Ông đã 27 năm liên tục thực hiện các ca mổ tử thi để giám định pháp y.
Đã 72 tuổi đời, đến giờ bác sĩ Tiếp vẫn chưa thể lý giải được sao mình lại chọn... những cái xác để hành nghề. Với ông nghiệp mổ xác như đã vận vào mình. Đã có thời kỳ, nếu 1 tuần không được làm lấy 1 ca thì ông ăn không ngon ngủ, không yên, vì như ông tiết lộ, hình như có lúc ông đã... “nghiện”.
|
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiếp trong một lần phẫu thuật tử thi để giám định pháp y. |
Từ mổ người sống sang người chết
Trong căn gác xép ngôi nhà nhỏ tại khu tập thể Trại Chuối, TP.Hải Phòng, bây giờ ngày nào ông Tiếp cũng mày mò với các cuổn sổ, rồi ghi ghi chép chép. Ông hé lộ: “Tớ đang viết một cuốn sách nói về các dạng chết, từ treo cổ, chết ngạt nước, đến chết do bị ngoại lực tác động. Tớ muốn dốc toàn bộ kinh nghiệm của 27 năm đi mổ xác của mình để làm một công trình khoa học, phục vụ công tác nghiên cứu pháp y sau này".
Như lời ông thì mổ tử thi là một nghề vô cùng đặc biệt, chỉ dành cho những người có thần kinh thép. Hiện ông đang lưu giữ gần như là nguyên vẹn cả hồ sơ và những hình ảnh của hơn 3.000 ca tử vong trong 27 năm làm công tác pháp y.
Ông kể: “Quê tôi ở Thanh Hoá, năm 1959 tôi thi một nhát đỗ liền 3 trường đại học: Bách khoa, Mỹ thuật và Y Hà Nội. Tôi cứ phân vân mãi giữa y và mỹ thuật, vì mình cũng có khiếu vẽ. Cuối cùng tôi chọn trường y vì nghĩ nghề y sẽ mang lại sự sống cho con người”.
Năm 1964, tốt nghiệp đúng vào lúc Mỹ leo thang chiến tranh ở Việt Nam, chàng trai trẻ được điều vào tuyến lửa Quảng Bình, làm việc ở khu vực 2 bên bờ sông Gianh. Những ngày đầu Mỹ ném bom đã gây thương vong lớn cho quân và dân ta. Chàng trai trẻ đã mổ và cứu sống được rất nhiều người ngay tại chiến trường. Do có thành tích xuất sắc, bác sĩ Tiếp đã được tặng bằng khen của UBND tỉnh Quảng Bình, sau đó được điều về làm Chủ nhiệm khoa Nội và khoa Sản của Bệnh viện huyện Thanh Miện tỉnh Hải Dương. Suốt 10 năm ở đây, ông Tiếp đã mổ cấp cứu cho hàng nghìn người là nạn nhân bom mìn, tai nạn giao thông, tai nạn lao động.
Đến năm 1974, tổ chức phân ông về Phòng trinh sát Công an Hải Phòng. Ông được cử sang Liên Xô học về pháp y, từ đó chính thức chuyển từ mổ người sống sang mổ người chết.
Lần đầu vào cuộc
Tợp một ngụm trà, ông Tiếp kể, lúc đầu bắt tay mổ tử thi cũng khó khăn lắm vì mổ người sống hoàn toàn trong môi trường vô trùng, có thể đo được nhịp tim, hơi thở của bệnh nhân... Còn mổ người chết lại khác, môi trường hữu trùng, thần kinh người mổ hết sức căng thẳng. Ngoài mổ bụng, ngực còn phải mở não nạn nhân để tìm bằng được nguyên nhân gây ra cái chết.
“Những ngày đầu, tôi không thể quen được. Cứ nghĩ đến tử thi là nôn thốc nôn tháo, ăn ngủ cũng bị ám ảnh. Tôi đã tính bỏ nghề nhưng lại tự động viên mình hãy cố gắng để không phụ sự tin tưởng của tổ chức”.
Tới giờ, sau khi đã trải qua hơn 3.000 lần chạm vào những xác chết, chưa một kiểu chết nào bác sĩ Tiếp chưa từng đụng phải, nhưng cảm giác lần đầu vào cuộc vẫn theo mãi đến tận bây giờ.
Ông Tiếp có lẽ là người giữ kỷ lục của ngành pháp y nước ta, với việc trực tiếp mổ hơn 3.000 vụ và không kết luận sai bất cứ trường hợp nào. Ông đã gắn bó với các tử thi 27 năm trời...
Ông nhớ lại: “Năm 1967, ở khu vực ngã 5 Ngô Quyền, TP.Hải Phòng có cái téc xăng bị máy bay Mỹ bắn thủng, người ta để ở đó. Một đám trẻ con đi bắt cào cào thấy mùi thối mới nhòm vào thì phát hiện có một xác chết nằm còng queo trong đó. Tôi nhận lệnh mổ nhưng cái khó là nắp téc xăng thì quá nhỏ, không thể chui được vào trong, còn tử thi đang thời kỳ phân huỷ mạnh... cũng không đưa được ra. Cuối cùng, công an quyết định dùng mỏ hàn cắt nắp téc xăng rộng ra cho bác sĩ tiếp cận.
Đu người xuống, vừa lấy kéo đụng vào xác chết thì hàng vạn con bọ bay lên lấp hết cả mắt mũi, chúng rúc cả vào người, mũi, bò lổm ngổm trong tay áo tôi. Không thể kể hết sự kinh hoàng! Cắt xong áo của nạn nhân thì mùi hôi thối không tả nổi khiến tôi nôn thốc nôn tháo và định bỏ cuộc”. Nhưng thấy người dân đứng xung quanh như đang động viên, nên ông Tiếp bình tĩnh làm tiếp. Mọi thủ tục khám nghiệm được tiến hành đúng theo quy định, mổ ổ bụng, mổ sọ thì thấy nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân chỉ là... đói.
Sau lần mổ xác đầu tiên đó, ông Tiếp về ốm liền 3 ngày, không ăn không uống, vợ con cũng không lại gần, trong đầu chỉ nghĩ đến bỏ nghề. Nhưng nghĩ lại công ăn học, cấp trên tin tưởng và đặc biệt, việc mong muốn khám phá ra những nguyên nhân dẫn đến cái chết, ông tự động viên mình tiếp tục.
(Còn nữa)
Gia Tưởng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.