Chuyến vượt Trường Sơn của nhà ký sinh trùng hàng đầu Việt Nam
Chuyến vượt Trường Sơn của nhà ký sinh trùng hàng đầu Việt Nam
Thứ năm, ngày 15/04/2021 16:32 PM (GMT+7)
Năm 1967, GS. Đặng Văn Ngữ, nhà ký sinh trùng hàng đầu Việt Nam, cùng đồng nghiệp có chuyến công tác vào chiến trường miền Nam để tìm hiểu và khống chế bệnh sốt rét. Chuyến vượt Trường Sơn này là hành trình cuối cùng của ông.
GS. Đặng Văn Ngữ sinh ngày 4/4/1910 tại Huế. Ông là cha đẻ của thuốc kháng sinh Penicillin, loại thuốc đã góp phần rất lớn trong điều trị chống nhiễm khuẩn cho thương binh và nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ sau này. Ông cũng là nhà ký sinh trùng hàng đầu Việt Nam.
GS. Đặng Văn Ngữ đi tiên phong trong các nghiên cứu về ký sinh trùng. Nhận thấy sự nguy hiểm của bệnh sốt rét, GS. Đặng Văn Ngữ là một trong số ít người thời đó có ý tưởng sản xuất vaccine phòng chống sốt rét. Năm 1964, ông và đồng nghiệp đã tìm ra muỗi An.sinensis - thủ phạm gây bệnh sốt rét.
Năm 1967, GS. Đặng Văn Ngữ cùng đồng nghiệp có chuyến "đi B". Mục đích của chuyến đi là hạn chế sự hoành hành của dịch sốt rét đang phổ biến trên các chiến trường miền Trung, Nam Bộ; nghiên cứu biện pháp phòng chống sốt rét tại chỗ, tìm hiểu khả năng sản xuất vaccine chống căn bệnh quái ác này.
Trước chuyến đi này, nhiều lần Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch trao đổi gợi ý nên cử cán bộ trẻ có kinh nghiệm vào nghiên cứu tình hình trước. Nhưng trước quyết tâm khó lay chuyển của GS. Đặng Văn Ngữ, chuyến đi được chấp thuận.
Để chuẩn bị cho chuyến vượt Trường Sơn gian khó, ngoài chuẩn bị tài liệu, thiết bị nghiên cứu… GS. Đặng Văn Ngữ vừa rèn luyện sức khỏe. Ông bỏ thói quen đi giày da để đi dép cao su, ông còn tập vác balo gạch đi quanh nhà vào buổi tối… với mục đích "Mang ba lô, leo dốc được như mọi người" như lời của ông viết trong thư gửi cho con vào ngày 27/2/1967 trước khi vào chiến trường miền Nam.
Tết Nguyên đán năm 1967, GS. Đặng Văn Ngữ và các cán bộ bắt đầu di chuyển bằng ô tô vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) rồi đi bộ vào Trị Thiên - Huế.
Trong thư gửi con gái Đặng Nguyệt Quý, ông viết: "Ba vào Vĩnh Linh nghiên cứu trong 4 tháng và thấy có thể sản xuất được thuốc để tiêm phòng sốt rét, Ba sẽ đi B để sản xuất thuốc ấy trên một quy mô lớn hơn. Triển vọng rất nhiều nhưng khó khăn cũng rất nhiều. Ba sẽ cố gắng".
Với quyết tâm đó, GS. Đặng Văn Ngữ đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ để tiến hành những nghiên cứu về sốt rét ở chiến trường miền Nam. Dưới làn bom đạn, ông vẫn miệt mài làm việc nghiên cứu một thứ vắc xin miễn dịch sốt rét để ứng dụng ngay tại chỗ cho bộ đội.
Chiều 1/4/1967, GS. Đặng Văn Ngữ hy sinh sau loạt bom B52 rải thảm của máy bay Mỹ xuống chiến trường Thừa Thiên - Huế, quê hương ông. Bấy giờ, GS. Đặng Văn Ngữ mới 57 tuổi, độ tuổi sung sức của một nhà khoa học tràn đầy nhiệt huyết cao đẹp.
Sau này con trai ông, NSND. Đặng Nhật Minh chia sẻ về lần gặp mặt cuối cùng với cha mình: "Cha tôi bước lên xe, ngồi vào ghế trước. Chiếc xe nổ máy chuyển bánh… Tôi bế con nhìn hút theo hai chiếc đèn đỏ sau xe cho đến khi chiếc xe đi khuất vào phố đêm... Tôi không hề có linh cảm rằng đó là cuộc chia tay cuối cùng với cha mình".
Theo lời kể của NSND. Đặng Nhật Minh, sau khi mất, thi hài GS. Đặng Văn Ngữ nằm trên Trường Sơn lặng lẽ suốt 20 năm cho đến khi được một người tiều phu phát hiện được. Trong gói vải dù bọc một ít di hài cùng tấm biển nhôm ghi: Đặng Văn Ngữ. 1/4/1967.
Người ta nghĩ rằng đó là hài cốt của một chiến sĩ nào đó chưa rõ tung tích nên đã quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Đến năm 2000, gia đình mới tìm được và đưa ông về nghĩa trang họ Đặng trên núi Ngự Bình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.