Theo ban tổ chức (BTC), Lễ tuyên thệ kép là cần thiết, vì theo điều khoản 20 trong Hiến pháp Mỹ, nhiệm kỳ tổng thống (TT) kết thúc vào giữa trưa ngày 20.1, nhưng hôm ấy là ngày Chủ nhật và theo truyền thống, các buổi lễ nhậm chức hoành tráng trước công chúng thường không được tổ chức vào ngày này.
|
Ông bà Obama ở Dạ vũ nhậm chức 2009 |
Thề vấp, thề lại
Do đó, ông Obama sẽ tuyên thệ trong một buổi lễ nhỏ tại Nhà Trắng vào ngày 20.1, trước khi lặp lại nghi thức tuyên thệ trước mặt công chúng vào ngày kế tiếp, ở mặt tiền Đồi Capitol (trụ sở Quốc hội Mỹ). Sau nghi thức này, cuộc diễu hành của gia đình TT từ Đồi Capitol về Nhà Trắng cùng các dạ vũ sẽ được tiến hành trong ngày 21.1, cũng trùng ngày lễ tưởng niệm biểu tượng dân quyền Martin Luther King Jr.
Đây không phải lần đầu tiên ông Obama phải tiến hành hai buổi lễ tuyên thệ. Ngày 20.1.2009, Chủ tịch Tối cao Pháp viện John Roberts đọc vấp khi cử hành nghi thức tuyên thệ cho ông Obama, nên sau đó, ông được mời đến Nhà Trắng để lặp lại nghi thức này.
Hiến pháp Mỹ ghi một câu mà TT Mỹ phải đọc đúng từng chữ trong lễ tuyên thệ: “Tôi long trọng thề (hoặc khẳng định) rằng sẽ trung thành thực hiện chức vụ Tổng thống Mỹ và sẽ dốc hết khả năng để giữ gìn, bảo vệ và bênh vực Hiến pháp Mỹ…” (I do solemnly swear (or affirm) that I will faithfully execute the Office of President of the United States, and will to the best of my ability, preserve, protect and defend the Constitution of the United States...).
Nhưng hôm ấy ở Đồi Capitol, ông thẩm phán Roberts đã nhắc sai vị trí của từ “faithfully” trong câu tuyên thệ khiến ông Obama đọc sai theo: thay vì nói “faithfully execute the Office of the President of the United States” thì ông Obama đã đọc “execute the Office of the President of the United States faithfully”. Ông Obama đã cẩn thận đọc lại lời tuyên thệ tại Nhà Trắng vào ngày 21.1.2009.
|
Tổng thống Obama tuyên thệ với sách Thánh kinh trên tay vợ Michelle, 2 con gái chứng kiến |
Đặt tay lên hai Thánh kinh
Khi tuyên thệ nhậm chức, ông Obama sẽ đặt cả hai tay lên hai sách Kinh thánh của TT Abraham Lincoln và mục sư King, như một biểu tượng tôn vinh hai người Mỹ đề cao quyền dân chủ. Quyển sách kinh của Lincoln có bìa màu rượu chát đỏ, gồm cả Cựu ước và Tân ước, đã được ông dùng ở lễ nhậm chức ngày 4.3.1861.
Ở lễ nhậm chức đầu tiên của TT Obama, lần đầu tiên quyển này được hai TT sử dụng và vài ngày tới sẽ là lần thứ hai. Trong lễ nhậm chức của TT Lincoln, đứng trước tình trạng phân hóa trầm trọng của đất nước, ông Lincoln đọc diễn văn kêu gọi nước Mỹ đoàn kết. Theo BTC, việc ông Obama dùng quyển Kinh thánh mà Lincoln đã sử dụng như một biểu tượng nhắc nhở, nhấn mạnh tới sự đoàn kết của nước Mỹ và sự gắn kết với quá khứ.
Quyển Kinh thánh của Luther King được gia đình vị mục sư cho mượn, vì trùng ngày tôn vinh ông từng có bài diễn văn “Tôi có một giấc mơ” (hồi 50 năm trước) trước tượng đài Lincoln. Khi nhậm chức, ông Obama sẽ đối diện tượng đài này. Các con của King nói lúc đầu đi giảng đạo, bố họ luôn sử dụng sách này. Chỉ có ông Obama là TT Mỹ sử dụng quyển này. Việc chọn 2 quyển Kinh thánh là một biểu tượng về cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng ở Mỹ, bắt đầu bằng việc Lincoln xóa bỏ chế độ hồi 150 năm trước, rồi đến phong trào đòi quyền dân chủ của King và ông Obama trở thành TT Mỹ da màu đầu tiên.
BTC cho biết ông Obama sẽ đặt tay trái lên hai quyển sách nằm trên tay đệ nhất phu nhân Michelle Obama, tay phải giơ lên khi ông đọc lời tuyên thệ theo chánh án Roberts. Ông cũng tính sử dụng quyển Kinh thánh của mẹ vợ ông trong lễ tuyên thệ nhỏ tại Nhà Trắng ngày 20.1. Ông còn dự tính sẽ tôn vinh những nỗ lực phục vụ của King trong những ngày cuối tuần trước lễ tuyên thệ, bắt đầu bằng việc đề nghị dân Mỹ làm những việc công ích nơi cộng đồng của họ trong ngày 19.1.
BTC cũng nêu sẽ có một chiếc “kiệu tôn vinh King ở cuộc diễu hành về Nhà Trắng. Phó TT Joe Biden sẽ dùng một quyển Thánh kinh có cây thập giá ở trang bìa mà dòng họ ông dùng từ 120 năm nay. Mỗi khi nhậm chức này chức nọ, ông Biden đều dùng quyển này, kể từ lúc trúng suất Thượng viện hồi 40 năm trước, cho đến lúc nhậm chức phó TT hồi năm 2009.
|
Beyoncé hát quốc ca ở lễ nhậm chức năm 2009 |
Nhà thơ “gay” dự lễ nhậm chức
Lễ nhậm chức còn có nghi thức một tu sĩ cầu nguyện rồi ban phép lành cho TT Obama, nhưng linh mục Louie Giglio là người được ông Obama chọn đã phải rút lui, vì vào những năm 1990, trong một bài giảng 51 phút với các tín đồ, Giglio kêu gọi các tín đồ phải chống “những hoạt động hung hăng” của các tổ chức đòi quyền đồng tính ái.
Trong bài giảng ấy, Giglio nói “dưới mắt Chúa, đồng tính dục là tội lỗi và quyền năng chữa lành của Jesus là cách duy nhất để thoát khỏi lối sống bệnh hoạn đó”. Giglio nói ông sẽ liên tục cầu nguyện cho TT, cả trong ngày nhậm chức nhưng ông không muốn trở thành một điểm chú ý trong ngày này. BTC nói họ không hề biết lời giảng trước kia của Giglio.
Hiện Mỹ đang có cuộc đấu tranh đòi quyền hôn nhân đồng tính dục, mà gần đây, việc ông Obama giới thiệu cựu thượng nghị sĩ Chuck Hagel làm Bộ trưởng Quốc phòng cũng khiến các cộng đồng đồng tính dục bức xúc, vì vào những năm 1990, Hagel cũng có những lời lẽ không hay về họ. BTC không hề muốn cùng lúc có hai cuộc tranh cãi về quyền làm “gay” (đồng tính dục).
Năm 2009, ông Obama cũng từng chọc giận cộng đồng này, khi chọn người phép lành là linh mục Rick Warren một người phản đối kịch liệt hôn nhân đồng giới. Ông Obama từng chống vấn đề này nhưng đến năm 2012 phải xoay qua ủng hộ, để có thể lấy được lá phiếu của họ. Ông Obama cũng chọn một nhà thơ vô danh gốc Cuba làm người biểu diễn tại lễ nhậm chức, và Blanco 44 tuổi sẽ là “dân gay” đầu tiên được vinh dự này. Ông Obama cũng lần thứ hai mời một hội nhạc sĩ “gay” và “lesbian” (đồng tính dục nữ) tham gia cuộc diễu hành.
Đề phòng “Sói cô độc”
Dự kiến buổi lễ nhậm chức sẽ chỉ có 600.000 người Mỹ đứng dọc Công viên quốc gia trong thời tiết lạnh để theo dõi sự kiện qua màn ảnh nhỏ, so với năm 2009 có 1,8 triệu người. Để chuẩn bị cho sự kiện này, Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã lên kế hoạch ứng phó trước kịch bản tấn công của những phần tử riêng lẻ, không thuộc các nhóm khủng bố có tổ chức.
Những đối tượng như thế được gọi là “sói cô độc”. Một quan chức của đơn vị chống khủng bố thuộc FBI là Michael Clancy cho biết: “Mối đe dọa lớn nhất, điều khiến bạn trằn trọc suốt đêm, chính là những tên hành động một mình”. Đến nay, dư luận Mỹ vẫn chưa quên vụ khủng bố vào năm 1995 tại Oklahoma, khiến 168 người thiệt mạng và hơn 800 người bị thương.
Khi đó, chỉ có một thủ phạm là “sói cô độc” Timothy McVeigh. Để đảm bảo an toàn cho lễ nhậm chức, FBI phối hợp với quân đội, Bộ An ninh nội địa và lực lượng mật vụ chuyên bảo vệ các yếu nhân. Thông thường sẽ có hàng chục ngàn cảnh sát và binh sĩ được triển khai trong ngày trọng đại trên. Những tay súng bắn tỉa chuyên nghiệp cũng được bố trí trên các nóc nhà dọc theo tuyến đường diễu hành.
Vào ngày lễ nhậm chức, gia đình ông Obama sẽ đến nhà thờ dự lễ rồi di chuyển đến Đồi Capitol. Buổi lễ sẽ diễn ra trên một sân khấu gỗ rộng 923m2 để có chỗ ngồi cho 1.600 thượng khách gồm TT Obama, phó TT Biden và gia đình họ, các thượng và hạ nghị sĩ, quan chức chính phủ, chánh án Tòa án tối cao, các cựu TT, thống đốc bang, các đại diện ngoại giao.
Các khán đài không có mái che là chỗ của dàn đồng ca và các khách khác. Ngoài nhà thơ “gay” Blanco, xem ra ông Obama thích nữ ca sĩ nhạc R&B Beyoncé, một người bạn của gia đình ông, nên cô sẽ hát quốc ca Mỹ tại lễ nhậm chức của ông. Nam ca sĩ Kelly Clarkson sẽ hát My Country 'Tis of Thee, ca khúc mà nữ danh ca lão thành Aretha Franklin từng hát trong lễ nhậm chức đầu tiên của ông Obama. Hồi ấy, Beyoncé hát ca khúc At Last nổi tiếng của nữ ca sĩ Etta James trong khi vợ chồng ông Obama khiêu vũ. Ngoài ra, buổi lễ còn có sự tham gia biểu diễn của nam ca sĩ James Taylor, rocker từng năm lần đoạt giải Grammy.
“Tiền là tiền nhiều lúc có cũng như không”
Sau lễ nhậm chức, gia đình TT mở tiệc nhỏ trong Đồi Capitol, rồi họ tham dự lễ diễu hành trên đại lộ Pennsylvania để trở về Nhà Trắng. Tối hôm ấy, ông bà Obama sẽ là “cặp đôi hoàn hảo” của hai cuộc dạ tiệc có khiêu vũ. Năm 2009, ông bà được đánh giá khiêu vũ rất lãng mạn và lả lướt. Nhưng hồi ấy ông bà phải dự 10 cuộc dạ vũ.
Năm nay ông Obama muốn tiết kiệm và giữ sức khỏe nên chỉ tổ chức hai cuộc và không tổ chức các buổi hòa nhạc. BTC nói phải giảm các dạ vũ vì kinh tế Mỹ khó khăn và giảm nhẹ gánh nặng cho các cận vệ, cảnh sát và cư dân thủ đô Washington. Mặt khác, cũng để vợ chồng Obama không phải nhảy theo chỉ một bài hát ở từng dạ vũ, trước ống kính thu hình sau một ngày mệt nhoài. TT George W. Bush từng công khai sự bực mình trong lần tái nhậm chức, vì cứ phải nhảy mãi theo liên khúc nhạc gồm bản “Anh có thể nhảy suốt đêm”. Hồi năm 2005, ông Bush và vợ Laura chỉ nhảy đúng 8 phút 54 giây ở 10 dạ vũ, rồi ông về Nhà Trắng lúc 10 giờ tối và đi ngủ sớm.
Hai buổi dạ vũ của vợ chồng Obama là Dạ vũ của tổng tư lệnh quân đội dự kiến có 4.000 người dự: truyền thống này bắt đầu từ thời TT George W. Bush hồi năm 2005, để binh lính có cơ hội gặp chỉ huy tối cao của họ. Dạ vũ này tổ chức ở tầng 3 của tòa nhà Washington Convention Center vốn cách Nhà Trắng chỉ nửa dặm. Lính dự bị, đang tại ngũ được tặng vé miễn phí để đưa vợ hoặc người yêu tới so bì kiểu ăn mặc với bà Obama hay bà Jill vợ phó TT Biden, và nhảy đầm với vợ chồng Obama.
To nhất là Dạ vũ nhậm chức để mừng kết thúc năm tranh cử và chúc mừng TT. Tiệc này dự kiến có hơn 35.000 cặp muốn được ngồi gần vợ chồng Obama trong 5 sảnh có diện tích 6.500m2 của tòa nhà Washington Convention Center, nơi 4 năm trước đã tổ chức những 6 dạ vũ mừng tân TT Obama.
Những dân thường muốn dự dạ vũ này phải tranh nhau để mua một số ít vé bán giá 60USD, vì đa số vé bán khác dành cho những người tình nguyện vận động tranh cử, lãnh đạo địa phương, các quan chức và các khách mời, cùng những mạnh thường quân nào chịu “thể theo yêu cầu” đóng góp kinh phí tổ chức các sự kiện mừng TT: mỗi cá nhân có quyền đóng tối đa 250.000USD, các công ty thì đóng 1 triệu USD. Đây là mức giá mà ông Bush ấn định hồi năm 2005. Các vé họ “mua” sẽ được phát vài ngày trước lễ nhậm chức.
Hồi năm 2009, BTC đã quyên được 53 triệu USD để tổ chức các dạ vũ mừng lễ nhậm chức đầu tiên của ông Obama. Lúc đó, ông từ chối nhận tiền đóng góp của các công ty, các cá nhân chỉ được cho phép đóng góp tối đa 50.000USD. Dự kiến năm nay sẽ không thể có được số tiền 53 triệu USD, BTC phải nâng giá đóng góp, vì hết khí thế của năm 2009, khi ông Obama trở thành TT da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ, và vì cuộc tranh cử TT của ông Obama đã “ngốn” 715 triệu USD.
Theo Thế giới & Hội nhập
Vui lòng nhập nội dung bình luận.