Để mô tả cái cách Arsenal thắng đậm Chelsea 3-0, nhật báo Guardian hôm qua đã dùng chữ “huỷ diệt”. Với những diễn biến thi đấu như vậy, quả là chẳng còn cách dùng từ nào chính xác hơn thế.
Arsenal đã tức tốc bao phủ trận địa phòng thủ của Chelsea ngay từ đầu. Họ dùng tốc độ của Walcott ở cánh phải, kỹ thuật và sự khôn ngoan của Ozil ở cánh trái, những đường chuyền phát động bóng hiệu quả của Cazorla ở giữa cũng như lối di chuyển đa dạng của Sanchez trên tuyến đầu để gây rối Chelsea. Dù đã biết Arsenal đang lên chân rõ rệt, thắng liên tiếp nhiều trận gần đây, khán giả Emirates Stadium chắc hẳn vẫn bất ngờ với màn trình diễn hôm 24-9.
Sức ép dành cho HLV Conte ngày một lớn.
Một phần là do họ không đá bằng năng lực thường ngày mà đã nhân nó lên bằng rất nhiều cảm xúc đặc biệt: Cảm xúc của ngày kỷ niệm tròn 20 năm Wenger cầm quân. Cảm xúc của một trận derby. Cảm xúc của biết bao lần thua đau Chelsea trước đây. Để rồi sau 3 năm rưỡi không ghi nổi một bàn Premier League nào vào lưới Chelsea, đội hình Arsenal đã có luôn 3 bàn chỉ trong hiệp đấu đầu tiên. Đó là bàn thắng của Alexis Sanchez, Walcott và Ozil.
Mặc dù vậy, nếu đã theo dõi trận đấu, bất cứ ai cũng sẽ thừa nhận rằng Arsenal huỷ diệt bao nhiêu thì Chelsea cũng tự huỷ diệt bấy nhiêu. Khâu phòng thủ tệ hại của Chelsea đã tự nhấn cái nút ấy sớm hơn trận hoà Swansea 2-2, sớm hơn trận thua Liverpool 1-2, cũng sớm hơn trận thắng ngược Leicester 4-2 ở Cúp Liên đoàn. Tức là khỏi phải chờ tới phút 17 để thua bàn thứ nhất rồi phút 34 hoặc 36 cho bàn thứ nhì như 2 trận gần đây, Chelsea đã biếu không Arsenal quả đầu tiên ở phút 11 rồi thua tiếp một bàn ngay sau đó 141 giây đồng hồ!
Lỗi của ai, hay nói cho đúng là những ai thì đã rõ như ban ngày. Hậu vệ biên Ivanovic lừng khừng một lúc rồi mới chuyền ngang vào trong thì đã là dở rồi. Ở vị trí chốt chặn cuối cùng, trung vệ già dặn Cahill còn tai hại hơn. Thay vì dứt khoát phá lên hoặc chuyền về thì anh ta lại lúng túng thả nhẹ quả bóng sang một bên như thể đã cố ý dọn cỗ cho tiền đạo đối phương vậy. Một chuyên gia tấn công như Sanchez thì đương nhiên không bỏ lỡ cơ hội này - Sanchez đã điệu nghệ bấm bóng mở tỷ số đúng lúc thủ thành Chelsea đổ người tới. Nhìn cảnh tượng Cahill vùi gương mặt đỏ bừng vào 2 bàn tay sau khi Sanchez mở tỷ số, ngay cả trẻ con cũng biết Cahill đã hổ thẹn và hối hận đến nhường nào. Đó là lỗi sơ đẳng, rất khó tha thứ.
Như chúng ta đã thấy, nhờ món quà của Cahill mà Arsenal đã dễ dàng nhào nặn ra bàn thứ nhì của Walcott. Và đã có quả thứ nhì thì Arsenal lại càng dễ đá hơn, dễ thắng hơn. Bàn 3-0 của Oezil ở phút 40 được xem là cú kết liễu. Nó đưa hẳn ưu thế tỷ số của Arsenal ra ngoài tầm với của đối thủ. Nó gieo rắc cảm giác chán chường tuyệt vọng cho ít nhất 10 vị trí Chelsea phía dưới Diego Costa. Đến phút 82, đội hình Chelsea mới có dứt điểm đúng hướng đầu tiên. Quá ít, quá trễ rồi.
Kết quả này đưa Arsenal lên hạng 3 và đẩy Chelsea xuống thứ 8. Mặc dù vậy, chuyện thứ bậc trong lúc này chỉ là chuyện nhỏ. Điều đáng nói hơn ở đây là tình trạng lọt lưới mỗi trận ít nhất 2 bàn trong 4 lần ra sân gần nhất, các hậu vệ phạm sai sót liên miên, phối hợp phòng thủ mà cứ như là “những người lạ mò mẫm tìm nhau trong bóng tối” (Guardian), còn tấn công thì càng về sau này càng nghèo đi trong ý tưởng và đương nhiên là cũng giảm đi về hiệu quả.
Tại sao vậy? “Ở trận thua Arsenal, tôi thấy ngay từ đầu Chelsea đã không có quyết tâm đúng mức. Chúng tôi chơi tệ hại trước một đối thủ chặt chẽ, cứng cỏi, chuẩn bị rất kỹ lưỡng về chiến thuật. Chelsea chỉ còn là một đội bóng vĩ đại trên giấy tờ mà thôi”, Conte tuyên bố sau trận đấu. Tất nhiên ông đã nói đúng. Nhưng nếu danh hiệu vô địch Premier League cách đây 16 tháng chỉ còn như một ảo ảnh, danh tiếng ngôi sao Chelsea chỉ còn là một cái gì đó xa xôi thì cũng có đây một câu hỏi dành cho Conte: Phải chăng ông cũng chỉ vĩ đại ở nước Ý?
Câu hỏi này được nêu ra bởi vì người hâm mộ Chelsea không thể không đối chiếu với những gì Conte từng làm cho Juve, cho đội tuyển Ý. Ở đó, ông đã từng biến hàng phòng thủ đang lọt lưới rất nhiều thành những trung vệ hàng đầu thế giới. Ông xây dựng được những đội hình nguy hiểm. Với Chelsea thì hoàn toàn ngược lại: khâu phòng ngự ngày càng lọt lưới sớm, khâu tấn công ngày càng khó ghi bàn, và Conte thì bất lực. Dường như Conte và Chelsea chỉ gượng được vài trận đầu mùa, giờ là lúc đổ dốc không phanh...
Hưng Nguyên (Sài Gòn Giải Phóng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.