Phiên toà hình sự phúc thẩm xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn Dương (Vinashinlines) đã kết thúc ngày 18.8 với hai án tử hình dành cho Trần Văn Liêm (62 tuổi, cựu Tổng giám đốc Vinashinlines) và Giang Kim Đạt (40 tuổi, cựu quyền Trưởng phòng Kinh doanh Vinashinlines); một án chung thân dành cho Trần Văn Khương (67 tuổi, cựu Kế toán trưởng Vinashinlines) cùng về tội tham ô tài sản. Bố đẻ Đạt là Giang Văn Hiển bị phạt 12 năm tù về tội rửa tiền.
Tại phiên xử phúc thẩm đại án này, ông Liêm và Đạt khai về mối lương duyên của họ khi cả hai còn đương chức. Từ đó mở ra con đường quan lộ thênh thang cho Đạt và cả cách kiếm hàng trăm tỷ đồng dễ như... trở bàn tay.
Ba bị cáo (từ trái sang): Đạt, Liêm và Khương.
Khai về "mối duyên" này, ông Liêm cho hay, trong một buổi gặp mặt một số người quen ở TP.HCM, ông tình cờ gặp Đạt. Ngay buổi gặp đầu tiên đó, ông Liêm đã ấn tượng bởi sự hiểu biết của Đạt về lĩnh vực hàng hải và cả mối quan hệ rộng của Đạt với các đối tác kinh doanh lĩnh vực tàu biển. Từ đó, ông Liêm và Đạt thường xuyên duy trì giữ mối quan hệ giao lưu và trao đổi công việc.
Tháng 4-2006, ông Liêm được bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Vinashinlines. Có quyền cao, một năm sau, Tổng giám đốc Liêm tiếp nhận Đạt vào công tác tại Phòng Khai thác 2. Từ đó, Đạt thoải mái ra vào phòng làm việc của Tổng giám đốc mà không cần trình báo ai. Tại đây, con đường quan lộ của Đạt phát triển nhanh chóng nhưng cũng rất kỳ lạ. Vừa ký hợp đồng chưa lâu, Đạt đã được bổ nhiệm chức vụ, nhưng cũng nhanh chóng bị chấm dứt hợp đồng, rồi lại được ký hợp đồng, lại được bổ nhiệm chức vụ cao hơn trong doanh nghiệp này. Tất cả những việc này đều do Tổng giám đốc Liêm thực hiện.
“Trong thời gian tôi giữ chức vụ Tổng giám đốc Vinashinlines thì thị trường tàu biển bắt đầu đi xuống. Vinashinlines có ba con tàu cần bán gấp để tránh lỗ. Lúc đó, Đạt đến tìm gặp tôi và nói có thể tìm giúp mối để bán cho Vinashinlines ba con tàu này. Năm 2008, thị trường tàu biển xảy ra khủng hoảng thực sự. Thấy Đạt khẳng định có nhiều mối hàng để bán được tàu nên tôi tuyển Đạt vào Vinashinlines, ký hợp đồng ngắn hạn, với tư cách là cố vấn cao cấp của Tổng giám đốc", ông Liêm khai.
Cũng theo lời khai của cựu Tổng giám đốc Vinashinlines, sau hơn một tháng làm việc ở Vinashinlines, Đạt không giúp Vinashinlines bán được con tàu nào nên anh ta đã xin nghỉ việc và được chấp nhận. Một thời gian ngắn sau, Đạt lại có nguyện vọng được làm việc tại Vinashinlines và lại được ông Liêm ký hợp đồng tuyển dụng lao động. Nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn, Đạt lại xin nghỉ.
Sau lần thứ hai chấm dứt hợp đồng lao động với Đạt vào tháng 4.2008, một tháng sau, Đạt lại được Vinashinlines tiếp nhận trở lại và được bổ nhiệm chức vụ quyền Trưởng phòng Kinh doanh. Lúc này, Phòng Kinh doanh được Tổng giám đốc Liêm giao nhiệm vụ trực tiếp đàm phán, thỏa thuận các điều kiện, điều khoản của hợp đồng mua tàu và hợp đồng thuê tàu biển. Ông Liêm thống nhất với Đạt trong việc tìm kiếm, giao dịch, thỏa thuận với công ty bán tàu, công ty môi giới để yêu cầu trích lại "hoa hồng" trên tổng giá trị hợp đồng.
Mỗi khi đàm phán, thỏa thuận xong các hợp đồng mua và cho thuê tàu, Đạt đều báo cáo giá mua, cho thuê tàu và số tiền "hoa hồng", tiền gửi giá cước là bao nhiêu đối với từng hợp đồng để ông Liêm quyết định. Sau khi ông Liêm ký kết hợp đồng mua và cho thuê tàu nói trên, Trần Văn Khương với chức vụ Kế toán trưởng của Vinashinlines có trách nhiệm làm thủ tục thanh toán, chuyển tiền cho các công ty bán tàu, làm thủ tục quyết toán vốn đầu tư dự án mua tàu hoàn thành với Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin).
Thực hiện nhiệm vụ được giao thông qua việc thực hiện các hợp đồng mua và cho thuê tàu, Đạt đã chiếm hưởng hơn 260 tỷ đồng. Số tiền hưởng lợi bất hợp pháp này, Đạt chia cho ông Liêm 3,1 tỷ đồng. Số tiền còn lại, Đạt chiếm hưởng riêng mình. Đường quan lộ kỳ lạ của Đạt được ông Liêm lý giải: “Mỗi khi cần đến, tôi lại ký hợp đồng lao động với Đạt để hợp thức hóa vai trò của anh ta ở Vinashinlines”.
Ông Liêm khai, ông không biết khoản tiền chênh lệch mua tàu được hưởng là bao nhiêu, cũng không biết Đạt chiếm hưởng bao nhiêu tiền. Chỉ đến khi đọc kết luận điều tra thì ông biết Đạt thu được số tiền lớn đến như thế. Ngoài việc thực hiện chỉ đạo của ông Liêm, Đạt tự nâng tỷ lệ phần trăm tiền gửi giá mà không báo cáo ông này. Số tiền này cá nhân Đạt chiếm hưởng. Sau khi "qua mặt" ông Liêm đút túi hơn 255 tỷ đồng, Đạt đã bỏ tiền mua tặng vợ ông Liêm ôtô Merceders và giúp ông Liêm tìm mua bất động sản.
Về phần mình, số tiền hơn 255 tỷ đồng tham ô được, Đạt dùng để mua bất động sản tại Việt Nam và nước ngoài, phần còn lại chi tiêu cá nhân. Cơ quan điều tra cũng đã xác minh, làm rõ nguồn gốc tài sản, tiến hành phong tỏa và kê biên 40 bất động sản của Đạt ở trong nước gồm biệt thự, nhà ở, đất ở. Ngoài ra Đạt đã đầu tư mua bất động sản tại Singapore, đặt cọc để mua và thuê hai căn hộ chung cư tại Vương quốc Anh. Ôm hàng trăm tỷ đồng chiếm hưởng bất hợp pháp, khi hành vi phạm tội bị phát hiện, Đạt đã bỏ trốn sang Campuchia và Singapore, đến ngày 7.7.2015 thì bị bắt.
Trước đó khi gây ra vụ án này, năm 2012, ông Liêm đã phải ra hầu tòa về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Liêm bị cáo buộc phạm tội khi giữ chức vụ Trưởng ban Kiểm soát của Vinashin. Bản án hình sự phúc thẩm ngày 30.8.2012 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao đã tuyên phạt ông Liêm 19 năm tù. Trong khi đang thi hành bản án này, sau gần 2 tháng kể từ khi Đạt bị bắt, ông Liêm bị khởi tố bổ sung tội Tham ô tài sản.
Clip: Giây phút Giang Kim Đạt nghe toà tuyên án tử hình tại phiên tòa sơ thẩm.
Nguyễn Hưng (CAND)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.