Chuyện về Biệt đội SOS toàn nam thanh nữ tú 9X nửa đêm đi cứu hộ

Thứ ba, ngày 14/05/2019 19:00 PM (GMT+7)
Biệt đội SOS Sài Gòn đa phần là những bạn trẻ 9X, không quản ngại đêm hôm, mưa gió, hễ có người gọi cứu hộ xe máy, tai nạn giao thông… họ lập tức có mặt. Khi nói về công việc của mình, các thành viên đều cười xòa: “Chuyện nhỏ thôi mà!”.
Bình luận 0

“Lục Vân Tiên” giữa đời thường

22h khuya, trong cơn mưa lất phất đầu mùa tháng 5, Biệt đội SOS Sài Gòn vẫn xuống đường làm nhiệm vụ. Khi đi ngang cầu vượt An Sương (Q.12), phát hiện một cô gái đang hì hục đẩy xe máy, nhóm liền tấp vào giúp đỡ. Chỉ vài phút sau, lốp xe của cô đã lành lặn, căng tròn. Cô gái cho biết mình tên An (20 tuổi, sinh viên), đang trên đường trở về nhà trọ từ chỗ làm thêm thì xe bị thủng lốp. Cô đẩy xe gần 2km tìm chỗ vá nhưng không tìm ra, đang loay hoay chưa biết tính sao thì được nhóm hỗ trợ. Chia tay mọi người, An không quên cảm ơn từng thành viên rồi vội vã trở về nhà trọ, nghỉ ngơi để hôm sau đi học.

Bỗng, số điện thoại Hotline reo vang, một người dân báo tin có vụ tai nạn giao thông ở khu vực Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân), người bị nạn vẫn chưa tỉnh. Tức tốc lên đường, thành viên nhóm nhanh chóng tiếp cận hiện trường. Nạn nhân là một thanh niên trẻ, người sặc mùi bia, nằm ú ớ. Một bạn nữ trong đội nhanh chóng đem hộp sơ cấp cứu, cẩn trọng lấy thuốc sát trùng và băng bó lại vết thương đang rướm máu trên đùi nạn nhân. Nhận thấy tai nạn không quá nghiêm trọng, nhóm đã hỏi địa chỉ và đưa nạn nhân về tận nhà trong sự ngỡ ngàng, cảm kích của người dân xung quanh. Lúc đó đã hơn 1h sáng.

img

Nhóm được nhận bằng khen cho việc làm vì cộng đồng của mình Ảnh: NVCC

Vá xe, cứu hộ giao thông, sơ cứu người bị nạn… là một trong những công việc mà Biệt đội SOS Sài Gòn đang thực hiện. Kể về nhóm của mình, Phạm Văn Sắc (23 tuổi), người sáng lập kiêm Đội trưởng cho biết, vốn có nghề sửa xe, nhiều lần đi trên đường lúc đêm khuya, thấy nhiều người bị hư xe dắt bộ mà không tìm được nơi sửa; hay lúc sau cơn mưa, đường ngập, nhiều phụ nữ hư xe giữa đường... “Lúc đó nghĩ mình biết vá xe, sửa xe, tại sao không dừng lại giúp họ. Vì thế mình và một số anh em trong nhóm phượt đã lên ý tưởng về một đội cứu hộ giúp đỡ những người gặp sự cố giao thông vào lúc nửa đêm. Ý tưởng nhanh chóng nhận được nhiều sự ủng hộ của mọi người. Sau nhiều lần họp bàn, vào tháng 3.2017, đội cứu hộ SOS Sài Gòn ra đời. Hiện đội có 10 thành viên chính thức và rất nhiều cộng tác viên ở khắp TPHCM”, Sắc cho biết.

Nguyễn Thanh Tịnh (19 tuổi, thành viên đội) trước khi gia nhập đội cũng thường xuyên ra tay giúp đỡ người gặp nạn trong đêm, nhưng chủ yếu là tự phát. Từ khi tham gia đội, Tịnh có thêm nhiều kỹ năng như biết nhận định tình hình, có người hỗ trợ… “Mỗi lần giúp được người về nhà an toàn, em lại thấy rất vui như mình được giúp. Lúc đầu ba mẹ cũng lo lắng vì công việc về đêm, nhưng dần họ hiểu ra và rất ủng hộ việc của em và các thành viên trong đội đang làm”, Tịnh chia sẻ.

Từng bị nghĩ là đám lừa đảo

Để làm việc tốt đâu có dễ! Thời gian đầu, cả nhóm đều rất chật vật “xin” giúp người khác. Cả nhóm thường bị người dân từ chối nhận giúp đỡ, đôi khi là nặng lời. Mọi người đều sợ bị lừa, họ không tin rằng thời buổi này có những người đi làm không công vào lúc đêm hôm như vậy.

Nguyễn Hoàng Phúc (22 tuổi), Đội phó Biệt đội SOS Sài Gòn cho biết, đã không ít lần thành viên trong đội bị đánh do cứu người tai nạn giao thông, mà người nhà nạn nhân tưởng mình gây tai nạn. Có người còn tưởng nhóm là kẻ cướp, vá xe giá “cắt cổ”. Có lần họ còn giam thành viên lại, giữ chìa khóa xe và giấy tờ, báo cho công an… “Buồn, tủi thân và chạnh lòng lắm chứ! Cũng bởi người dân chưa tin tưởng có một nhóm bạn trẻ chuyên đi hỗ trợ miễn phí như vậy. Nhưng cả nhóm vẫn kiên trì thuyết phục, bởi nếu bỏ đi thì mọi người sẽ nghĩ Biệt đội SOS là đám lừa đảo thật”, Phúc trải lòng.

Trước khi đi vào hoạt động chính thức, các thành viên trong đội đã được tập huấn căn bản về vá sửa xe máy và sơ cấp cứu người để kịp thời xử lý tình huống trong đêm. Cả nhóm đã may đồng phục mặc để tạo niềm tin của người dân. Đồng phục của họ là áo dạ quang, nón bảo hiểm có hàng chữ SOS to đậm màu trắng. Và đặc biệt là 2 thùng đồ nghề để cứu hộ xe và cứu thương mà các thành viên trong nhóm tự bỏ tiền sắm sửa.

Đêm tối luôn là thời điểm khó khăn cho những người hoạn nạn muốn tìm sự trợ giúp. Mỗi tối các thành viên của Biệt đội SOS sẽ tỏa ra theo những lộ trình đã cùng thống nhất. Họ đi khắp các ngả đường của thành phố để giúp đỡ những người gặp sự cố về xe cộ trên đường, hoặc những người không may gặp tai nạn giao thông.

Ao ước có chiếc xe cứu thương

img

Biệt đội SOS vá xe và hỗ trợ người bị nạn trong đêm tối. Ảnh: U.P

Hiện nhóm trực 4 ngày (thứ 4-6-7 và Chủ nhật) trên các tuyến đường Phạm Văn Đồng, ngã tư Thủ Đức, ngã tư An Sương, ngã tư Hàng Xanh. Đây là các tuyến quốc lộ khá vắng vẻ về đêm, người dân gặp sự cố sẽ rất khó tìm được sự hỗ trợ. “Nói là tuần trực bốn ngày nhưng ngày nào chúng tôi cũng được người dân “cầu cứu”, nên đa phần các ngày còn lại đội đều tự nguyện hỗ trợ đến 0h mỗi đêm”, Tịnh nói.

Cũng đã có người thắc mắc tại sao Biệt đội SOS phải làm chuyện bao đồng, tự lấy dây buộc mình như vậy? Tại sao phải lấy tiền túi để giúp đỡ người không quen biết? Đội phó Hoàng Phục tâm sự: “Bản thân mình cũng đã từng được người dân giúp khi bị tai nạn giao thông. Khi trải qua cảm giác được mọi người giúp đỡ vào đêm khuya mình mới hiểu được sự hỗ trợ ấy đáng quý biết chừng nào. Thành viên trong đội đa phần đều đã trải qua cảm giác đó. Thế nên dù ai nghĩ gì thì nhóm vẫn tồn tại, vẫn giúp đỡ mọi người hằng đêm”.

Đến nay, Biệt đội SOS Sài Gòn đã tròn 2 tuổi, số đường dây nóng được nhiều người dân lưu vào máy và chia sẻ nhau để… phòng thân nếu chẳng may gặp sự cố trong đêm. Và đã có hàng ngàn trường hợp được Biệt đội SOS hỗ trợ, giúp đỡ trong suốt thời gian qua. Mới đây, Hội LHTN Việt Nam TPHCM đã tặng bằng khen cho Biệt đội SOS vì đã có thành tích tiêu biểu trong công tác xã hội và tình nguyện vì cộng đồng năm 2018. “Đội đang ước ao có thêm chiếc xe cứu thương, bởi có trường hợp mình không thể đưa nạn nhân bằng xe máy đến bệnh viện”, Đội trưởng Phạm Văn Sắc hy vọng.

“Anh ơi, cứu em với…! Xe em bị mắc lầy ở gần chùa Q.2. Anh định vị giúp, máy e sắp hết pin…”. Rồi cúp máy. Cả nhóm nháo nhào phân tích địa điểm, chia nhau tìm kiếm nạn nhân. Chỉ 10 phút sau, họ thấy 2 nạn nhân say xỉn té úp mặt xuống bùn, còn chiếc xe máy gần như ngập hẳn. May mắn lần đó, nhóm đã cứu người, cứu xe thành công…Đó là lần hỗ trợ kịp thời của nhóm, cứu sống 2 người và tài sản. 

*Tiêu đề bài viết do Dân Việt đặt lại

Uyên Phương (Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem