Chuyện thu phí vào TP.HCM: Sao cứ phải tìm cách đè xe ra đánh?

Thứ bảy, ngày 23/12/2017 06:00 AM (GMT+7)
Câu chuyện thu phí ôtô vào trung tâm ở TP.HCM một lần nữa làm dậy sóng dư luận trong cả nước, chứ không riêng gì ở nơi nảy ra đề xuất ý tưởng trên.
Bình luận 0

Chuyện thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM thực tế có từ hồi đầu thập kỷ này. Ý tưởng này bị bác, không phải chỉ có ý kiến phản đối từ dư luận mà còn có nhiều vấn đề mà đơn vị nghiên cứu chưa thể làm rõ. Ở lần tái khởi động ý tưởng này cũng vậy. Dư luận tiếp tục phản đối, vì không tin vào lý thuyết thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM sẽ giảm ùn tắc. Đơn vị nghiên cứu không nêu được những giải pháp đồng bộ trong việc hạn chế ùn tắc giao thông. Lần này có đề cập việc áp dụng theo mô hình của nhiều nước trên thế giới nhưng không phân tích đúng đặc thù của TP.HCM, nên không khả thi.

img

Giờ có đè “xe” ra xử theo hình thức thu phí vào khu trung tâm, nhưng với cách quản lý đô thị hiện tại của TPHCM, đừng nói đến khu trung tâm mà ngay tại các cửa ngõ vào TP.HCM câu chuyện kẹt xe ngày càng gia tăng.

Đã có không ít ý kiến cho rằng, đúng ra việc kéo giảm ùn tắc giao thông phải bắt đầu “xử” từ việc buông lỏng quản lý, không nên đè xe ra xử. Ai cũng biết, việc hạn chế phương tiện giao thông theo kiểu thu phí, tăng phí “chỉ hợp lý và có thể góp phần giảm ùn tắc giao thông khi các cơ quan chức năng trong lĩnh vực quản lý đô thị làm đúng quy hoạch”. Đằng này, nhìn lại việc quản lý đô thị và quy hoạch đô thị ở TP.HCM ai cũng sợ. Trước đây, ai cũng khoái “chui” qua hầm vượt sông Sài Gòn để đi về hướng quận 9 hay Đồng Nai vì “đường thông, hè thoáng”, thì nay, ai cũng sợ bởi kẹt xe đã kéo đến đây. Nguyên nhân là “trung tâm tài chính Thủ Thiêm” hay “Phố Đông Sài Gòn” chỉ toàn là khu căn hộ với mỗi khu cao hàng chục tầng, thử hỏi làm sao đường sá không quá tải? Nếu có thêm vài con đường và vài cây cầu nữa nối Thủ Thiêm với quận 1, việc ùn tắc ở Thủ Thiêm trong tương lai vẫn không tránh khỏi. Nói vậy để thấy lỗi ở khâu quy hoạch và quản lý quy hoạch, chứ lỗi đâu ở chiếc xe!

Còn ở nội thành, ngay từ năm 2003, khi tình trạng ùn ứ bắt đầu xuất hiện ở khu trung tâm, chính quyền bắt đầu tính đến chuyện hạn chế xây dựng các cao ốc văn phòng, chung cư cao tầng, trường đại học ở khu trung tâm, nhưng cao ốc vẫn mọc đầy ở trung tâm. Khi lãnh đạo TP.HCM quy hoạch 930ha với việc lấy khu quận 3 làm khu thấp tầng hồi năm 2013, làm nhiều người mừng. Thế nhưng, nỗi vui lại chẳng tày gang, sau đó, cao ốc mọc ở khu thấp tầng với hằng hà sa số lý do. Hỏi sao không quá tải, không kẹt cứng ở khu trung tâm?

Giờ có đè “xe” ra xử theo hình thức thu phí vào khu trung tâm, nhưng với cách quản lý đô thị hiện tại của TPHCM, đừng nói đến khu trung tâm mà ngay tại các cửa ngõ vào TP.HCM câu chuyện kẹt xe ngày càng gia tăng. Vào lúc này, nếu ai đi qua “con đường làng” Nguyễn Thị Tú nối dài qua đường Vĩnh Lộc (nối Bình Tân và Bình Chánh) chắc sẽ không ai tin vào mắt mình. Tuyến đường này đã trở thành điểm nóng kẹt xe suốt từ sáng sớm tinh mơ đến tối mịt mờ. Lý do? Chính là chuyện buông lỏng quản lý trong xây dựng. Bằng chứng là hàng loạt diện tích đất nông nghiệp biến thành đất ở. Con người theo đó tăng nhanh, xe cộ mới đầy đường... Hãy xử người làm sai trước khi xử xe.

Quân Minh (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem