Ở trung tâm TP Hà Giang có một khu phố tập trung khá nhiều gia đình gốc gác Nam Định, Hải Dương. Họ chính là những cựu thanh niên xung phong từng tham gia mở đường Hạnh Phúc nối liền Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc. Sau khi con đường hoàn thành, nhiều người vì yêu mến mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc đã ở lại sinh cơ, lập nghiệp, gắn bó với Hà Giang.
Ông Nguyễn Mạnh Thuỳ. Ảnh: VT.
Trong căn nhà nhỏ trên đường Trần Phú, nhắc lại chuyện mở đường Hạnh Phúc cách đây hơn 50 năm, ông Nguyễn Mạnh Thuỳ (80 tuổi), Chủ tịch hội cựu thanh niên xung phong tỉnh Hà Giang bảo, mỗi lần nghe ông nói về những năm tháng ấy, con cháu ông đều coi đó là chuyện "thần thoại".
Đầu năm 1963, khi tuyến đường Hạnh Phúc từ Hà Giang đến Đồng Văn sắp khai thông, Tỉnh uỷ Hà Giang quyết định mở tiếp đoạn từ Đồng Văn đến Mèo Vạc. "Đường Đồng Văn - Mèo Vạc dài 22km nhưng chỉ có 10km ở hai đầu là đất hoặc đất xít, còn lại là toàn đá vôi xanh", tờ trình về đoạn qua đèo Mã Pì Lèng của Công trường Đồng Văn tháng 3/1964 viết. Vì vậy, công trường đề nghị tỉnh và khu tự trị Việt Bắc tuyển thêm nhân lực để mở đoạn đường này.
Trung ương Đoàn đã huy động 300 thanh niên xung phong từ Nam Định và Hải Dương bổ sung cho công trường.
Hưởng ứng lời kêu gọi, bất chấp sự phản đối của gia đình, ông Thuỳ đăng ký đi mở đường. "Lúc đó, tôi vẫn còn là học sinh nhưng hăng hái lắm, vừa muốn biết đất nước mình dài rộng đến đâu, vừa muốn cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc nên dù khó khăn đến mấy tôi cũng quyết tâm lên đường", ông nhớ lại.
Để mở đoạn đường 2 km qua những vách đá trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng, công trường Đồng Văn quyết định thành lập đội thanh niên cảm tử (đội cơ dũng). Đó là những người được giao nhiệm vụ khai thông đường công vụ rộng từ 1 m đến 1,2 m từ bên này sang bên kia Mã Pì Lèng làm cơ sở cho chủ lực mở đường. Vì phải leo cao gặp toàn nguy hiểm đội thanh niên này được kiểm tra sức khỏe mọi mặt và gồm những người có nghị lực chiến đấu. Toàn thể anh em đã kinh qua và thành thạo công tác mở đường.
Ông Thuỳ nhớ rất rõ, ngay khi lãnh đạo công trường phát động đã có hơn 100 người tình nguyện đăng ký tham gia đội cảm tử nhưng chỉ có 20 người khoẻ mạnh nhất được chọn. Công trường chuẩn bị 2 tấn dây thừng để những thanh niên này treo mình trên vách núi Mã Pì Lèng, đục đá, gài mìn, mở đường.
Trước khi đội cảm tử bắt đầu đục đá mở đường, ban chỉ huy công trường đã chuẩn bị sẵn 20 cỗ quan tài, để phòng khi xảy ra điều không may. Nhưng vì thời gian gấp gáp nên mới có 11 chiếc được hoàn thành, cất giấu ở lán nhỏ cách Mã Pì Lèng 2 km.
Mỗi ngày, những thanh niên cảm tử phải treo mình trên vách núi làm việc suốt 8 giờ. Đến bữa trưa, cấp dưỡng sẽ dùng dây thừng chuyển cơm, nước uống cho họ. Đội cảm tử được ưu tiên hơn những người khác là có một nắm cơm không độn ngô, sắn và có mấy con cá khô. Vì không có chè, cấp dưỡng dùng cơm cháy đun trong nước, phát cho mỗi người một bi đông, uống để hạn chế ra mồ hôi, tránh mất sức.
Đội thanh niên cảm tử làm việc cần mẫn như những con mối bám mình vào vách đá Mã Pì Lèng để đục từng lỗ, cậy từng viên đá, mở từng cm đường.
Đội thanh niên cảm tử treo mình trên vách núi mở đường qua Mã Pì Lèng. Ảnh tư liệu.
"Mỗi sáng, trước khi cầm cuốc, choòng đi làm, chúng tôi làm lễ chào cờ và truy điệu sống những thanh niên trong đội cơ dũng", ông Thuỳ nhớ lại và đọc hai câu thơ ông làm để nhớ về những ngày tháng ấy: "Về đến Hà Giang mới biết là mình còn sống/ Mới biết là mình chưa chết đó thôi".
Ông Phạm Văn Cấn, đồng hương với ông Nguyễn Mạnh Thuỳ kể, khi ông đang học cấp hai thì được ông Thuỳ rủ đi tình nguyện làm đường ở Đồng Văn. Ông bí mật đi đăng ký, đến tận ngày lên đường mới báo cho bố mẹ biết.
"Ngày đó, Mã Pì Lèng chỉ là đường ngựa thồ, bên cạnh là vực sông Nho Quế, mỗi lần nhìn xuống là sợ lắm. Anh em cơ dũng phải treo mình dây thừng thả người xuống lưng chừng núi. Mỗi người tay cầm một chiếc choòng dài chừng 30 cm, tay kia cầm chiếc búa nhỏ. Lưng đeo bình tông nước. Khi đục lỗ để gài mìn thì ai cũng chỉ đứng được một chân", ông kể.
Mỗi ngày, mỗi thanh niên cảm tử chỉ đục được khoảng 80 - 100 cm lỗ choòng để gài mìn. Đến chiều, khi đục xong thì tự tay họ châm ngòi dây cháy chậm rồi leo ngược lên theo dây thừng để thoát thân.
Để khai thông đoạn đường từ Đồng Văn qua Mã Pì Lèng đến Mèo Vạc, nhiều thanh niên đã hi sinh.
Đến giờ, sau 50 năm, ông Nguyễn Đức Thiện, cựu thanh niên xung phong mở đường ở Mã Pì Lèng vẫn nhớ mãi hình ảnh hai người đồng đội, người bạn thân đã ngã xuống trên cung đường này.
Hồi đó, ông Thiện ở cùng với người bạn Nam Định là Vũ Cao Vân. Hai người thương yêu nhau như anh em ruột thịt. Ban ngày họ đi làm cùng nhau, đêm về ngủ chung chiếc giường nhỏ, đắp chung chiếc chăn chiên của đơn vị phát, trong lán trại bằng cây sậy, ngô tạm bợ.
Sáng 1/3/1964, được đơn vị cho nghỉ, ông và Vũ Cao Vân ra chợ Đồng Văn chơi. Ông mua đôi giày vải trắng để đi làm, còn bạn mua cân khoai lang luộc. Sáng hôm sau, trước khi ăn cơm sáng, Vân mang khoai chia cho từng người trong tiểu đội và nhắc mọi người nhớ ăn. Rồi tất cả ra công trường làm việc.
"7h30, Vân mang đôi giày trắng tôi mới mua đi kiểm tra, nhắc anh em làm việc dưới chân núi. Tôi càu nhàu thì cậu ấy bảo: "Tớ không chết đâu mà lo. Nếu hỏng tớ mua đôi khác đẹp hơn trả cậu". Vân vừa dứt lời thì một vỉa đá lớn đổ xuống mặt đường, đúng chỗ cậu ấy đứng", ông Thiện nhớ lại. Lúc đó, ông Thiện làm cách chỗ bạn 10 m. Hôm sau, đồng đội mới tìm được thi thể của Vân. Nhưng nỗi đau chưa dừng lại ở đó. Một năm sau cái chết của người bạn thân, ông Thiện phải chứng kiến một đồng đội khác nằm lại với Mã Pì Lèng.
Đầu tháng 3/1965, đoạn đường vách đá Mã Pì Lèng đã được những thanh niên cảm tử khai thông, có thể đi bộ qua lại. Đại đội ông Thiện được cử đến hỗ trợ dọn dẹp, khuân đá, mở rộng mặt đường. Sáng 4/3, mọi người đang miệt mài làm việc thì một tảng đá lớn từ trên cao lăn xuống mặt đường. Ai nấy đều tránh được. Nhưng có hai bố con người H'Mông vừa đi đến đó, vì quá hốt hoảng, nên suýt sa chân xuống vực. Thấy vậy, tiểu đội trưởng Đào Ngọc Phẩm lao tới, nắm cổ tay hai bố con, kéo lên. Nhưng chàng thanh niên Phẩm không may ngã xuống vực sông Nho Quế.
"Sự hi sinh của anh Phẩm khiến mọi người quá bàng hoàng và đau buồn. Bởi khi đó, con đường khó khăn nhất qua đỉnh đèo Mã Pì Lèng đã sắp hoàn thiện", ông Thiện nhớ về đồng đội, giọng trầm buồn.
Đường Hạnh phúc ngày nay. Ảnh: Giang Huy.
Không chỉ phải chịu cực nhọc, hi sinh trên công trường mà những thanh niên xung phong làm đường Hạnh Phúc còn phải vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn trong sinh hoạt.
Sau mấy chục năm, ông Nguyễn Mạnh Thuỳ vẫn không quên cảm giác thèm nước hơn bất cứ thứ gì. Khi đó nước ở công trường rất hiếm, nên mỗi ngày các đại đội phải cử hàng chục người đi gánh nước từ xa về. Vì phải dùng thùng sắt tây, nên về đến nơi chỉ còn một phần. "Gạo thịt chúng tôi có thể để ngoài, nhưng mỗi khi có nước về thì phải mang vào kho khoá lại cẩn thận. Mỗi sáng, mỗi người chỉ được phát một ca nước vừa đánh răng, rửa mặt, vệ sinh cá nhân. Nước dùng rồi được tận dụng mang ra đục lỗ choòng hoặc tưới rau tăng gia", ông nói.
Không chỉ ăn uống kham khổ, những công nhân mở đường còn phải chống chọi với bệnh sốt rét hoành hành. Trên công trường chỉ có loại thuốc ký ninh vàng để chống sốt rét nên không thấm vào đâu với muỗi, vắt rừng đốt mỗi đêm. Không ít người phải nằm lại với con đường vì sốt rét ác tính.
Bù đắp lại những gian khổ ấy là tình cảm của đồng bào các dân tộc dọc tuyến đường dành cho những thanh niên mở đường. Theo ông Thuỳ, mỗi khi người dân thịt con gà cũng đều nhớ mang cho thanh niên xung phong một đùi. "Có lần bà con trong bản thịt con bò, rồi gánh hẳn một đùi mang cho chúng tôi", ông nói.
Tháng 3/1965, lễ khai thông con đường từ Hà Giang đến huyện Mèo Vạc dài 185 km, được tổ chức tại sân vận động huyện Mèo Vạc. Hàng nghìn người dân từ các bản làng nô nức mang cờ, hoa kéo ra dọc đường để lần đầu tận mắt nhìn thấy từng đoàn ô tô nối đuôi nhau đi trên đường Hạnh Phúc. "Tôi thấy nhiều cụ già đã già, vẫn nhờ con cháu cõng ra đứng bên đường. Nhiều người mừng rơi nước mắt cùng chúng tôi", cựu thanh niên xung phong Nguyễn Mạnh Thuỳ nghẹn ngào.
Ngày 10/9/1959, tỉnh Hà Giang khởi công xây dựng con đường từ cầu Gạc Đì lên cao nguyên đá Đồng Văn. Bốn năm sau, con đường được khai thông, dài 164 km. Tiếp sau đó, tuyến đường nối liền Đồng Văn với Mèo Vạc được khởi công và hoàn thành tháng 3/1965. Toàn tuyến Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc dài 185 km được thông xe.
Để hoàn thành con đường lịch sử này, thanh niên xung phong và đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang đã đóng góp 2,2 triệu ngày công; đào đắp 2,8 triệu m3 đất, đá; làm 42 cây cầu, 400 cống.
Năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Hà Giang. Khi nghe đồng bào chia sẻ, đường mở đến đâu thì mang ánh sáng văn minh và ấm no cho đồng bào các dân tộc đến đó, Bác hỏi vậy sao không gọi tên là đường Hạnh Phúc. Từ đó con đường mang tên Hạnh Phúc.
|
Viết Tuân (VNExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.