Chuyện nguyên Thứ trưởng Bộ Công an một lòng kiên trung và 11 năm đấu tranh vì danh dự (kỳ 1)

Quốc Phong Thứ hai, ngày 10/07/2023 06:32 AM (GMT+7)
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Nguyễn Tài (1926-2016)- Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân là người rất đặc biệt. Ông đã chiến đấu thầm lặng trên mặt trận An ninh thật đáng trân trọng, nể phục. Rồi lại suốt 11 năm kiên trì đấu tranh để tìm ra chân lý, bảo vệ danh dự cho bản thân và gia tộc mình.
Bình luận 0

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng An ninh Nhân dân của chúng ta từng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Trong cuộc chiến ấy, lực lượng An ninh Nhân dân của chúng ta cũng có những hy sinh, đóng góp rất thầm lặng.

Họ đã đổ máu, tổn thất lực lượng, có những cá nhân có khi bị tổ chức hiểu lầm, phải chịu nhiều cay đắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Nguyễn Tài là trường hợp như vậy. Nhân kỷ niệm Ngày truyền thống lực lượng An ninh Nhân dân (12/7/1946-12/7/2023), Dân Việt giới thiệu bài viết 2 kỳ Chuyện nguyên Thứ trưởng Bộ Công an một lòng kiên trung và 11 năm đấu tranh vì danh dự

Ông Nguyễn Tài (1926-2016) tên thật là Nguyễn Tài Đông, bí danh Tư Trọng. Ông quê ở xã Xuân Cầu, huyện Văn Giang, Hưng Yên. Ông là con trai của Nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan (1903-1977).

Tình nguyện vào Nam chiến đấu

Theo đề nghị của ông Nguyễn Tài với Bộ trưởng Bộ Công an khi đó là ông Trần Quốc Hoàn, ông xin tình nguyện vào miền Nam chiến đấu (1964) và đã được chấp thuận. Trước khi vào miền Nam, ông Nguyễn Tài từng công tác tại Bộ Công an, giữ chức Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị khi mới 29 tuổi và đảm nhiệm vị trí công tác này 7 năm.

Các vị lãnh đạo trong chiến trường miền Nam từng kể, khi Cục trưởng Nguyễn Tài vào chiến trường B, Bác Hồ biết tin đã gửi ngay một bức điện Tuyệt Mật trong đó có mấy chữ: "Chú Nguyễn Tài là tài sản quý của Ðảng. Mọi người phải bảo vệ chú ấy!"

Chuyện nguyên Thứ trưởng Bộ Công an một lòng kiên trung và 11 năm đấu tranh vì danh dự - Ảnh 1.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Tài trước ngày vào chiến trường miền Nam. Ảnh GĐCC

Bác rất hiểu ông Nguyễn Tài bởi Người đã có những chuyến công du nước ngoài có sự tháp tùng của ông Tài với tư cách lãnh đạo của Cục Bảo vệ Chính trị Bộ Công an, một cán bộ An ninh cao cấp có trình độ nghiệp vụ cao...

Từ năm 1964 cho đến 1970, ông Nguyễn Tài là một chỉ huy ngành An ninh tầm cỡ mà kẻ địch thường ví những con người như thế này là"cá lớn cộng sản"(!). Song, người sĩ quan An ninh ấy lại có một đoạn đời khúc khuỷu đặc biệt. "Khúc quanh" đó là trong quãng thời gian ông giữ cương vị Uỷ viên Ban An ninh Trung ương Cục, sau đó tham gia cấp uỷ Ðảng Khu Sài Gòn - Gia Ðịnh và làm Trưởng ban An ninh T4. Vào ngày 23/12/ 1970, ông đã bị địch bắt trên đường đi công tác cùng cả đồng chí của mình.

Đoàn tụ gia đình sau 11 năm xa cách

Trong cuốn hồi ký "Ðối mặt CIA Mỹ" xuất bản năm 1997, ông đã hồi tưởng về quãng thời gian bị địch bắt, bị giam cầm, tra tấn. Ông cho biết lúc đầu còn giấu được tung tích. Ông đã đánh lừa được kẻ địch bằng một bình phong giả tạo. "Nhưng rồi 6 tháng sau, do một sự sơ hở từ bên ngoài, rồi do bọn phản bội khai báo, nhận diện, tôi bị lộ tung tích" - ông viết trong hồi ký.

Chuyện nguyên Thứ trưởng Bộ Công an một lòng kiên trung và 11 năm đấu tranh vì danh dự - Ảnh 2.

"Một cuộc đấu tranh trực diện gay go, quyết liệt và gian khổ đã diễn ra đối với tôi trong hoàn cảnh bị biệt giam từ đầu đến cuối. Khi thì với tình báo Nguỵ, khi thì với CIA - Mỹ. Theo nhiều tin tức thì bọn chỉ huy tình báo địch đã chủ trương giết tôi vào những ngày cuối tháng 4/1975. Nhưng bọn tay sai cấp dưới sợ không dám thi hành vì quân ta đã tiến đến rất sát Sài Gòn. Cuối cùng, khi bộ đội ta tấn công vào Sài Gòn đã giải thoát cho tôi tại Nhà tù 3, Bạch Ðằng trưa ngày 30/4 sau đúng 4 năm 4 tháng 10 ngày bị cầm tù"- ông viết.

Ngay từ những ngày đầu giải phóng, ông đã làm báo cáo kiểm điểm với cấp uỷ Ðảng thành phố đang còn trong thời gian quân quản. Ông báo cáo về giai đoạn mình bị bắt. Thành uỷ đã ra Quyết nghị công nhận Ðảng tịch liên tục cho ông.

Theo Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Ðảng ngày ấy, ông Nguyễn Tài được phân công là Uỷ viên Thường vụ Thành uỷ, Trưởng ban An ninh Thành uỷ.

Ông lao ngay vào công việc đầy bộn bề và phức tạp của bộ máy chính quyền mới sau khi tiếp quản . Do sức khoẻ yếu vì những tháng ngày trong tù khiến ông kiệt sức nên chỉ vài tháng sau ông được đưa ra Bắc để điều trị bệnh và an dưỡng.

Chuyện nguyên Thứ trưởng Bộ Công an một lòng kiên trung và 11 năm đấu tranh vì danh dự - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Tài và cuốn hồi ký Đối mặt với CIA. Ảnh GĐCC

Ðó cũng là dịp ông được đoàn tụ cùng gia đình, đồng chí và bạn bè sau 11 năm xa cách... Ðầu năm 1976, ông được nhận trọng trách Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) .

Thế nhưng không ngờ sự việc ông bị nghi oan ngay sau cuộc chiến không lâu, ông cũng mất 11 năm kiên trì để tự chứng minh sự kiên cường của người sĩ quan An ninh, một lòng trung thành với Ðảng để tìm ra chân lý.

Trong bản thảo cuốn hồi ký (chưa xuất bản) được ông viết trong thời gian bị những nghi vấn liên quan chuyện bị địch bắt giam, có tựa đề :"Khúc khuỷu đường đời". Ông đã viết khá tường tận về chặng đường vất vả, gian truân để đi đến chân lý.

Chuyện nguyên Thứ trưởng Bộ Công an một lòng kiên trung và 11 năm đấu tranh vì danh dự - Ảnh 4.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Tài qua đời năm 2016, thọ 91 tuổi. Ảnh Bộ Công an

Ông ngồi ghế Thứ trưởng Bộ Nội vụ chưa tròn 2 năm, ngày 28/10/1977, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra Quyết định số 254 đình chỉ công tác đối với ông "để kiểm điểm về một số vấn đề chưa rõ trong thời gian bị địch bắt giam giữ. Ban Bí thư ủy nhiệm Tiểu ban Bảo vệ Đảng Trung ương hướng dẫn cho ông Nguyễn Tài kiểm điểm, báo cáo và giúp thẩm tra để báo cáo Ban Bí thư kết luận".

Từ đây, ông bắt đầu cả một cuộc trường kỳ đi tìm ánh sáng của sự thật. Những tưởng rồi cũng sẽ qua nhanh bởi ông Nguyễn Tài luôn hiểu rõ mình nhất. Nào ngờ đâu cũng lại 11 năm bằng đúng từng đó thời gian mà ông vào Nam chiến đấu rồi bị địch bắt phải sống trong cực hình cũng nỗi buồn đau khôn tả.

Theo hồi tưởng của ông Nguyễn Tài thì trong bản tường trình ngay sau ngày 30/4/1975 với tổ chức trước khi được công nhận là đảng viên liên tục để sinh hoạt trở lại, với vài chục trang viết tay mà khi được đọc lại bản người ta cho đánh máy lưu trữ, ông đã phát hiện có nhiều chỗ sai. Vậy liệu có phải vì thế mà nay cần làm rõ chăng? Nghĩ vậy, ông cảm thấy an tâm rồi cho rằng, vậy cũng tốt. Mình sẽ trình bày cho tổ chức đầy đủ nhất có thể một lần nữa cho xong...

Tập báo cáo lần này ông viết khoảng 200 trang viết tay. Ông viết trong vòng 10 ngày, cho đến ngày 9/11/1977 thì hoàn chỉnh. Ông xin được đánh máy tại nhà rồi gửi bản đánh máy lại cho tổ chức dễ đọc nhưng không được chấp thuận. Ông bị yêu cầu hàng ngày phải đến trụ sở cơ quan Vụ Bảo vệ Ðảng để viết...

Với suy nghĩ " mình đang làm việc mà bị đình chỉ công tác tuy có buồn thật", theo ông thì "đấy là cách làm chưa thoả đáng, thế nhưng cũng là dịp để cho ngã ngũ thì dù sao cũng là tốt".

"Vì thế lương tâm tôi vẫn yên ổn lâu nay. Ðến khi viết xong trang cuối cùng của bản báo cáo thì tôi càng thấy yên ổn vì đã làm xong nhiệm vụ theo yêu cầu mới của Ðảng", ông viết trong hồi ký.

Trong quá trình công tác ông Nguyễn Tài từng đảm đương các chức vụ như: Trưởng Văn phòng Công an Khu XI (1946); Ủy viên Thành ủy, Trưởng Ty Công an Hà Nội (1947); phó Giám đốc, quyền Giám đốc Công an, Ủy viên Đặc khu ủy Hà Nội (1948); phó Văn phòng rồi Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị (1955) Bộ Công an; Ủy viên Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam (1964); Trưởng Ban An ninh Khu Sài Gòn – Gia Định (1965); Uỷ viên Thường vụ Thành uỷ, Trưởng ban An ninh thành phố Sài Gòn-Gia Định ngay sau ngày giải phóng; Thứ trưởng Bộ Nội vụ- nay là Bộ Công an (1976 - 1981); phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước(1981-1984); Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (1985-1989); Đại biểu Quốc hội, phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa VIII.

Ông đã nhận những phần thưởng cao quý như: Anh hùng LLVTND, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, Huân chương Hồ Chí Minh và các Huân chương cao quý khác.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem