Chuyện về nữ sinh "xương thủy tinh" có gia cảnh đặc biệt nhưng luôn lạc quan, học giỏi
Chuyện về nữ sinh "xương thủy tinh" có gia cảnh đặc biệt nhưng luôn lạc quan, học giỏi
Tào Nga
Thứ sáu, ngày 29/03/2024 06:35 AM (GMT+7)
Lê Thị Thảo Như, hiện là học sinh lớp 12A1, Trường THPT Lê Hồng Phong, huyện Châu Thành, Tây Ninh. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, bản thân không được khỏe mạnh như các bạn nhưng Thảo Như đã gây ấn tượng với thành tích học tập.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, Thảo Như kể câu chuyện của mình: "Bản thân em sinh ra đã bị khuyết tật chân vòng kiềng, sau đó được bác sĩ thông báo bị bệnh xương thủy tinh. Ba mẹ em ly hôn lúc em 1 tuổi, vài năm ba em bị bệnh mà mất. Em sống cùng mẹ và bà ngoại trong căn nhà tình nghĩa được nhà nước xây tặng.
Do căn bệnh này nên em không thể chủ động đi học mà phải cần mẹ đưa đón. Hôm nào mẹ bận hay bà ngoại nhập viện, em nhờ bạn bè đưa đi học. Ngoại em năm nay ngoài 80 tuổi và rất hay bệnh. Bà phải dùng thuốc rồi đi bệnh viện nằm nên một mình mẹ phải lo cho cả em và ngoại. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào công việc làm thuê của mẹ (ai mướn gì làm đó như trồng mì, làm cỏ, rọc lá chuối bán hay là trồng rau đi bán dạo).
Trong ký ức của em, em phải tập vật lý trị liệu rất nhiều lần trong những năm còn nhỏ. Khi lớn lên, mẹ em kể, thật ra lúc đó em không đi thẳng được, nhát đứng nhát đi mà cũng đi ngang thôi. Đến gần 4 tuổi em mới đi tiến tới được. Khi cùng mẹ về ngoại ở năm 17 tháng tuổi, em được mẹ cho đi bệnh viện thành phố để chữa bệnh nhưng rồi thôi.
Năm em học lớp 5 là năm học đáng nhớ nhất. Vào khoảng tháng 9, em chơi trong lớp cùng bạn và vô tình đi ngang một cái bài thì bị vấp té xuống thôi mà đã gãy xương đùi. Em đau nhưng lúc ấy không khóc được, còn các bạn chơi cùng em đã khóc trước em. Khi mẹ đến đưa em về, em chỉ nghĩ đơn giản là trật khớp thôi nên không đi bệnh viện. Khi chân em sưng to lên, em mới chịu đến bệnh viện (vì em đi rất nhiều lần nên sợ bệnh viện, sợ bị bệnh).
Khi đến nơi, bác sĩ la mẹ em rất nhiều rồi lập tức đưa em lên xe cấp cứu chuyển lên bệnh viện tỉnh. Em nằm lại bệnh viện hơn 3 tháng cùng mẹ nhưng không muốn bỏ học mà nhờ cô và bạn đem bài vào. Đến gần thi học kỳ 1, em xin được về nhà. Hằng ngày, mẹ cõng em lên lớp để học và thi. Em chỉ đạt học sinh khá học kỳ 1 và đến học kỳ 2 mới được loại giỏi. Những ngày tháng mang cái chân bó bột đi học ở là cả những kỷ niệm đáng nhớ của em và mẹ".
Quyết tâm trở thành cô giáo
Mặc dù ngoại hình nhỏ bé, yếu đuối nhưng bên trong Thảo Như luôn có sức mạnh giúp cô đạt thành tích cao trong học tập và phấn đấu cho mục tiêu sắp tới của mình.
Thảo Như tâm sự: "Em rất buồn và tự ti vào ngoại hình của mình nhưng khi nhìn lại em thấy mẹ em cực khổ lo cho em ăn học nên em không thể lười biếng. Em không than trách số phận mà tự nhủ mình phải mạnh mẽ, vui vẻ, lạc quan để không làm người khác lo lắng, có thể làm việc hay cố gắng học thật tốt để mẹ và bà ngoại vui lòng".
Chia sẻ bí quyết để học giỏi nhiều năm liền, Thảo Như tiết lộ: "Khi học, em luôn phải chủ động học, nhớ thời khóa biểu và sắp xếp thời gian học cho từng môn. Các ngày đi học ở trường thì chiều tối đêm trước em sẽ cố gắng học thuộc bài cũ và làm các bài tập cho các môn đó. Buổi sáng 5h em dậy ôn lại lý thuyết bởi đối với em buổi sáng sớm học bài rất dễ thuộc. Còn thứ 7 và chủ nhật những ngày được nghỉ, em dành thời gian sáng để phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, sau đó học bài hoặc viết văn, đọc sách".
Thảo Như cho biết, ngoài giờ học ra, sở thích của em là nghe nhạc, đọc sách về cuộc sống.
Hiện tai, Thảo Như đang chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và sẽ xét tuyển vào ngành Giáo dục đặc biệt. "Em lựa chọn ngành này vì rất nhiều lý do khác nhau, em thích giáo viên, em muốn được trở thành một cô giáo đặc biệt, dạy cho các bạn đặc biệt giống như em bị khiếm khuyết về cơ thể hay trí não. Em muốn san sẻ, giúp đỡ cho các bạn còn bất hạnh hơn em (em cảm thấy mặc dù em bị như vậy nhưng em được mọi người quý mến, quan tâm, giúp đỡ). Một lý do khác nữa em lựa chọn vì tiền học phí hay chi phí học không quá cao, để nhẹ gánh cho mẹ lo cho em", Thảo Như nói.
Chia sẻ về trường hợp của Thảo Như, Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TP.HCM, cho biết: "Thảo Như là một trong những học sinh của Trường THPT Lê Hồng Phong được chúng tôi trao tặng học bổng Quỹ Ươm mầm tương lai nhằm hỗ trợ thêm cho em về tinh thần vượt khó để vươn lên trong cuộc sống.
Hoàn cảnh của Như rất đáng thương, em bị bệnh xương thủy tinh, khuyết tật chân vòng kiềng. Gia đình khó khăn, sống trong nhà tình thương được địa phương xây tặng, mẹ Như không có nghề nghiệp ổn định, bà ngoại thì già yếu hay bệnh. Tuy được nhiều tổ chức, cơ quan, báo đài hỗ trợ học bổng, nhưng cả gia đình chỉ có một mình mẹ Như là lao động chính. Hàng ngày mẹ Như phải đưa, đón em đến trường nên thời gian đi làm cũng không nhiều, chủ yếu lao động tự do thời vụ tiền công rất bấp bênh và ít. Tuy nhiên, Thảo Như cũng là tấm gương hiếu học với thành tích 12 năm học giỏi".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.