Khái niệm trẻ em khuyết tật và quyền của trẻ em khuyết tật
Trẻ em khuyết tật là những trẻ bị khiếm khuyết về mặt cấu trúc cơ thể, hay bị suy giảm về các chức năng của bản thân, do đó, trẻ bị hạn chế các khả năng hoạt động, cũng như khó khăn trong quá trình sinh hoạt và học tập, vụ chơi, lao động.
Quyền của trẻ em khuyết tật có thể được hiểu là một bộ phận của quyền con người, có quan hệ chặt chẽ với quyền con người.
Theo đó, trẻ em khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền tự nhiên vốn có, trẻ được thực hiện hoặc không thực hiện các hoạt động một các tự nguyện mà không ai được phép cản trở, xâm phạm hay phân biệt đối xử chỉ vì lý do khuyết tật của trẻ.
Quyền của trẻ em khuyết tật theo Công ước của Liên Hợp quốc và pháp luật Việt Nam hiện nay
Một là quyền của trẻ em khuyết tật theo Công ước của Liên Hợp quốc về quyền của người khuyết tật.
Công ước của Liên Hợp quốc về quyền của người khuyết tật (Công ước) được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua ngày 13/12/2006, là công ước quốc tế toàn diện nhất về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật. Theo đó, Công ước có nhiều những quy định riêng liên quan đến trẻ em khuyết tật nhằm bảo đảm việc trẻ em khuyết tật được hưởng tất các các quyền của mình như bao trẻ em bình thường khác và còn được hưởng những lợi ích tối ưu của trẻ khuyết tật, cụ thể như sau:
Điều 3 quy định: Tôn trọng khả năng phát triển của trẻ em khuyết tật và tôn trọng quyền của trẻ em khuyết tật trong việc bảo tồn bản sắc của trẻ em.
Tại Điều 7 quy định về trẻ em khuyết tật như sau: Các quốc gia thành viên của Công ước này cam kết thực hiện những biện pháp cần thiết để bảo đảm trẻ em khuyết tật được hưởng thụ đầy đủ quyền con người và các quyền tự do cơ bản như những trẻ em khác; Trong tất cả các hoạt động có liên quan tới trẻ em khuyết tật, thì những lợi ích tối ưu nhất của một trẻ khuyết tật phải được quan tâm hàng đầu...
Điều 8 quy định: Khuyến khích thái độ tôn trọng quyền của người khuyết tật ở tất cả các cấp trong hệ thống giáo dục, bao gồm cả trẻ em ở mọi lứa tuổi.
Điều 18 quy định: Trẻ em khuyết tật phải được đăng ký khai sinh ngay sau khi sinh ra và có quyền được đặt tên từ khi sinh ra, có quyền nhập quốc tịch, và trong khả năng tối đa có quyền được biết cha mẹ mình là ai và được cha mẹ chăm sóc.
Điều 23 quy định về quyền được tôn trọng gia đình và tổ ấm cụ thể như sau: (i) Người khuyết tật kể cả trẻ em có quyền duy trì khả năng sinh sản của họ, trên cơ sở bình đẳng như người khác...
Khoản 2 Điều 24 quy định: Người khuyết tật không bị loại khỏi hệ thống giáo dục chung vì lý do bị khuyết tật vì rằng trẻ em khuyết tật không bị loại trừ khỏi chương trình giáo dục tiểu học miễn phí và bắt buộc hoặc chương trình trung học cơ sở vì lý do bị khuyết tật;
Điều 30 quy định: Bảo đảm rằng trẻ em khuyết tật được tiếp cận bình đẳng như những đứa trẻ khác vào các hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí, kể cả các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí trong hệ thống giáo dục.
Như vậy, Công ước đã nêu rõ một số quyền đặc biệt của trẻ em khuyết tật, đồng thời quy định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước trong việc thực hiện các cam kết nhằm bảo đảm các quyền lợi của trẻ em khuyết tật.
Hai là quyền của trẻ em khuyết tật theo pháp luật Việt Nam
Trên cơ sở ghi nhận sự bình đẳng, không phân biệt đối xử trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật, trẻ em khuyết tật sẽ được hưởng tất cả các quyền mà pháp luật quy định. Theo đó, Điều 35 Luật Trẻ em năm 2016 về quyền của trẻ em khuyết tật quy định: “Trẻ em khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền của trẻ em và quyền của người khuyết tật theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ, chăm sóc, giáo dục đặc biệt để phục hồi chức năng, phát triển khả năng tự lực và hòa nhập xã hội”. Dưới đây là phân tích về một số quyền tiêu biểu của trẻ em khuyết tật.
Quyền được giáo dục: Ngay trong Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định Nhà nước ta luôn “tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hóa và học nghề”. Theo đó, trẻ em khuyết tật cũng có quyền được giáo dục như các trẻ em bình thường khác và được hưởng đầy đủ quyền này mà không có bất kỳ một sự phân biệt đối xử nào.
Tuy nhiên, do mỗi trẻ khuyết tật lại có những khiếm khuyết khác nhau nên Luật Người khuyết tật năm 2010 cũng đưa ra ba phương thức giáo dục khác nhau giành riêng cho trẻ em khuyết tật do ba, mẹ hoặc người giám hộ lựa chọn dựa trên sự phù hợp với cá nhân trẻ khuyết tật, đó là: Giáo dục hòa nhập, giáo dục bán hòa nhập và giáo dục chuyên biệt.
Quyền được hưởng bảo trợ xã hội: Bảo trợ xã hội là sự giúp đỡ của Nhà nước, xã hội và cộng đồng dành cho các đối tượng gặp phải rủi ro, bất hạnh vì nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến không đủ khả năng tự lo liệu cho cuộc sống tối thiểu của bản thân và gia đình. Trẻ khuyết tật là một trong các nhóm đối tượng đó.
Quyền được chăm sóc sức khỏe: Theo quy định tại Điều 14 Luật Trẻ em năm 2016 và tinh thần của Luật Người khuyết tật năm 2010 thì nội dung chế độ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em khuyết tật gồm ba hoạt động sau: Chăm sóc sức khỏe ban đầu; khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng...
Quyền được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí: Điều 4 Luật Người khuyết tật năm 2010 cũng khẳng định: Trẻ khuyết tật có quyền tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, được tiếp cận các dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch… phù hợp với dạng tật và mức độ tiếp cận.
Như vậy, trẻ em khuyết tật ngoài được hưởng các quyền trẻ em quy định tại Mục 1, Chương II, Luật Trẻ em năm 2016 thì còn được hưởng một số quyền của người khuyết tật và được nhận sự hỗ trợ, chăm sóc đặc biệt để phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng.
Một số giải pháp bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật
Việc bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật cần đưa ra những giải pháp hoàn thiện. Dưới đây là một số giải pháp cần áp dụng trong thời gian tới để nâng cao việc bảo vệ quyền của trẻ em khuyết tật, cụ thể:
Thứ nhất là tích cực thể chế hóa quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về trẻ em khuyết tật; công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Luật Người khuyết tật năm 2010.
Thứ hai là tăng cường xây dựng, hoàn thiện pháp luật về trẻ em khuyết tật.
Thứ ba là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về việc bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật.
Thứ tư là tăng cường biện pháp huy động sự tham gia của người dân, đặc biệt chính bản thân gia đình có trẻ em khuyết tật vào việc bảo vệ quyền của trẻ em khuyết tật.
(Bài viết có sử dụng tư liệu trên Tạp chí Dân chủ và Pháp Luật).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.