Chuyện tình tinh khôi của thầy thuốc anh hùng Nguyễn Thiện Thành

Thứ tư, ngày 09/10/2019 04:00 AM (GMT+7)
Là một “người lính blouse trắng”, Giáo sư, Tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân, anh hùng lao động, Đại tá Nguyễn Thiện Thành có mặt trong những giai đoạn khốc liệt nhất của hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Sau giải phóng, ông là Giám đốc đầu tiên của Bệnh viện Thống Nhất, có nhiều nghiên cứu quan trọng và đột phá cho nền y học nước nhà.
Bình luận 0

Đằng sau con người trí tuệ uyên thâm, trái tim hừng hực lửa cách mạng và tấm lòng nhân hậu đối với học trò, người bệnh là cốt cách của một người cha, người chồng, người ông đậm chất Nam bộ: thủy chung, mẫu mực, nghiêm khắc nhưng hết lòng yêu thương gia đình.

img

Tình yêu của ông bà trọn vẹn cho đến cuối cuộc đời.

Tinh khôi một tình yêu

Năm 1945, hai mươi sáu tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Thiện Thành đã có mặt trong đoàn quân Nam tiến với nỗi vui mừng, háo hức không sao tả xiết. Cuộc hành trình trở về ấy ghi dấu nhiều đóng góp của ông cho đất nước, cho y học nước nhà và đặc biệt còn ghi dấu mốc quan trọng trong cuộc đời ông.

Trên mặt trận U Minh, chàng bác sĩ trẻ tài hoa Nguyễn Thiện Thành đã phát hiện cô y tá Dương Thị Minh chính là người con gái mà trời sinh ra để dành cho mình. Từ đó, bên cạnh tình yêu nước nồng nàn, tình yêu mãnh liệt dành cho y học, trái tim ông còn có một góc trang trọng, tha thiết dành cho bà. Để rồi, bên cạnh thời gian dành cho nghiên cứu y học, cho tài liệu, giáo án, bệnh nhân... ông còn dành thời gian cho những lá thư tình. Những lá thư mà bà Minh quả quyết rằng vì đó mà bà yêu ông. Chính tình yêu chân thật và thánh thiện của ông đã khiến trái tim bà “tan chảy”.

Khi tình yêu đủ chín, đủ để họ thấy không thể thiếu nhau trong cuộc đời, một đám cưới đã được diễn ra cũng tại cánh rừng U Minh, nơi ông bà công tác, vào năm 1952. Thương thầy, các em học trò trong lớp học y sĩ ráp nhau làm bánh trái mang tới chung vui. Món quà cưới có giá trị nhất của ông bà chính là 500 riel (tiền Campuchia) do Bộ Tư lệnh Miền gửi tặng cho cô dâu chú rể. Không xe hoa, pháo cưới, không mâm cỗ đón dâu, không lộng lẫy dạ tiệc, họ đã cùng nhau băng qua hơn 60 năm cuộc đời tràn đầy hạnh phúc.

Sáu mươi năm, ông luôn nắm chặt tay bà, không một phút giây buông bỏ. Như cái đận hai người bị bom B-52 vùi dưới hầm, trong giây phút sinh - tử mong manh ấy, ông đã nắm chặt tay bà trong tư thế sẵn sàng chết bên nhau. Như thể, ông yêu bà không phải chỉ ở cuộc đời này mà ông còn muốn ở cạnh bà cả khi hai người cùng về bên kia thế giới. Tình yêu ông dành cho bà đằm thắm, thẳm sâu và bền chặt cho đến tận cuối đời.

Đáp lại tình yêu của chồng, bà cũng chăm chút cho ông từng miếng cơm, giấc ngủ theo cách riêng của người phụ nữ. Bà kể, có lần ông bị sốt tới 39 độ, cơn sốt rét rừng rất đáng sợ đối với bất cứ ai, đúng lúc đó thì có lệnh gọi ông đi cấp cứu cho một bệnh nhân. Nhìn ông run rẩy, bà không yên tâm chút nào. Bà hỏi: “Ông ơi, bây giờ đang sốt như này lại mưa gió nữa thì làm sao ông đi?”. Ông trả lời: “Cứ bỏ chân xuống mà đi thôi”.

Cơn mưa trời Nam như trút nước, có đoạn đường rừng nước ngập đến cả nửa người, ông vẫn lội bằng được để đến nơi. Khi bệnh nhân vừa qua được cơn hiểm nghèo thì đến lượt ông phải cấp cứu nhưng ông mừng lắm vì nghĩa vụ của người thầy thuốc ông đã làm tròn. Nhiều lúc ngắm nhìn ông - người chồng, người đồng đội yêu thương của mình xanh xao, yếu ớt, bà không khỏi xót xa.

“Ổng cũng bị sốt rét, đau ốm nhiều lần vậy mà ông sẵn sàng cho máu đến 11 lần”, bà nhắc lại và không quên con số ấy.

Năm ông ngoài 80 tuổi, trong một lần về quê Trà Vinh, ông cùng đông đủ thành viên trong gia đình đến thăm di tích Ao Bà Om. Sợ ông mệt, mọi người đề nghị ông ngồi lên xe lăn để đưa đi dạo quanh nhưng ông hóm hỉnh xua tay: “Thôi, để tôi tự đi, ngồi xe lăn mất hết khí thế”.

Và ông chậm rãi đi trên con đường uốn lượn quanh ao. Con đường rợp mát bóng cây, những cổ thụ không biết bao mùa chở nắng, chở mưa, chở tuổi thơ ông một thời xa lắc. Ao Bà Om tạo một cảm giác an nhiên, thư thái, cảm giác về một dòng sông không có sóng, dịu dàng và thanh bạch như chưa hề chứng kiến những thăng trầm của lịch sử, như chưa từng trải qua dâu bể của đất trời. Đôi mắt đã kém tinh anh nhưng ánh nhìn đong đầy hoài niệm, mỗi khi trở lại nơi này, trông ông thanh thoát như một người vừa bước ra từ quá khứ.

img

Giáo sư Nguyễn Thiện Thành trong một lần về thăm Cà Mau, nơi ông nghiên cứu và bào chế ra Filatov chữa bệnh cho hàng ngàn người.

Thời khắc ấy có lẽ chỉ một mình bà biết ông đang nghĩ gì, bởi nơi này chính là nơi bà và ông lần đầu gặp nhau, trao nhau ánh mắt và trái tim thổn thức yêu thương. Hồi ấy, giữa hai bờ sống chết, giữa bộn bề công việc, tình yêu như một đốm sáng, như một vì sao mai tiếp thêm niềm tin và hy vọng, dắt họ hồn nhiên băng qua chiến tranh.

Với bà, ông là một người thầy khả kính, người chồng thủy chung, người bạn đời chia sớt ngọt bùi và hơn hết là một người tình vì sự tinh khôi mà ông đối đãi với bà trong cả cuộc đời. Đi đâu, làm việc gì, kể cả khi dự hội nghị hay lúc vào viện, ông cũng đòi bà đưa đi và muốn bà ngồi cạnh bên. Thương nhất là chuyện ba đêm trước khi mất, ông luôn miệng kêu: “Mười ơi! Mười!” (Mười là tên thứ của bà, gọi thân mật theo kiểu người miền Tây Nam bộ).

Khi bà chạy đến hỏi việc gì, ông ơi, ông đau chỗ nào thì ông lặng thinh không trả lời. Hình như ông chỉ cần có vậy, chỉ cần nghe bà lên tiếng, chỉ cần bà ở cạnh bên thôi là ông thấy yên tâm. Vậy rồi ông đi nhẹ tênh, ông đi về phía bên kia bầu trời, nơi mà nếu thật sự có thiên đàng thì ông xứng đáng có được một chỗ trang trọng ở đó vì những gì ông đã tận hiến cho Tổ quốc, vì tình yêu tha thiết mà ông dành cho cuộc đời, cho gia đình, cho người vợ tảo tần và người con trung hiếu chịu nhiều thiệt thòi của ông. Người con ấy là đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh.

“Cha chính là quê hương...”

Niềm hạnh phúc lần đầu được làm cha, được nghe tiếng khóc chào đời của con, với ông đó là một điều kỳ diệu mà tạo hóa dành tặng. Năm 1954, ông mang theo cả gia đình nhỏ của mình tập kết ra Bắc. Mười năm sống và làm việc ở miền Bắc là khoảng thời gian sum vầy hiếm hoi của ông bên cạnh con trai.

Tháng 12-1964, theo yêu cầu nhiệm vụ, giáo sư Nguyễn Thiện Thành trở lại chiến trường miền Nam, nơi cuộc chiến đang từng ngày diễn ra ác liệt, giày xéo quê hương, nơi biết bao chiến sĩ, đồng bào đang chờ đợi bàn tay của người thầy thuốc. Từ giã vợ con trên con tàu không số, ông ra đi bằng niềm tin chiến thắng và câu ước hẹn trùng phùng.

Nhưng chỉ có bà, ba năm sau vì thương chồng bệnh tật (ông Thành bị cắt ¼ dạ dày thời chống Pháp) đã xin vào Nam theo ông, vừa cùng chồng tham gia kháng chiến, vừa sát cánh giúp đỡ, chăm sóc ông. Còn với người con trai thì mãi đến khi đất nước thống nhất và đến năm 1983, cha con mới thực sự được sum họp.

img

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đưa cha - giáo sư Nguyễn Thiện Thành tới nhà hát lớn nghe hòa nhạc.

Mười tám năm xa cách, nỗi nhớ con trong ông giống như những cơn sóng ngầm, nó cuồn cuộn, giằng xé, chỉ một mình ông cảm nhận được. Đứa con mà ông đã từng nhường phần sữa của mình hồi nó còn bé xíu ở trong rừng (đó là phần sữa tiêu chuẩn đơn vị phát cho ông vì ông bị đau dạ dày nặng). Những giọt sữa ngày ấy rất quý, “không có tiền mua, mà cũng không có ai bán”, những giọt sữa mang giá trị của tình phụ tử thiêng liêng.

Nhớ lại câu chuyện đã đi qua hơn nửa đời người, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân kể, năm 16 tuổi, ông nhận được một chiếc khăn tay mẹ gửi ra từ chiến trường miền Nam. Ông vẫn nhớ ở viền ngoài của chiếc khăn có thêu chữ “Nguyễn Thiện Nhân” màu xanh thật đẹp nhưng ông rất thắc mắc không hiểu vì sao góc của chiếc khăn lại có một cái lỗ nhỏ. Cho đến khi được gặp lại cha mẹ, Nguyễn Thiện Nhân mới biết chiếc khăn ấy chính là vạt áo của mẹ được cắt ra nên vẫn còn nguyên cái lỗ cài khuy áo.

Ở chiến trường, mỗi khi mặt trận im tiếng súng, bà lại nhớ và thương con đến quặn lòng. Để nguôi ngoai nỗi nhớ con, bà đã cắt một bên vạt áo, tự tay viền lại và thêu tên con mình lên đó. “Đúng là chỉ có người mẹ Việt Nam mới có thể làm được những việc như thế”, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân nhắc lại.

Dẫu biết rằng, ở miền Bắc, con trai sẽ được Nhà nước, quân đội và nhân dân đùm bọc, nuôi nấng chu đáo nhưng giáo sư Nguyễn Thiện Thành vẫn chạnh lòng khi nghĩ tới con phải sống thiếu tình thương, thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ, thiếu sự dạy bảo của cha, nhất là những lúc đau ốm. Đôi lúc ông cảm thấy mình có lỗi với con nhưng ai cũng phải chịu hy sinh mất mát trước thảm cảnh của chiến tranh.

Ông ít khi than thở với bà về nỗi nhớ con, ông sợ bà đau lòng nhưng nhìn vào mắt ông, nghe tiếng thở dài khe khẽ của ông, bà đọc được tất cả. Dẫu ông có là một giáo sư, tiến sĩ, một anh hùng... thì với đứa con duy nhất của mình, ông vẫn là một người cha như bao nhiêu người cha khác trên thế gian này, yêu con bằng tình yêu thẳm sâu, vô bờ bến.

Tình yêu ấy được chính con trai ông, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân nhớ lại: “Con người ta sinh ra ai cũng có quê hương. Dù ở gần hay đi xa, mỗi người đều nuôi dưỡng cho mình một biểu tượng về quê hương. Biểu tượng ấy có khi là một nếp nhà, một góc vườn, có khi là một dòng sông, một bến nước hay chỉ đơn giản là một câu hò. Với riêng tôi, biểu tượng về quê hương chính là cha tôi...”.

Ngày 5-10-2019, khi bài báo này đến tay bạn đọc, tại Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh, một buổi lễ trang trọng, ấm cúng sẽ diễn ra để kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tá, giáo sư, tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Thiện Thành. Sẽ có đông đảo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan Bộ, ngành, các địa phương cùng những thầy thuốc hàng đầu và con cháu ông từ khắp nơi về dự.

Vị trí khác nhau, công việc khác nhau nhưng tất cả sẽ quây quần về bên ông trong cùng một tấm lòng. Với tất cả, ông luôn là một người thầy, một thầy thuốc có nhân cách và đóng góp lớn lao; một người ông, người cha, người bác gần gũi, chí tình...

Ngọc Hoa (CAND)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem