Chuyện về kỳ nhân trị độc xà lấy thiện làm gốc

Chủ nhật, ngày 30/09/2012 06:25 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Anh Hoàng Văn Châu ở Hồng Sơn, Đô Lương, Nghệ An đã có gần 30 năm chữa bệnh rắn độc cắn hành thiện. Với anh, cứu một mạng người hơn xây 7 tòa bảo tháp.
Bình luận 0

Hàng trăm người bị rắn độc cắn đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc khi được anh cứu chữa. Anh cũng là truyền nhân đời thứ tư của dòng họ Hoàng Văn lừng danh khắc tinh với rắn độc.

Sáng tạo từ bài thuốc chữa “Khái cắn”

Vốn nổi tiếng khắp xứ Nghệ bấy lâu nay, nhưng tìm được nhà “thần y” Hoàng Văn Châu vô cùng gian nan với chúng tôi. Căn nhà nhỏ của anh nằm nép mình giữa lưng chừng một ngọn đồi heo hút ở xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An.

img
Anh Châu là truyền nhân đời thứ 4 hành nghề chữa trị cho người bị rắn độc cắn

Để cứu được những mạng người thoát khỏi diêm vương khi bị rắn độc cắn, tất nhiên phải có phương thuốc bí truyền. Anh Châu đã mở đầu câu chuyện và kể cho chúng tôi nghe: “Khi bố tôi còn sống, ông kể rằng, ngày trước, vào thời của cụ cố nội, có một bà người dân tộc đến đây xin sống nhờ một thời gian dài. Bà lão này biết được bài thuốc chữa hổ cắn (mà các cụ gọi là bài thuốc chữa khái cắn). Cụ nội nhà tôi phải khó khăn lắm mới xin được phương thuốc của bà lão người dân tộc này. Tính ra phải mất mấy con trâu để cưu mang và thuyết phục bà lão truyền lại cho bí kíp đó”.

Ở vùng rừng núi Hồng Sơn nói riêng và các địa bản lân cận, thời gian trước có rất nhiều rắn, rết. Số người bị rắn độc cắn và tử nạn trong vùng Hồng Sơn nhiều không kể hết. Trăn trở này cùng với bao nhiêu ngày đêm mày mò nghiên cứu bài thuốc chữa hổ cắn, cuối cùng cụ cố nội của anh Hoàng Văn Châu cũng chế tạo ra phương thuốc diệu kỳ chữa rắn cắn.

Nguyên lý và cách thức sáng tạo ra bài thuốc chữa rắn độc cắn từ bài thuốc chữa hổ cắn do bà lão dân tộc truyền lại, anh Châu không được biết. Anh cười và cho biết, vậy mà đến nay, khi tôi hành nghề cũng là truyền nhân đời thứ tư rồi đấy.

“Nếu lấy tiền chữa bệnh, họ nhà tôi giàu to rồi”

"Còn tiền bạc ư? Đây là cái nghề thật đó, nhưng nó là nghề gia truyền cứu người của lòng thiện. Ba đời trước nhà tôi đã chẳng ai mong làm giàu từ nghề này, thì đến tôi cũng vậy thôi!”, anh Châu nói.

Cụ cố nội và ông của anh Châu thì đã qua đời một thời gian khá lâu, những câu chuyện về họ cũng không nhiều, song đối với tay nghề của ông Hoàng Văn Nhung, thân sinh của anh Châu, thì ngày xưa vang tiếng một vùng.

Những người ở Hồng Sơn cho biết phải có đến hàng nghìn người bị rắn cắn, qua bàn tay diệu kỳ của ông Nhung mà giữ được mạng sống. Nói về ông cha mình, anh Châu dí dỏm đùa rằng: “Ngày trước các cụ cứu được hàng nghìn người, nếu như cái thời ấy mà lấy tiền của người bệnh thì cả họ nhà tôi đã giàu to rồi”.

Anh Châu tâm sự: “Sinh ra được 7 người con, bố tôi trước khi qua đời đã kịp truyền lại bí kíp về bài thuốc gia truyền mà tổ tiên để lại cho hai người con, đó là tôi - con út - và anh Hoàng Văn Minh - người con thứ 6 . Tuy nhiên, anh Minh cũng chỉ biết sơ sơ, không tường tận như tôi. Hiện nay, anh Minh lại đang làm ăn bên Nga”.

Hoàng Văn Châu năm nay 44 tuổi, nhưng khi mới chừng 15 tuổi, anh đã theo bố lên núi học hái thuốc chữa rắn độc cắn. Cùng bố học nghề, mỗi lần ông Nhung bị ốm, anh lại thay bố lấy thuốc cứu người.

Những bài thuốc từ cỏ cây bình thường

img
Anh Châu khuyên nên cẩn trọng với rắn cạp nong, một loại rắn cực độc

Điều kỳ lạ là bí kíp chữa rắn độc cắn mà anh Hoàng Văn Châu đang nắm giữa chỉ là một bài thuốc nam hết sức đơn giản. Bài thuốc ấy được lấy và kết hợp từ những cây, cỏ ở vùng đồi phía sau nhà anh. “Đây là phương thuốc lành, phụ nữ mang thai đến tháng thứ 9 ngộ nhỡ bị rắn độc cắn, vẫn có thể uống được, không hại gì đến sức khỏe của mẹ và bé, mọi trường hợp khác cũng không để lại di chứng gì”, anh Châu nói.

Khi người bị rắn cắn được đưa đến, anh Châu nhìn vào trạng thái của người bị cắn, hỏi xem loài nào đã cắn. Sau khi chẩn đoán bệnh, anh Châu khẩn trương đi hái thuốc, vì mỗi loại rắn sẽ có những loại lá cây khác nhau để chữa trị. Còn ở đâu có các loại cây, cỏ đó thì anh Châu đã thuộc như lòng bàn tay. Những loại cây thuốc này không khó tìm, thường có sẵn khi trời mưa nhiều, cây cỏ xanh tươi. Còn khi mùa nóng gió Lào ập tới, trời không mưa, cây cối héo úa, chết khô thì anh Châu cho biết sẽ rất khó tìm, nhiều khi không có.

Những lúc như thế, anh thường dự trữ thuốc bằng cách hái về, thái nhỏ và phơi khô. Tuy nhiên, bài thuốc chữa rắn chỉ có tác dụng tuyệt đối khi uống tươi, thuốc được phơi khô thì chất lượng kém hơn. Anh nói “Nếu như bài thuốc tươi, vừa hái và cho người bị rắn cắn uống liền, công dụng của nó được 10 phần, thì thuốc hái trước và phơi khô chỉ có tác dụng được 6 đến 7 phần mà thôi”.

Anh cho biết chữa cho bất kỳ trường hợp nào thì bài thuốc cũng đều có 10 vị lá cây khác nhau. Lá thuốc được thái nhỏ và giã ra nước cho người bệnh uống, còn phần cái thì đắp vào vị trí bị rắn cắn. Sau khi cho uống thuốc, anh luôn dặn dò rất cẩn thận về các trạng thái mà người bị rắn cắn có thể sẽ gặp như tức ngực, khó thở hay nôn mửa…, và cả cách uống thuốc. Thông thường đối với bài thuốc trị rắn độc cắn, cứ khoảng 3 tiếng thì uống một lần thuốc, uống khoảng 3 lần thì ngừng.

Mỗi loại nọc rắn, mỗi cách trị riêng

“Mỗi loại nọc rắn có một loại thuốc đặc trị riêng, mình có thể nhận biết được đó là loài gì chứ nhiều người bệnh khi đến cũng không thể biết được. Tôi thường lấy thuốc theo lời nói của họ; còn nếu trong trường hợp không xác định được đó là loài gì thì bắt buộc phải lấy thuốc đối với rắn cạp nong, cạp nia tức là loài có độc tính cao nhất”- anh chia sẻ.

img
Anh Châu đang hái một vị thuốc để chữa rắn độc cắn

Độc tính của các loài rắn cũng rất khác nhau, anh Châu đặc biệt nhấn mạnh về sự nguy hiểm của loài cạp nong, cạp nia. Người bị loài rắn độc này cắn, trong vòng 7 - 8 tiếng đồng hồ thì bắt đầu cảm thấy tức ngực, khó thở, dần dần sẽ cảm thấy đuối sức; qua gần chục tiếng thì sẽ tắt thở. Loài này khiến người bệnh chết nhanh, nhưng nếu được uống thuốc kịp thời thì cũng rất nhanh hồi phục. Rắn hổ phì cũng nguy hiểm, khiến người bị cắn rất nhanh tử vong.

Người bị các loại rắn khác, kể cả rắn lục và các loại rắn xanh, khi bị cắn thì thời gian sống sót cũng kéo dài hơn. Như trường hợp của vợ anh Quang ở xã Đông Sơn, Đô Lương đang nằm canh rừng thì bị rắn lục cắn. Khi người nhà đưa đến anh Châu thì đã qua một thời gian khá lâu, và đang ở trong tình trạng nôn mửa liên tục. Nhưng sau khi uống thuốc do anh Châu hái đã khỏi nhanh chóng.

Bí kíp thuốc nam chữa rắn độc cắn này đã trải nghiệm qua bốn đời và được ghi nhận là có thể chữa khỏi khoảng 99% người bị các loài rắn thông thường cắn. Còn những người bị các loại rắn cực độc như cạp nong, cạp nia cắn thì cơ hội thoát khỏi tử thần là khoảng 95%.

Giành lại sự sống cho hàng trăm con người

Anh khiêm tốn bảo rằng vài trăm người mà mình đã cứu sống gần 30 năm nay có thấm vào đâu so với hàng nghìn người được cụ, ông, cha mình cứu ngày xưa. Tiếng lành đồn xa, nên bấy lâu nay, khắp vùng xứ Nghệ cứ ai bị rắn độc cắn thì lại tìm đến nhờ anh Châu chữa.

Thậm chí, người ở tỉnh khác cũng nhiều lần đến nương nhờ, và đặt mua những gói thuốc nam gia truyền của nhà anh đã được sấy khô để dự trữ, phòng ngừa.

img
Anh Châu miệt mài đi tìm lá thuốc cứu người

Anh Châu chia sẻ: “Mọi bệnh nhân đến với tôi dù bị loại rắn nào cắn, họ cũng đều đứng trước sự nguy hiểm cho tính mạng. Nhiều ca đi lấy thuốc mà toát mồ hôi hột, chỉ mong làm sao cho người bệnh sống. Khi họ gọi điện thoại đến, hỏi lý do này, triệu chứng khác, nhiều khi rất đau đầu, dẫu là nghề gia truyền, nhưng đây là chuyện của mạng người chứ đâu thể đùa được”.

Chị Nga ở xóm 1, Hồng Sơn, Đô Lương là người cùng xã với anh bị rắn lục cắn khi đang đi làm đồng. Khi người nhà đưa đến gặp anh, chị Nga đã trong tình trạng vô cùng nguy kịch, mặt cắt không còn hột máu, không ngừng nôn ra máu, sự lan tỏa của nọc độc làm nước mắt chị giàn giụa và điều mà anh Châu không thể quên đó là khi chị Nga khóc, thay vì chảy nước mắt thì máu không ngừng chảy ra từ mắt.

Nhờ vào những lá cây bí ẩn của anh Châu mà chị Nga thoát chết trong gang tấc. Câu chuyện của chị Nga đã qua hơn chục năm nhưng anh Châu dường như vẫn không thể nào quên được.

Còn chị Lý ở xã Đặng Sơn, Đô Lương đến giờ vẫn chưa khỏi kinh hoàng khi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của mình cách đây 1 tuần: “Tôi đang thăm đồng, tự nhiên cảm thấy nhói ở bắp chân đến nỗi phải ngồi thụp xuống. Thấy ngay con rắn cạp nong đang cắn vào chân mình.

Thực sự lúc đấy rất hoảng, không biết làm sao. Buộc sơ sơ vết thương rồi chạy ngay về nhà bảo với người nhà đưa tôi đến anh Châu. May mắn là cũng quen biết anh Châu từ trước, nên đã đến kịp. Xem xét vết thương cho tôi, anh Châu ngay lập tức đi hái thuốc. Lúc đấy đau quá, thuốc có mùi vị rất lạ, là hỗn hợp của nhiều loại lá cây, cũng không phải dễ uống…“.

Uống thuốc và nghỉ ngơi một lúc, cảm thấy đỡ hẳn. Anh Châu còn đưa thêm một túi thuốc. Sau 2 ngày uống thêm thuốc, còn phần cái thì đắp vào vết thương, đến giờ chị Lý đã khỏi hẳn.

Buộc vào chỗ bị rắn độc cắn là việc mà nhiều người vẫn thường xuyên làm, nhưng anh Châu cho biết, khi bị cắn, cảm giác thấy nhói sẽ xuất hiện, chính lúc ấy thì máu đã đi gần khắp cơ thể rồi. Nếu buộc vào chỗ bị thương, thì một khoảng thời gian sau người bệnh cần phải tháo ra, nếu không nọc độc tụ lại sẽ làm thối rữa vùng xung quanh vết cắn.

“Có nhiều trường hợp, người bị rắn cắn ở bụng, ngang sườn, thì lúc ấy, người ta làm sao mà buộc vết thương lại được”, anh Châu cười nói.

Như trường hợp của anh Thủy ở tận huyện miền núi Nghĩa Đàn, Nghệ An chẳng hạn, bị rắn hổ phì cắn. Khi bị rắn cắn, anh Thủy đã xin thuốc từ những người dân tộc sống ở trong vùng và thoát khỏi cơn nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy nhiên, ngón tay bị rắn cắn của anh Thủy cũng vì buộc mà không thể loại bỏ hết nọc độc, nên dần bị thối. Rồi từ đó vết thương cứ lan sâu vào phía trong bàn tay và các ngón khác, khiến anh vô cùng đau đớn. Sau khi tìm đến nhờ anh Châu chữa trị, uống thuốc của anh một thời gian thì vết thương dần khỏi, nọc độc được giải, và những ngón tay trở lại bình thường như một phép mầu.

Các loại rắn độc trong tự nhiên ngày nay đã bị con người tận diệt nên hiếm dần. Trường hợp bị rắn độc cắn cũng giảm hẳn so với ngày xưa. Nhưng anh Châu tâm niệm một điều rằng phòng còn hơn chống. Chính vì thế mỗi người đến với anh đều được anh tư vấn cách phòng rắn độc cắn, đặc biệt là những ai đang nuôi rắn làm kinh tế, thường xuyên phải tiếp xúc với chúng.

Theo Thế giới & Hội nhập

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem