Chuyện người Nhật Bản làm nông nghiệp ở Sơn La: Ấn tượng mạnh về khẩu hiệu trên bộ đồ làm nông (Bài cuối)

Minh Ngọc (thực hiện) Thứ bảy, ngày 22/04/2023 12:37 PM (GMT+7)
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ: “Mô hình nông nghiệp hữu cơ của Nhật Bản ở Sơn La giúp cho chúng tôi và cán bộ khuyến nông ở cơ sở, các HTX có thể học tập phương pháp, cách tiếp cận, quy trình cach tác của họ, từ đó giúp chúng ta xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn”.
Bình luận 0

Trong 2 ngày 11 và 12/4, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Sơn La và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức tọa đàm "Sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản tại Việt Nam" và thăm quan một số mô hình nông nghiệp Nhật Bản tại Sơn La.

Sau khi tổ chức thành công buổi tọa đàm và thăm quan một số mô hình nông nghiệp Nhật Bản tại Sơn La, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở NNPTNT đã có những chia sẻ với Dân Việt.

Ông Lê Quốc Thanh: "Sản xuất hữu cơ vì sức khỏe của tất cả chúng ta"

- Thưa ông, cảm nhận của ông ra sao sau khi thăm quan các mô hình nông nghiệp hữu cơ của Nhật Bản tại tỉnh Sơn La?

Sau khi thăm quan các mô hình nông nghiệp hữu cơ của Nhật Bản ở Sơn La tôi đã rất ấn tượng với cách vận hành và quy trình canh tác của họ. Trong đó, mô hình nông nghiệp hữu cơ của Công ty Nico Nico Yasai thực sự khiến tôi rất thích thú. 

Trên bộ đồ làm nông, họ in dòng chữ với khẩu hiệu về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn…, điều đó gợi cho chúng ta rất nhiều cảm xúc. Và tôi cũng đã chụp ảnh lại để có thể chia sẻ, lan tỏa tinh thần này, bởi họ đã mang những thông điệp đến với nông nghiệp Việt Nam một cách rất gần gũi và tuyệt vời.

Đối với Công ty Satoen Việt Nam, họ đã có mặt ở Việt Nam 30 năm và với công nghệ, quy trình, cách tiếp cận của người Nhật thì chúng tôi cho rằng họ đang đi đúng hướng và hết sức thành công. Thành công ở chỗ không chỉ phát triển tại Sơn La mà họ đang mong muốn mở rộng diện tích vùng nguyên liệu, điều đó chứng tỏ sản phẩm của Satoen đã có chỗ đứng trên thị trường.

Dấu ấn mô hình nông nghiệp Nhật Bản ở Sơn La (bài 4): “Sản xuất nông nghiệp hữu vì sức khỏe tất cả chúng ta” - Ảnh 1.

Ông Lê Quốc Thanh và các chuyên gia Nhật Bản thăm mô hình trồng trà của Công ty TNHH Satoen Việt Nam. Ảnh: Minh Ngọc

Thông qua các lần tham quan như thế này, chúng tôi mong muốn cán bộ khuyến nông, các HTX có thể học tập phương pháp, cách tiếp cận và từ đó chia sẻ kinh nghiệm với nhau cũng như rút ngắn quá trình khi chúng ta xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn.

Nhìn cách làm nông nghiệp hữu cơ của Nhật Bản thì thông điệp với chúng ta cũng phải rất rõ, đó là phải suy nghĩ làm thế nào để tham gia vào nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ? Khi tham gia được thì tất cả sản phẩm đều hướng đến "an toàn cho sức khỏe của tất cả chúng ta, vì thực phẩm sạch và sản xuất nông nghiệp hữu cơ là điều tất yếu".

- Hiện nay, các chuỗi thực phẩm an toàn được Trung tâm KNQG triển khai xây dựng như thế nào, thưa ông?

Bộ NNPTNT giao Trung tâm KNQG triển khai xây dựng dự án "Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn cho các tỉnh phía Bắc Việt Nam" do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, thông qua Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản, JICA. Dự án này đã bước sang năm thứ 3. 

Hiện nay, có 7 tỉnh tham gia và kết nối với toàn bộ hệ thống khuyến nông, từ đó, chúng tôi và các chuyên gia sẽ lựa chọn các HTX mục tiêu, đủ các tiêu chí để xây dựng các chuỗi an toàn thực phẩm này theo tiêu chuẩn của JICA và Trung tâm KNQG đã xây dựng.

Bắt đầu từ năm 2023, chúng tôi bắt đầu lựa chọn HTX, xây dựng mô hình và tập trung vào đào tạo năng lực cho họ, đồng thời tăng cường năng lực cho đội ngũ khuyến nông ở đây. Chúng tôi cùng tương tác, làm việc, triển khai. Sự kết nối giữa các chuyên gia với hệ thống khuyến nông, từ đó đi đến hành động cụ thể của các thành viên HTX ngày càng rõ rệt. Như vậy, chúng ta có mô hình khép kín, từ sản xuất đến tiếp cận thị trường, đảm bảo các tiêu chí của vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chúng tôi lựa chọn 7 địa phương với các tiêu chí xây dựng tương đối đặc trưng cho các khu vực khác nhau. Cụ thể như ở Sơn La sẽ tập trung vào chuỗi cây ăn quả. Đối với các tỉnh ven Hà Nội như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh thì chúng tôi lựa chọn các chuỗi sản xuất rau an toàn.

Bà Cầm Thị Phong: Sơn La hướng đến nông nghiệp "xanh", "sạch", "an toàn", "bền vững"

- Trong những năm gần đây nông nghiệp Sơn La đang có những phát triển mạnh mẽ và được coi là vựa trái cây ở phía Bắc. Vậy việc phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đang được thực hiện ra sao thưa bà?

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Sơn La, trong đó, định hướng phát triển ngành nông nghiệp theo hướng "xanh", "sạch", "an toàn", "bền vững", thời gian qua Sơn La đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến người nông dân, HTX. 

Đến nay, Sơn La đã có trên 300 ha sản xuất được chứng nhận hữu cơ. Trong đó, 130 ha sản xuất lúa ở Phù Yên và một số loại cây ăn quả như bưởi, cam, rau…

Định hướng trong thời gian tới của Sơn La vẫn sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

- Đối với phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn, được biết Sơn La cũng rất chú trọng?

Trong 3 năm trở lại đây Sơn La hướng tới sản xuất các sản phẩm nông sản theo chuỗi liên kết. Hiện, tỉnh đang hướng đến một số ngành chính như cây ăn quả, rau màu. Ở mỗi chuỗi này đều có doanh nghiệp, HTX đứng ra hỗ trợ khâu sản xuất, kỹ thuật và thu mua sản phẩm.

Hiện Sơn La có 261 chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn cho thị trường trong nước. Bên cạnh đó, Sơn La đã được cấp 281 mã số vùng trồng và 33 cơ sở sơ chế đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây là bước khởi đầu để Sơn La hướng tới một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, bền vững.

Dấu ấn mô hình nông nghiệp Nhật Bản ở Sơn La (bài 4): “Sản xuất nông nghiệp hữu vì sức khỏe tất cả chúng ta” - Ảnh 2.

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Sơn La phát biểu tại tọa đàm "Sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản tại Việt Nam" ngày 11/3. Ảnh: Minh Ngọc

Tuy nhiên, nông nghiệp Sơn La cũng còn một số khó khăn, bà con sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, nông dân thường sản xuất theo những gì mình có chứ không theo thị trường. Để giải quyết bài toán này, cần phải tập hợp lại nông dân, sản xuất theo kế hoạch và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì mới có hiệu quả.

- Sơn La cũng đang ghi dấu ấn với nhiều sản phẩm trái cây xuất khẩu. Vậy trong thời gian tới định hướng phát triển của ngành nông nghiệp Sơn La là gì thưa bà?

Sơn La đang hướng đến xây dựng ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, xanh, sạch, an toàn, bền vững. Để hiện thực hóa điều đó, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 08 năm 2021 về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 128 năm 2020 của UBND tỉnh về Ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. 

Đồng thời tỉnh cũng đã kêu gọi được một số doanh nghiệp, HTX đầu tàu để đầu tư vào nông nghiệp ở Sơn La. Bên cạnh đó, một số mô hình Nhật Bản cũng sẽ là địa điểm người dân có thể học tập, tiếp cận và làm theo.

Ngành nông nghiệp Sơn La tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng để xuất khẩu. Đồng thời phối hợp xây dựng các dự án với Trung tâm KNQG, JICA..., trong đó người nông dân, HTX có thể tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua tập huấn, thăm quan mô hình, từ đó có mô hình điểm để lan tỏa rộng rãi.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem