Chuyện tình cảm động nơi trại giam và chờ đợi nẻo về tươi sáng

Chủ nhật, ngày 07/09/2014 14:14 PM (GMT+7)
Tiễn vợ vào trại, anh nắm chắc tay như một lời giao ước, người ngoài sẽ chờ đợi và người trong phải gắng cải tạo để làm lại cuộc đời...
Bình luận 0
 Phạm Tú Dương, 33 tuổi, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Diệm Màu Sơn, là một trong những công ty khá nổi tiếng ở TP.HCM trong lĩnh vực kinh doanh, in màu. Ông chủ trẻ nắm trong tay hơn 50 nhân viên này là một người khá trầm tính, năng động và tháo vát.

Nhìn bề ngoài, ít ai biết rằng, để có được ngày hôm nay, Dương đã phải trải qua một quá trình tự đấu tranh rất vất vả, gia đình vướng vào ma túy, kéo theo tuổi trẻ của anh cũng chìm đắm vào những vòng tối u mê của cái chết trắng. Điều kỳ diệu đến từ trong song sắt, tình yêu chớm nở đã giúp anh quyết tâm làm lại cuộc đời.

Tuổi thơ dữ dội giữa “rốn ma túy” Hà thành

Phạm Tú Dương sinh ra trong một gia đình tương đối khá giả ở xóm bụi Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng. Lần lượt những người thân trong gia đình Dương đều sa ngã, từ bố mẹ đến chị và em trai đều lập bập theo chân nhau đi buôn ma túy, rồi cùng vướng vào vòng lao lý.
img
Anh Phạm Tú Dương và con trai.

Từ đấy, bắt đầu là những ngày dài tháng rộng tối đâu là nhà, ngã đâu là giường cùng chúng bạn. Ngày Phạm Tú Dương chính thức vướng vào ma túy, cũng chính là thời điểm tòa án phán xét mức án tù cho bố mẹ của mình với mức án 17 năm tù cho bố và 4 năm tù cho mẹ. Dương, dù đã cố gắng gồng mình trước cám dỗ, song ma lực vô song của đồng tiền bất chính đã quật ngã anh. Đang học dở lớp 11, bố mẹ vướng vòng lao lý, phần vì chán nản, phần nữa là do xấu hổ, Dương đã bỏ ngang chuyện học hành.

Cách đây độ dăm năm, bố Dương đã mất trong trại giam vì căn bệnh lao, còn mẹ Dương đã về được 3 năm nay. Bà chọn cách sống thu mình, lặng lẽ và ít tiếp xúc với mọi người xung quanh.

Tình yêu đến từ trong trại giam

Với quyết tâm làm lại cuộc đời sau thời gian chìm vào cái chết trắng, Dương lấy vợ để giã từ quá khứ, song đêm trước ngày ăn hỏi, anh đã bị bắt. Mức án 7 năm 6 tháng tù được tuyên sau đó, ít ai ngờ rằng, môi trường trại giam lại chính là cái nôi nảy nở tình yêu, ươm mầm hạnh phúc. Dù rằng, hạnh phúc ấy sau này có đôi phần bị hao khuyết.

Phạm Tú Dương được chuyển đến thụ án tại Phân trại số 1 Trại giam số 6 đóng trên địa bàn xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Với chút kiến thức về âm nhạc được học từ hồi nhỏ, cộng với giọng hát trời phú, Dương được “biên chế” vào đội văn nghệ phạm nhân, phụ trách nhạc công. Tại đây, tiếng sét ái tình đã đánh trúng tim, kể từ khi có thêm phạm nhân mới được bổ sung về đội văn nghệ, đó là phạm nhân Trần Minh Nguyệt.

Nguyệt, cô gái trẻ chưa tròn hai mươi tuổi, tròn trịa như vầng trăng đêm mười sáu. Không như anh, Nguyệt sinh ra trong một gia đình giàu có ở Hà thành, song vì mải mê kiếm tiền, họ đã buông lỏng quản lý khiến Nguyệt vướng vào thuốc lắc, rồi ma túy, từ đấy trượt dài trên những cuộc chơi không hợp pháp, bị bắt và thụ án cùng phân trại với Dương.
img
Vợ con anh Phạm Tú Dương tại Trại giam số 6.

Tình yêu nảy sinh trong đất trại, không ai bảo ai, cả Dương và Nguyệt đều tự nhủ sẽ gắng cải tạo tốt để sớm được về với xã hội, làm lại cuộc đời và xây dựng hạnh phúc. Rồi ngày đó cũng đến, một sáng cuối tháng 8.2006, cả Phạm Tú Dương và Trần Minh Nguyệt cùng được đặc xá một ngày.

Nắm tay nhau bước ra khỏi cánh cửa trại giam, cả hai tin rằng sẽ đủ niềm tin để bỏ lại quá khứ sau lưng, cùng xây đắp một tương lai sáng phía trước. Một tháng sau ngày ra trại, một đám cưới từng bừng ở “xóm ma túy” Thanh Nhàn được tổ chức. Đến lúc cậu trai kháu khỉnh chào đời trong sự ngập tràn hạnh phúc thì mọi người đã tin rằng, quả ngọt đã thực sự dành cho người biết kiên trì phục thiện.

Để mưu sinh, Dương vào TP.HCM để lập nghiệp và tại đây, chỉ sau 2 năm, Phạm Tú Dương đã tạo dựng được một công ty khá uy tín, kinh doanh trong lĩnh vực in ấn, sơn màu. Khi đã mua được nhà, chuẩn bị đón vợ con vào sum họp thì anh đau đớn nhận được tin, vợ lại bị bắt vì ma túy và bị tòa tuyên án 6 năm tù giam.

Trời đất lại một lần nữa sụp đổ trước mắt Dương, nhưng anh không được phép gục ngã. Mẹ già và đứa con trai lên 3 là động lực để anh đứng vững. Tiễn vợ vào trại, anh nắm chắc tay như một lời giao ước, người ngoài sẽ chờ đợi và người trong phải gắng cải tạo để làm lại cuộc đời.
img
Thi thoảng, hai mẹ con lại được hội ngộ với nhau trong trại giam, khi anh Dương thăm nuôi vợ.

4 năm trôi qua, một mình lập nghiệp ở Sài thành, căn nhà rộng vắng tiếng cười con thơ, đứa trẻ đã đi học, nhưng anh đang gửi nhờ bà nội chăm sóc. Chỉ vài năm nữa thôi là vợ anh sẽ trở về, lần này, nhất định Dương không buông tay vợ thêm một khoảnh khắc nào nữa.

Là ông chủ của hơn 50 nhân công, đảm bảo mức sống cho họ với mức tiền lương 3 triệu đồng/tháng, thu nhập của công ty mỗi năm còn đạt trên dưới 1 tỷ đồng. Bận bịu với trăm công nghìn việc, song Phạm Tú Dương vẫn dành một khoảng thời gian nhất định hàng tháng để bay ra Hà Nội thăm con và vào Trại giam số 6 thăm nuôi vợ.

Lần thứ hai nhập trại, Nguyệt vẫn ở đội văn nghệ phạm nhân, và là tiếng hát không thể thiếu trong các hội diễn. Dương kể, lần nào gặp nhau, Nguyệt cũng khóc, bày tỏ sự ân hận và nỗi nhớ con vô bờ bến. Chỉ còn quãng thời gian rất ngắn nữa là phạm nhân Nguyệt sẽ trả xong án. Hai lần nhập trại với hơn 10 năm ăn cơm tù trong khi tuổi đời chưa quá 30, chừng ấy thời gian hẳn sẽ là một bài học đau đớn cho cô gái trẻ lầm lỡ này.
(Theo Thể thao Việt Nam )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem