Tại tòa án thành phố Williamson (bang Texas) ngày 8.11.2013, chánh án Kelly Moore tuyên cựu công tố viên trưởng Ken Anderson của thành phố này phải ở tù 10 ngày do tội che giấu tội phạm và che giấu chứng cứ vốn có thể khiến ông Michael Morton không phải ngồi tù vì tội giết vợ hồi năm 1986.
Thủ phạm thật Mark Norwood
Không chia sẻ chứng cứ với luật sư bào chữaNgay trước mặt nạn nhân của mình, Anderson chấp nhận mức án theo một đơn xin khoan hồng về tội nói dối trước tòa. Theo luật Mỹ, tội che giấu bằng chứng có thể bị kết án tù 10 năm, nhưng Anderson được xóa thể theo đơn xin khoan hồng, vốn còn tuyên loại ông ta khỏi Hội đồng luật sư bang Texas. Ông ta còn phải nộp phạt 500USD và phải hoàn tất 500 giờ lao động công ích.
Thẩm phán Moore cũng tuyên Anderson phạm tội khai man trước tòa, do ở vụ xét xử Morton về tội giết bà vợ Christine hồi năm 1987, công tố viên này nói không có bằng chứng giải tội để trao cho luật sư của bị cáo Morton. Theo luật, công tố viên phải chia sẻ chứng cứ họ có được cho luật sư của bị cáo, để có thể giúp biện hộ cho người bị buộc tội. Nhưng Anderson lại giấu hai chứng cứ quan trọng khi buộc tội Morton: lời khai của các nhân chứng đã trông thấy hành vi đáng ngờ của một gã đàn ông thường đậu chiếc xe tải màu xanh ở một điểm nọ, rồi gã đi bộ xuyên qua rừng đến nhà Morton, trước khi xảy ra vụ giết người.
Sau khi ra tù, Morton trở thành một biểu tượng sống của những rắc rối trong hệ thống pháp lý ở Texas, vốn là bang dẫn đầu nước Mỹ về số tù phạm được minh oan bằng kỹ thuật xét nghiệm ADN: 117 tù phạm được trả tự do trong 25 năm qua. Đầu năm 2013, cựu chánh án Tòa án tối cao Texas đề nghị các nghị sĩ có hành động về vấn đề này. Morton thường xuyên có mặt ở trụ sở nghị viện bang để giúp thúc đẩy Luật Michael Morton: luật này buộc các công tố viên phải chia sẻ hồ sơ và chứng cứ có được với luật sư bào chữa để có thể giúp ích cho các bị cáo. “Dự án Vô tội” chuyên giúp các tù phạm tuyên bố họ bị kết án oan, là một tổ chức pháp luật bất vụ lợi, hợp tác với Đại học luật Yeshiva.
|
Theo báo địa phương The Austin American-Statesman, Anderson còn giấu biên bản lấy lời khai của bà Rita Kirkpatrick, mẹ của Christine, vốn cho biết đứa con trai 3 tuổi của Morton đã nói rằng cậu chứng kiến cảnh mẹ bị giết, mô tả kẻ đánh mẹ là “con quái vật” và nói cha cậu không có nhà lúc xảy ra vụ tấn công. Lúc đó, nếu Anderson cung cấp các chứng cứ này, các luật sư của Morton sẽ có chứng cứ cho lập luận Christine bị một người lạ đột nhập vào nhà từ cửa sau không khóa rồi giết bà, chứ Morton không là thủ phạm.
Nhưng Anderson đã đưa ra một giả thiết khác: Morton giết vợ trong một đêm giận dữ, rồi dàn dựng ngôi nhà thành cảnh bị người lạ đột nhập rồi ông đi làm xa vào ngày hôm sau. Theo biên bản khám nghiệm tử thi, Christine chết lúc chưa quá 1 giờ 15 sáng, khiến mỗi chồng bà là nghi can số 1. Do không có người làm chứng hoặc tang vật kết nối Morton với vụ án mạng, nên mãi mãi không tìm ra được vũ khí giết người.
Vì Anderson che giấu các chứng cứ, Morton đã bị tuyên án 25 năm tù vì đánh vợ đến chết. Mãi đến tháng 10-2011 ông mới được trả tự do, sau một phiên tòa phúc thẩm yêu cầu xét nghiệm lại ADN từ mẩu máu dính trên một tấm khăn quấn đầu màu xanh được tìm thấy sau nhà Morton (vào năm 1986 chưa có áp dụng kỹ thuật xét nghiệm ADN ở Mỹ). Kết quả cho biết thủ phạm thực sự là một ngư dân đánh cá bằng lưới trôi tên Mark Alan Norwood. Chứng cứ mới (ADN) này chứng minh được sự vô tội của Morton.
Hồi tháng 3.2013, Norwood 58 tuổi bị buộc tội đánh bà Christine chết trên giường, cũng dựa trên các chứng cứ đã nêu trên. Gã đang phải thụ án tù chung thân, và còn bị buộc tội giết bà Debra Masters hồi năm 1988, sau khi ADN của hắn được tìm thấy ở nhà bà này. Hắn có thể được xét ân xá sau 15 năm thụ án tù. Sau khi Norwood bị tuyên án, Morton từng hôn lên má của mẹ gã và ôm em trai gã ở bên ngoài tòa án. Ông giải thích đó là “một túi cảm xúc lẫn lộn, không phải ngày để vui mừng”.
Công tố viên Anderson sẽ phải ngồi tù.
Xét lại 16 năm làm công tố viên của AndersonSau khi tòa tuyên án 10 ngày tù, Anderson nay 61 tuổi nói: “Mục tiêu số 1 của tôi ở đây là những gì đã xảy ra với tôi sẽ không xảy ra với quý vị và từ những điều đã diễn ra hôm nay, chúng ta đã thành công”.
Ông ta từng là “bộ mặt của pháp luật” tại một thành phố tệ nạn trong suốt 30 năm ở Texas, kể từ sau vụ xét xử Morton: có một sự nghiệp thành công, trở thành thẩm phán cấp bang suốt 11 năm trước khi về hưu hồi tháng 9. Ngày 2.12 tới, ông ta phải trình diện ở nhà tù thành phố, nhưng ông ta có thể chỉ phải thụ án 4 ngày tù nếu có hạnh kiểm tốt, cũng như đã trừ các ngày ông ta từng bị giam.
Tại tòa, Anderson xin lỗi Morton về cái gọi là những “sai sót trong hệ thống xét xử” nhưng ông ta nói rằng ông ta tin mình chẳng làm gì sai. Gerald Goldstein, một luật sư của tổ chức “Dự án vô tội”, nói bản án đối với Anderson tuy ngắn ngày nhưng đây là lần đầu tiên trong lịch sử pháp lý Mỹ có một công tố viên bị phạm tội che giấu tội phạm, phải đi tù và bị tước bằng luật sư”.
Đồng sáng lập tổ chức này là Barry Scheck, nói nhóm ông sẽ tiến hành một cuộc xem xét lại tất cả các vụ án mà Anderson giữ quyền công tố trong 16 năm, để xem ông ta có che giấu các chứng cứ có lợi cho bị cáo hay không. Scheck kết luận: “Cho đến hôm nay, Anderson vẫn muốn nói: “Tôi chẳng làm gì sai. Đó không phải là gương tốt cho mọi người, và nói thẳng ra thì đó là một tuyên bố đáng tởm”.
Kết thúc có hậuMorton ngồi sau lưng Anderson trong suốt phiên tòa, khi rời khỏi nơi ông từng bị tuyên án, ông nói với gia đình: “Hôm nay là một ngày tốt lành. Tôi nói điều duy nhất tôi muốn là Anderson phải bị mất chức và không được hành nghề luật nữa. Tất cả những điều ấy đã thành hiện thực”. Khi được hỏi liệu ông có hài lòng khi chứng kiến sự thay đổi vai trò (Anderson ở ghế bị cáo, chờ bị vào tù), Morton đáp: “Đó là một đòi hỏi ghê tởm hoặc của quỷ sứ mà bạn phải có trong cả một đời”, nhưng ông không nói gì về mức án giáng xuống Anderson.
Chánh án Moore nói: “Trong những vụ thế này, đôi khi khó mà nói có đạt được công lý hay không. Những gì chúng tôi xét xử hôm nay không thể xóa được nỗi bị kịch. Tôi muốn nói với ông Morton, rằng nhờ ông mà thế giới trở nên tốt đẹp hơn”.
Công tố viên trưởng Texas là Greg Abbott ra tuyên bố: “Không phán quyết nào có thể đem lại sự sống cho một người mẹ trẻ bị sát hại thê thảm - Christine Morton, cũng không thể phục hồi những năm tháng oan ức mà người chồng Michael Morton phải chịu ở tù, thật bất công thay! Chúng ta chỉ có thể hy vọng, rằng phán quyết hôm nay đem lại chút công lý xứng đáng dù muộn màng cho một gia đình đã phải chịu đựng sự oan ức suốt một thời gian dài”.
Tường Phúc (Thế giới & Hội nhập) (Tường Phúc (Thế giới & Hội nhập))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.