mở lớp học cho mấy đứa trẻ làng này. Lớp mở được hơn 2 tháng và có 22 cháu người Jrai theo học. Đứa nhỏ 9 tuổi, đứa lớn 15 tuổi. Mình dạy các cháu thanh nhạc và chơi 4 nhạc cụ: đàn guitar, đàn organ, trống cajon. Ở đây các cháu đến học chủ yếu là vì đam mê, chẳng phải đi kêu gọi gì đâu, chúng tự tìm đến học đấy”, Y Ploi bộc bạch.

Em Phếch, học sinh lớp đàn cho biết: “Em theo học từ những ngày đầu mở lớp, thầy Ploi dạy rất dễ hiểu. Ở đây chúng em được học miễn phí, vui lắm. Nhờ biết đàn ca, nên em luôn được tham gia các hoạt động văn nghệ ở trường.”

Với cái nghề được anh Y Plơi dạy, nhiều thanh niên đã đi kiếm tiền bằng việc đàn hát tại các quán cà phê, sự kiện…

Những đứa con nuôi của người cha Jrai

Khi được hỏi về gia đình, giọng anh Y Ploi bỗng trầm buồn: “Vì mắc bệnh hiếm gặp, nên tôi không lập gia đình. Tôi có 4 đứa con nuôi nhưng chúng ở với tôi không được lâu. Chắc là do chưa đủ duyên”.

Năm 2002, trên đường đi làm, anh Y Ploi phát hiện ra đứa bé bị bỏ rơi ở bụi cây, xung quanh kiến bu chi chít. Lúc này anh Ploi liền lên trình báo công an. Vì chưa thể tìm ra gia đình cháu bé, Ploi chủ động nhận cháu bé về nuôi, dù điều kiện hoàn cảnh gia đình anh lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn. Nhưng đứa con này ở với anh được 10 năm thì gia đình cháu tìm đến nhà anh Ploi xin nhận lại.

“Họ miêu tả đúng những gì ngày hôm ấy như cháu mặc áo quần gì, ở vị trí nào. Lúc này, vì thương cháu, thương cha mẹ tìm đến, chúng tôi liền cùng nhau lên trình báo công an và làm các thủ tục liên quan để cháu về ở với gia đình mình”, anh Ploi nhớ lại.

Đứa con thứ hai anh Ploi nhận về nuôi khi đã 5 tuổi. Anh tìm thấy cháu khi cháu đang ngồi khóc trong bụi cây. Ploi lại trình báo cơ quan chức năng và nhận  cháu về nuôi trong lúc cơ quan chức năng phát thông báo tìm cha mẹ. 1 năm sau đó, gia đình cháu bé lên nhận con ruột và xin về. Đứa con thứ ba mà Ploi nhận nuôi là vì hoàn cảnh còn nhiều khó khăn. Ploi xin bé về nuôi trong một lần đến biểu diễn văn nghệ ở đây. Nhưng 1 năm sau đó, vì thương nhớ cháu, ông bà cháu bé liền lên xin cháu về lại với gia đình.

Còn về đứa trẻ thứ tư, đây là đứa con của một cô sinh viên cũ tại một trường cao đẳng nơi Ploi giảng dạy. Vì lầm lỡ, cô sinh viên trót mang thai và có ý định phá bỏ. Biết được điều này, Y Ploi đã chủ động khuyên bảo và chu cấp tiền bạc đến lúc sinh nở. “Mình muốn có con mà không được, nên khi biết em đó có ý định phá bỏ, mình liền can ngăn và chủ động ngỏ ý nuôi 2 mẹ con. Những ngày đi dạy, mình tranh thủ thời gian lo bữa ăn cho 2 mẹ con. Hôm nào làm xa thì lại nhờ người thân mang qua giúp. Ngày em đó chuyển dạ, mình đưa vào bệnh viện. Nhưng chỉ ít ngày sau đó mẹ cháu khóc, bảo thầy nuôi con giúp rồi đi mất tích. Lúc này, mình đưa cháu về nhà nuôi và đặt tên là Quyên”, Ploi cho biết.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, mẹ già của Y Plơi bị mắc bệnh ung thư, 7 đứa em nhỏ còn đi học. Bản thân Ploi thì mắc bệnh hiếm gặp phải thường xuyên đi khám, chữa bệnh. Nên anh Y Plơi mong muốn cho bé Quyên có môi trường tốt hơn nên đã gửi vào tu viện để các sơ nuôi dưỡng.

“Con cái đến với mình trong cuộc đời này là một cái duyên. Vì vậy, những đứa con lần lượt trở về với gia đình thì mình nghĩ cái duyên nó tới đó thôi. Mình cứ sống tốt, thì cuộc đời sẽ tươi đẹp hơn thôi.”, Y Ploi bộc bạch.

Phạm Hoàng (Dân trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem