Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống BĐBP: Những người lính ngày đêm bám biển, lao vào giông bão cứu ngư dân

Bách Thuận - Gia Bình Chủ nhật, ngày 03/03/2024 07:00 AM (GMT+7)
Chiếc điện thoại rung chuông, giọng nói dứt khoát từ chỉ huy thông báo có 5 ngư dân không kịp tránh bão, bị trôi dạt trên biển cần tìm kiếm. Ngay lập tức những người lính biên phòng nhận nhiệm vụ, xông vào bão tố, sóng cả để cứu người.
Bình luận 0

"Đẹp thay người lính biên phòng/ Thắm xanh màu áo xanh trong sắc trời" *

Người dân ở Hải Hòa (Thanh Hóa) vẫn biết trước khi bão vào, tôm cá sẽ nổi nhiều trên mặt nước nhưng thường, không ai mạo hiểm tính mạng của mình để lấy "lộc trời". Nhưng có câu chuyện về hai anh em "tiếc của" nên bí mật cắt neo, cho bè ra biển nhằm kiếm mẻ lưới bội thu. Giông bão ập đến làm lật bè, hai người chỉ còn cách bám vào thùng xốp, để mặc sóng gió quăng quật.

Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống BĐBP: Những người lính ngày đêm bám biển, lao vào giông bão cứu ngư dân- Ảnh 1.

Bộ đội thuộc Đồn biên phòng Hải Hòa tuần tra ven biển. Ảnh: NVCC.

Thông tin vụ tai nạn nhanh chóng được chuyển đến Đồn Biên phòng Hải Hòa, những đội tìm kiếm lập tức lên đường trong cơn bão, họ rà soát vùng biển từ Nghi Sơn vào đến Nghệ An và sau 2 ngày đã cứu được hai ngư dân.

Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống BĐBP: Những người lính ngày đêm bám biển, lao vào giông bão cứu ngư dân- Ảnh 2.

Bộ đội Biên phòng thực hiện chữa cháy rừng tại Thanh Hóa. Ảnh: NVCC.

Đồn biên phòng Hải Hòa hình thành từ 1959, đúng năm lực lượng Công an Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) được thành lập, đến nay đã 65 năm. Đơn vị từng độc lập tác chiến, bắn rơi một máy bay Mỹ và cũng tại đây, những đoàn tàu đã vượt qua bom đạn, tiếp tế vũ khí, lương thực cho quần đảo Hòn Mê cách đất liền 11km.

Chiến tranh lùi xa, bãi biển Hải Hòa trở thành khu du lịch có tiếng, những cửa lạch là bến đỗ cho hàng nghìn chiếc thuyền của ngư dân ra khơi. Ấy vậy, những người lính biên phòng vẫn gian nan nơi đầu sóng.

Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống BĐBP: Những người lính ngày đêm bám biển, lao vào giông bão cứu ngư dân- Ảnh 3.

Đồn Biên phòng Hải Hòa cùng công an địa phương tuần tra, bảo vệ bờ biển.

Bão đến, ngư dân về bờ, bộ đội ra khơi

"Biên phòng biển đi tuần tra không mệt như đồng đội trên bộ, phải leo núi, băng rừng nhưng lại khổ vì sóng gió, có người say đến không ăn nổi cơm. Khi có tàu lạ xâm phạm, tàu họ lớn hơn, biên phòng của ta tàu nhỏ nhưng vẫn phải phải xua đuổi, hỗ trợ ngư dân", trung tá Lê Văn Nghị, Đồn Biên phòng Hải Hòa chia sẻ.

Theo anh, khổ nhất là những khi bão về, phải đi canh đê, chữa đê vỡ. Những lúc như vậy, sóng gió ngập trời, mái tôn cùng cành cây "bay vù vù trên đầu", phải hết sức chú ý, nắm vững quy định an toàn để bảo vệ bản thân, đồng đội.

"Bão về, người dân về bờ, mình ra khơi. Phải đi ca nô ra vận động người dân rời tàu thuyền, lồng bè nhưng để họ đồng ý, bộ đội biên phòng phải ở lại, canh giữ tài sản cho họ", trung ta Nghị nói.

Cũng mỗi khi bão về, nỗi sợ lớn nhất của người lính là nhận tin tàu bè bị lật, chìm và ngư dân mất tích. Trung tá Mai Xuân Đạt là một trong những người lính tham gia tìm kiếm người trên biển nhiều nhất Đồn Hải Hòa vì "sinh ra ở sông nước, chịu được sóng gió".

Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống BĐBP: Những người lính ngày đêm bám biển, lao vào giông bão cứu ngư dân- Ảnh 4.

Trung tá Mai Xuân Đạt, người từng thực hiện nhiều nhiệm vụ tìm kiếm ngư dân gặp nạn trên biển. Ảnh X.A

Hôm ấy gió lớn, pháo hiệu màu đỏ - tượng trưng cho bão gần – được những người lính bắn lên cao 100m so với mặt biển, đủ để ngư dân nhìn thấy từ hơn 10km và biết phải về ngay. Nhưng một tàu với 5 ngư dân bị lật thuyền trên biển, may mắn cột sóng điện thoại trên hòn Mê đã ghi được vị trí cuối cùng.

Trung tá Đạt cùng đồng đội vượt sóng ra khơi, quần thảo một vùng rộng chục cây số vuông, từ Nghi Sơn đến hòn Mê và sau 3 tiếng, họ tìm thấy ngư dân đầu tiên. "Bão sẽ cuốn mỗi người mất tích đi một nơi, không phải cùng ở một chỗ trên biển nên việc tìm kiếm rất vất vả. Lần đó, chúng tôi may mắn, tìm thấy và cứu được hết tất cả", vị trung tá chia sẻ.

"Phải hiểu không gì khổ hơn trôi dạt một mình trên biển ngày bão, bị sóng gió quăng quật. Chúng tôi cứu được một người không chỉ gia đình họ hạnh phúc, chúng tôi cũng thấy hạnh phúc, thấy vui cùng người dân", lời Trung tá Mai Xuân Đạt.

Ngày 3/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định số 100, thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang - nay là Bộ đội Biên phòng. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự ra đời của Bộ đội Biên phòng - lực lượng vũ trang chuyên trách bảo vệ biên giới quốc gia. Ngày 3/3 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của Bộ đội Biên phòng.

Bộ đội Biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng, Nhà nước; một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và các cửa khẩu theo phạm vi nhiệm vụ do pháp luật quy định và là một lực lượng thành viên trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới.

* Thơ Nguyễn Đại Duẫn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem