Chuyện những người canh động đất, sóng thần đêm cuối năm

Thứ hai, ngày 30/01/2012 14:00 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Cả khu vực Viện rộng mênh mông, vắng tanh vắng ngắt. Thời khắc giao thừa, thay vì ngó ti vi nghe chúc tết thì chúng tôi vẫn phải căng mắt canh dư chấn để cảnh báo động đất, sóng thần".
Bình luận 0

Đó là công việc của các cán bộ ở Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam (18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội), Nhiều năm nay, các anh vẫn đón giao thừa cùng những tín hiệu dư chấn trên bản đồ quan sát.

img
Anh Nguyễn Trung Tâm trong kíp trực những ngày cận Tết.

24/24 và 7/7

Được thành lập từ tháng 9.2007, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần có nhiệm vụ sử dụng các kết quả quan sát, điều tra nghiên cứu về vật lý địa cầu để thực hiện báo tin động đất, cảnh báo sóng thần. Là một ngành mới, đặc biệt và có đặc thù… không giống ai nên tất cả cán bộ của trung tâm đều phải tham gia trực ca 24/24 giờ mỗi ngày và 7/7 ngày mỗi tuần.

Mỗi khi có động đất với cường độ lớn hơn hoặc bằng 3,5 độ richter xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam và vùng Biển Đông gần bờ hay hoạt động núi lửa và những trận động đất có cường độ lớn hớn hoặc bằng 6,5 độ richter xảy ra ở các vùng biển khác nhưng có khả năng gây sóng thần ảnh hưởng đến bờ biển và hải đảo Việt Nam… thì trung tâm có nhiệm vụ gửi thông tin cảnh báo đến các cơ quan chức năng và truyền thông.

Hiện tại, trung tâm thu nhận tín hiệu địa chấn thời gian thực của 12 trạm địa chấn dải rộng trên lãnh thổ Việt Nam và khoảng 20 trạm địa chấn dải rộng của các nước trong khu vực. Do thời gian hoàn thành tin cảnh báo mất từ 10 - 15 phút cho nên khi vào kíp trực cán bộ trung tâm phải hết sức tập trung.

TS Lê Huy Minh - Giám đốc trung tâm cho biết: "Thời gian phải phủ kín trong khi cán bộ nhân viên chính thức của trung tâm không quá 10 người nên công việc tương đối vất vả. Những ngày nghỉ lễ, tết trung tâm phải huy động cả cán bộ các phòng ban khác thuộc Viện tham gia trực cùng".

TS Minh cũng cho biết, thời gian nghỉ tết là khó khăn nhất, việc sắp xếp lịch trực phải làm thế nào để cán bộ ở xa được về ăn tết cùng gia đình, cán bộ nữ không phải trực đêm mà vẫn đảm bảo 24/24 giờ trực. Chính vì vậy, những cán bộ nhà gần nhất chính là những người phải xa gia đình nhiều nhất trong những ngày này.

Cũng theo TS Minh, công việc trong ca trực tuy không quá vất vả vì địa chất Việt Nam tương đối ổn định, không có nhiều dư chấn nguy hiểm, tuy nhiên hàng ngày hàng giờ những rung động nhỏ trong nội địa vẫn thường xuyên diễn ra như các vụ nổ mìn ở khu vực Quảng Ninh, Hà Giang, hay ảnh hưởng của động đất ở các nước trong khu vực… vẫn phải được theo dõi thường xuyên.

Chia nhau khoảng khắc sum họp

Nghiên cứu viên Nguyễn Trung Tâm (28 tuổi) năm nay phải trực giao thừa. Với anh: "Phải trực tết là khoảng thời gian buồn và cô đơn nhất. Cả khu vực Viện rộng mênh mông, vắng tanh vắng ngắt, chỉ có tầng 5 khu nhà A8 "hẻo lánh" là có 2 người của trung tâm trực. May năm rồi, lãnh đạo trung tâm và lãnh đạo Viện đã động viên anh em bằng cách xuống đón giao thừa cùng, cũng xông đất, cắt bánh, mở rượu đón giao thừa cùng… cái màn hình máy tính lúc nào cũng nhấp nháy các điểm định vị" - Tâm cười.

Năm 2011 này, các anh còn tham gia hoạt động đặc biệt là kết nối với các điểm cảnh báo sóng thần trực tiếp cho người dân ở Đà Nẵng (do Viettel lắp đặt thí điểm thiết bị cảnh báo). Ngày hay đêm, hay cả giao thừa, chỉ một tín hiệu dư chấn có động đất, sóng thần là các anh có nhiệm vụ... ấn nút là cả Đà Nẵng sẽ được cảnh báo di tản.

Vì công việc đặc biệt này, Tâm cho biết anh vẫn chưa "dám" lấy vợ vì chưa tìm được cô nào ưng được việc chồng suốt ngày đêm phải trực, cả tết nhất cũng không được về nhà. Thực tế, các anh em trong trung tâm vì phải trực đêm nhiều quá đã không ít lần bị vợ gọi điện đến cơ quan "kiểm tra" xem thực hư thế nào?

Thường thì mỗi dịp trực tết như vậy cán bộ trung tâm sẽ được hưởng 200 - 300% ngày lương. Tuy nhiên, số tiền đó không thể làm khuây khoả nỗi buồn những đêm giao thừa vắng nhà của những người chồng, người bố.

"Làm nghề này, nếu không được sự thông cảm và chia sẻ của người thân thì rất khó. Anh em chỉ biết động viên nhau, thôi thì nghề nó vậy, dẫu cách nhà có vài phút đi xe nhưng cũng chẳng khác nào bộ đội chuyên nghiệp… phải chia nhau từng khoảnh khắc giao thừa sum họp" - Tâm cười buồn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem