Chuyện về người phụ nữ khuyết tật nặng 25kg vượt qua nghịch cảnh, chế tạo xe ba bánh giúp những phận đời bất hạnh
Chuyện về người phụ nữ khuyết tật nặng 25kg vượt qua nghịch cảnh, chế tạo xe ba bánh giúp những phận đời bất hạnh
Định Nguyễn - Việt Phương
Chủ nhật, ngày 15/12/2024 14:17 PM (GMT+7)
Nặng vỏn vẹn chưa đầy 25kg, không thể đi lại, nhưng nhiều năm qua chị Lâm Thị Nga, 42 tuổi, không ngừng vượt qua nghịch cảnh số phận và vươn lên. Chị đã sáng tạo, thiết kế hàng loạt xe ba bánh, xe lăn hỗ trợ cho người khuyết tật.
Chúng tôi tìm đến nhà cũng là xưởng sản xuất xe cho người khuyết tật của chị Lâm Thị Nga, 42 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH ba bánh Hà Nam, ở tổ 2, phường Quang Trung, TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng mạnh với chúng tôi là dáng người nhỏ nhắn của chị trên chiếc xe lăn, nặng chưa tới 25kg.
Hơn 7 năm qua, chị cùng người bạn đồng hành của mình là Vũ Xuân Quang (39 tuổi, quê Thái Bình) đã không ngừng sáng tạo, thiết kế hàng loạt xe ba bánh, xe lăn hỗ trợ cho người khuyết tật.
Trên chiếc xe lăn, chị ân cần dẫn chúng tôi đi xem những sản phẩm vừa hoàn thiện theo đơn đặt hàng. Mỗi sản phẩm, từ xe ba bánh đến xe lăn, đều là minh chứng cho sự nỗ lực phi thường và trái tim tràn đầy yêu thương của chị. Những chiếc xe này không chỉ là công cụ di chuyển mà còn như đôi chân thứ hai, mang lại hy vọng và sự tự tin cho nhiều người khiếm khuyết.
Khởi nghiệp 20 triệu, suýt bỏ cuộc vì nhiều lần… "đập đi xây lại"
Chào chị, xuất phát từ đâu chị lại có ý định táo bạo, tự thiết kế, sản xuất xe ba bánh, xe lăn cho người khuyết tật? Công việc vốn không dễ dàng, đặc biệt khi chị cũng là người khuyết tật, mọi việc đều phải nhờ tới xe lăn?
- Tôi cũng là người khuyết tật, nên hơn ai hết, tôi hiểu rõ những khó khăn và nhu cầu của họ. Tôi sinh ra lành lặn như bao bạn bè cùng trang lứa, nhưng từ năm 6 tuổi, đôi chân tôi không còn cử động được nữa. Lúc nhỏ, tôi tự học ở nhà, biết đọc, biết viết thành thạo. Khi lớn lên, tôi làm nhiều công việc như thêu gia công và hoàn thiện sản phẩm mỹ ký. Nhưng vì không thể tự mình đi lại, tôi phải nhờ người thân hàng ngày lấy và trả hàng, rất bất tiện.
Ước mơ sở hữu một chiếc xe lăn tự di chuyển thôi thúc tôi. Tôi từng một mình đi xe khách vào Đà Nẵng, nhờ bạn bè từ trung tâm khuyết tật dẫn đến nơi sản xuất để mua được chiếc xe lăn. Thế nhưng, sản phẩm giao về lại không hoàn toàn phù hợp, phải chỉnh sửa nhiều vì được làm theo mẫu có sẵn, trong khi mỗi người khuyết tật có nhu cầu khác nhau. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng thiết kế xe lăn riêng, phù hợp từng dạng khuyết tật.
Trong một lần tham gia thiện nguyện, tôi gặp anh Vũ Xuân Quang, một thợ cơ khí đầy nhiệt huyết. Anh cũng có ý tưởng sản xuất xe dành cho người khuyết tật. Nhờ sự ủng hộ từ gia đình và một khoản vốn ban đầu, chúng tôi bắt tay vào thử nghiệm. Tôi phụ trách thiết kế kiểu dáng, chọn phụ tùng sao cho phù hợp, còn anh Quang đảm nhận phần cơ khí.
Phần điện được giao cho một số người khuyết tật có tay nghề đảm nhận. Ban đầu, mọi thứ rất khó khăn, nhưng nhờ kiên trì và rút kinh nghiệm qua từng sản phẩm, chúng tôi đã dần hoàn thiện quy trình sản xuất. Bây giờ, chỉ cần khách hàng cung cấp thông tin cơ bản như cân nặng, chiều cao, dạng khuyết tật, chúng tôi có thể tạo ra một chiếc xe phù hợp, giúp họ dễ dàng di chuyển trong nhà và tham gia giao thông mà không cần phụ thuộc vào người khác.
Nghe chị nói vậy nhưng tôi nghĩ để làm được xe đầu không hề dễ dàng gì. Chị và anh Quang đã làm như thế nào?
- Chiếc xe đầu tiên mà chúng tôi làm được dành cho một chị bị liệt cột sống, hoàn cảnh rất khó khăn. Khi biết câu chuyện, tôi đã chia sẻ với gia đình và bạn bè để xin sự hỗ trợ. Mặc dù rất muốn giúp, chúng tôi gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện.
Chiếc xe đầu tiên không hoàn hảo, hình dáng còn méo mó, thiếu thẩm mỹ. Nhưng chúng tôi không nản lòng, kiên trì sửa chữa từng chi tiết. Sau một tuần, chiếc xe đầu tiên đã hoàn thiện, với chi phí vật liệu khoảng 8 triệu đồng, chưa kể công.
Khi trao xe, chị ấy xúc động đến rơi nước mắt. Nhìn thấy nụ cười của chị, tôi cảm nhận được sự nỗ lực của mình đã được đền đáp. Nhờ chiếc xe ấy, chị có thể tự đi làm thêu, kiếm sống và duy trì cuộc sống một cách độc lập. Đến giờ, chiếc xe ấy vẫn hoạt động tốt, như một minh chứng cho tình yêu thương và quyết tâm mà chúng tôi đặt vào từng sản phẩm.
Tôi tò mò muốn biết, vốn khởi nghiệp của chị ra sao khi quyết định mở xưởng thiết kế, sản xuất xe ba bánh cho người khuyết tật?
- Ngày bắt đầu, vốn liếng của chúng tôi chỉ vỏn vẹn 20 triệu đồng. Tôi vay cậu ruột 10 triệu, còn lại là tiền tiết kiệm tôi tích góp từ trước. Với số tiền ít ỏi này, chúng tôi thuê một căn nhà nhỏ làm xưởng, chi phí thuê gần 2 triệu đồng mỗi tháng.
Khởi đầu thật sự gian nan. Căn nhà trọ cũ kỹ, nhiều khi mưa dột, mọi thứ thiếu thốn trăm bề. Mỗi sáng, tôi dậy từ 5 giờ để chuẩn bị công việc, rồi vừa làm vừa trò chuyện cùng khách để quên đi nỗi vất vả. Mỗi ngày trôi qua là một thử thách mới, nhưng tôi luôn tự nhủ rằng: "Khó khăn nào rồi cũng sẽ qua, chỉ cần mình kiên trì và không bỏ cuộc".
Nhờ sự đồng hành của anh Quang và sự hỗ trợ từ cộng đồng, chúng tôi từng bước vượt qua khó khăn. Từ những chiếc xe đầu tiên được trao đi, tôi cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc khi mang lại sự tự tin, tự lập cho người khuyết tật. Hành trình này không chỉ giúp tôi khẳng định bản thân mà còn mang lại ý nghĩa lớn lao hơn: gieo mầm hy vọng và lan tỏa yêu thương đến những người cùng cảnh ngộ.
Khó khăn như vậy có bao giờ chị nghĩ mình sẽ bỏ cuộc?
- Nhiều người thường nói "vạn sự khởi đầu nan," và quả thật, chặng đường đầu tiên không hề dễ dàng. Gia đình tôi cũng khuyên: "Cứ thử làm, cần thì hỗ trợ thêm". Nhưng tôi kiên quyết rằng nếu thấy không ổn, tôi sẽ dừng lại để tìm hướng khác. Những ngày đầu, khó khăn chồng chất khi sản phẩm thường xuyên bị hỏng hóc, sai sót, dẫn đến thua lỗ. Có những lúc tôi cảm thấy nản lòng, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ từ bỏ.
Những chiếc xe ba bánh được chị Nga và anh Quang sản xuất cung cấp cho người khuyết tật.
Anh Quang, bạn đồng hành của tôi, nhiều lần dao động. Ban đầu, khi không có đơn đặt hàng, anh ấy rất hoang mang. Có những ngày trống lịch kéo dài 10-20 ngày, anh lo lắng rằng sản phẩm mình làm ra không đạt yêu cầu hoặc chưa đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng. Áp lực còn lớn hơn vì tính ra thu nhập không bằng đi làm thuê.
Những lúc đó, tôi động viên: "Ông nhìn tôi mà xem, tôi thế này còn cố gắng được, ông là người khỏe mạnh, sao lại không cố?". Ban đầu, việc tiếp cận khách hàng rất khó khăn, bởi chúng tôi còn mới, chưa tạo được lòng tin. Nhưng dần dần, từ những sản phẩm đầu tiên, người này giới thiệu người kia, chúng tôi bắt đầu nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn. Qua mỗi lần tư vấn, tôi hiểu thêm nhu cầu của khách, rồi chia sẻ lại với anh Quang để anh điều chỉnh thiết kế. Có sản phẩm chưa vừa mắt, chúng tôi sẵn sàng làm lại từ đầu.
Năm đầu tiên, trung bình mỗi tuần chúng tôi chỉ sản xuất được một chiếc xe. Giờ đây, với kinh nghiệm và sự hỗ trợ thêm nhân lực khi cần, mỗi tuần chúng tôi hoàn thành từ 2-3 chiếc, có ngày nhận tới 3-4 đơn hàng.
Chị có bí quyết nào để giữ chân khách, ngày một đông khách hơn?
- Tôi luôn nhấn mạnh với anh Quang rằng chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. Người khuyết tật như chúng tôi đã chịu quá nhiều thiệt thòi, nên mỗi chiếc xe làm ra không chỉ là phương tiện di chuyển, mà còn là đôi chân thứ hai, giúp họ thực hiện những ước mơ còn dang dở.
Chúng tôi luôn cố gắng để giá thành sản phẩm hợp lý, thấp hơn nhiều so với xe nhập khẩu nhưng chất lượng vượt trội. Ví dụ, một chiếc xe nhập khẩu đi được 30km có giá lên tới 20 triệu đồng, khi hỏng rất khó sửa chữa. Trong khi đó, xe chúng tôi sản xuất chỉ có giá từ 13-14 triệu đồng, đi được 70km và các linh kiện rất dễ thay thế. Những chiếc xe này không chỉ giúp người khuyết tật tự di chuyển mà còn hỗ trợ họ kiếm sống, như đi bán vé số hay làm các công việc khác.
Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất, chúng tôi còn đặt tình người vào từng sản phẩm. Với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chúng tôi sẵn sàng giảm giá, thậm chí hỗ trợ một phần chi phí. Tôi luôn nhắc anh Quang rằng: "Giúp được ai thì giúp, tùy từng hoàn cảnh mà linh động". Quan điểm của chúng tôi là không chạy theo số lượng, mà tập trung vào chất lượng, để mỗi chiếc xe thực sự trở thành công cụ hữu ích, bền bỉ.
Chị Nga tích cực tham gia các chương trình thiện nguyện, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn.
Chúng tôi sản xuất theo nhu cầu cụ thể của khách hàng. Ví dụ, họ yêu cầu kích thước phù hợp với chiều cao của nhà vệ sinh, bếp, giường… thì chúng tôi đáp ứng được tất cả. Điều này giúp sản phẩm của chúng tôi vượt trội so với những mẫu sản xuất hàng loạt trên thị trường. Nhiều khách hàng đã chia sẻ rằng, nhờ những chiếc xe này, họ không chỉ tự lái đi chợ, làm việc, mà còn có thể tự mình thực hiện những sinh hoạt cá nhân một cách dễ dàng.
Hàng ngày việc của tôi đó là trả lời khách hàng và đăng bài quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội. Còn anh Quang phụ trách lắp đặt xe cho khách.
"Chỉ mong bố sống để thấy mình tự lập"
Quay trở lại câu chuyện gia đình, tôi nghe nói bố chị quyết định bán đất để lấy tiền điều trị cho con gái. Vậy ông và gia đình đã đồng hành những năm tháng chạy chữa bệnh cho chị ra sao?
- Tuổi thơ của tôi là chuỗi ngày dài gắn liền với các bệnh viện lớn nhỏ. Từ Bệnh viện Việt Đức, Quân đội 108 đến Bạch Mai, bố tôi không quản ngại khó khăn, đưa tôi đi khắp nơi với hy vọng chữa lành bệnh. Khi tiền bạc cạn kiệt, ông quyết định bán cả mảnh đất gia đình đang ở để tiếp tục chữa trị cho tôi.
Mẹ tôi bận công việc và chăm sóc các em, nên hầu hết thời gian ở viện, tôi đều có bố đồng hành. Khi về nhà, chị gái hơn tôi hai tuổi là người gắn bó và chăm sóc tôi nhiều nhất. Chị dáng người nhỏ nhắn, ngày ngày đèo tôi bằng chiếc xe đạp cũ, bất kể nắng mưa. Có lần chị không phanh kịp, hai chị em ngã nhào, dù bị thương nhưng chị vẫn cố băng bó để đưa tôi về.
Năm 19 tuổi, sau nhiều năm điều trị không tiến triển, gia đình quyết định cho tôi "an phận". Nhưng tôi đã thuyết phục bố mẹ để được học nghề tại một trung tâm dành cho người khuyết tật ở Hà Nội. Bố nói: "Nếu con đi, vất vả quá thì về với bố. Còn nếu con học được nghề, sau này dù bố không còn, con vẫn tự lập được".
Chị Nga đã nhận nhiều bằng khen của Trung ương, địa phương.
Những lời dặn dò của bố luôn là động lực để tôi phấn đấu. Dù hiện tại, ông đã ra đi, nhưng tôi luôn biết ơn vì nhờ có bố mà tôi mới có được ngày hôm nay.
Bố phát hiện bị ung thư hơn 1 năm sau thì bố mất. Lúc đó, tôi bị ốm, mọi người tưởng không vượt qua được. Trước lúc đi xa bố giữ mỗi chị gái tôi trong phòng dặn dò, còn tôi bố bắt ra ngoài sớm. Đến bây giờ bố đã vĩnh viễn đi xa hơn 7 năm, chị gái tôi âm thầm thay bố chăm lo cho mẹ và các em rất tốt. Chị quan sát từ xa cần giúp chị sẽ giúp, còn không thì cứ việc ai người ấy làm. Bản thân tôi thì luôn cố gắng làm mọi thứ tốt nhất.
Tôi được biết, chị tham gia rất nhiều chương trình thiện nguyện giúp đỡ những hoàn cảnh, điều gì khiến chị muốn giúp đỡ người khác, trong khi chính bản thân chị cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn?
- Ngày trước, khi đi làm và học xa, tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ người khác. Những cử chỉ nhỏ như tặng một gói bánh hay hộp sữa khiến tôi cảm thấy được an ủi và trân trọng. Từ đó, tôi nuôi dưỡng mong muốn sẻ chia niềm vui ấy với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Khi đến bệnh viện, nhìn thấy nhiều người bất hạnh, tôi chỉ cần tặng họ một món quà nhỏ cũng đủ để thấy nụ cười trên khuôn mặt họ. Tôi hiểu được điều đó, bởi chính tôi cũng từng như họ. Đó là động lực để tôi tiếp tục hành trình này.
Trước đây, khi công việc chưa bận rộn, tôi thường tham gia các hoạt động quyên góp quần áo, sách vở để hỗ trợ trẻ em vùng cao. Hiện tại, sức khỏe của tôi không còn tốt như trước, một bên phổi đã bị hỏng do cột sống chèn ép, nên tôi chỉ có thể làm từ thiện gần nhà. Nhưng dù ở đâu, tôi vẫn luôn cố gắng giúp đỡ những người xung quanh, bởi đó là cách tôi tìm thấy ý nghĩa và niềm vui trong cuộc sống.
Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của chị!
Đại diện Hội Phụ nữ TP.Phủ Lý, Hà Nam cho biết, năm 2022, chị Lâm Thị Nga đã giành giải Dự án Phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh Hà Nam tổ chức với dự án "Sản xuất phương tiện và thiết bị cho người bị khuyết tật". Đến năm 2023, chị tiếp tục đạt giải khuyến khích tại Hội thi "Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023" khu vực miền Bắc do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
Không chỉ nỗ lực trong công việc, chị Nga còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo. Là hội viên của Hội Người khuyết tật TP.Phủ Lý, chị đã tặng xe lăn và quà cho người khuyết tật, những hoàn cảnh khó khăn. Với tinh thần sống tích cực, vươn lên vượt qua số phận, chị Nga đã nhận được nhiều sự ghi nhận từ các cấp, các ngành.
Năm 2023, chị được Hội LHPN tỉnh Hà Nam tặng Bằng khen vì những đóng góp tích cực trong phong trào phụ nữ tại địa phương. Ngày 31/8/2024, chị được biểu dương tại chương trình "Học và làm theo Bác" do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Đặc biệt, trong năm 2025 tới đây, chị Nga sẽ vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo lời Bác. Sự cống hiến của chị Nga không chỉ là nguồn động viên lớn lao cho người khuyết tật, mà còn là tấm gương sáng về nghị lực sống, truyền cảm hứng cho nhiều người vươn lên trong cuộc sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.