Đây là chuyến đi do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì và giao Báo Nông thôn Ngày nay trực tiếp tổ chức thực hiện chuyến tham quan kéo dài 5 ngày này.
“Tôi nghe tiếng về nền nông nghiệp Đài Loan đã lâu, khi biết chỉ khoảng 5-7% dân số làm nông nghiệp nhưng sản lượng nông sản họ sản xuất ra không chỉ đủ nuôi sống người dân toàn lãnh thổ này, đồng thời còn xuất khẩu ra thị trường thế giới. Bây giờ được trải nghiệm thực tế thì thấy những thành tựu của nông nghiệp nơi này còn vượt quá sức tưởng tượng của mình...”, Nông dân xuất sắc Phạm Văn Động đến từ Hàm Tân, Bình Thuận, trầm trồ khi tham quan các thành tựu của nền nông nghiệp Đài Loan.
Theo ông Động, với quỹ đất hơn 400ha của mình, nếu chỉ áp dụng được một phần những kỹ thuật tiên tiến như nông dân Đài Loan, chắn chắc ông có thể sản xuất và nâng cao giá trị cạnh tranh cho các sản phẩm của mình lên gấp 2,3 lần.
Đoàn nông dân giỏi nghe diễn giải về quy trình sản xuất giống
Bất ngờ trước thành tựu nông nghiệp của Đài Loan
Tại Trung tâm Cải tạo giống và nhân giống (Khu Tân Xã, huyện Đại Nam, TP. Đài Trung), “vua cam” Đoàn Xuân An, Giám đốc Công ty CP Cam sành Hàm Yên, nông dân sản xuất giỏi năm 2015, tỏ ra khá bất ngờ trước công nghệ làm giống chuyên nghiệp của xứ này. Theo ông An, trước giờ nghe tiếng nhiều về nền nông nghiệp Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc... còn Đài Loan thì chỉ biết họ làm cũng rất tốt nhưng bây giờ tham quan thực tế thì mới thấy được nền nông nghiệp của họ cũng không kém những nước tiến tiến trên.
Chỉ cây cam được trồng thử nghiệm ngoài trời tại Trung tâm này, ông An đánh giá, kỹ thuật giống được làm rất tốt. Nhìn màu sắc lá, độ kết quả và tỷ lệ trái đều nhau như thế này chứng tỏ nguồn giống được lựa chọn rất kỹ. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp cho cây cam có năng suất và chất lượng vượt trội...
Tham quan triễn lãm thành tựu nông nghiệp Đài Loan
Cũng đánh giá cáo tính chuyên nghiệp và kỹ thuật làm giống của Đài Loan, lão nông Nguyễn Thường Lang (sáu Lang), nông dân giỏi trồng nho tại tỉnh Ninh Thuận cho biết, không ngạc nhiên khi ở đây chỉ có 5-7% nông dân làm nông nghiệp nhưng đủ sản phẩm lương thực, thực phẩm nuôi sống cả nước và còn dư để xuất khẩu. Nếu Việt Nam làm được như thế này thì chắc chắn trên bản đồ nông nghiệp thế giới sẽ có tên tuổi của chúng ta.
Ông Phan Huy Hà, Phó Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, Trưởng Đoàn Nông dân xuất sắc 30 năm Đổi mới đi Đài Loan tặng quà lưu niệm cho đại diện Trung tâm nghiên cứu giống Đài Loan
Bà Trương Tiểu Bình, đại diện Trung tâm Cải tạo giống và nhân giống cho biết, cách đây hơn 50 năm, Đài Loan đã lấy sản xuất nông nghiệp làm ngành kinh tế chủ đạo. Khi đó, khoảng 80% dân số tham gia làm nông nghiệp. Sau cuộc cải cách ruộng đất được triển khai có hệ thống, có khoảng hơn 70% lao động nông nghiệp đã dịch chuyển sang các ngành công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ; chỉ khoảng 5%-7% làm nông nghiệp.
“Hiện nay, tuy số lượng người làm nông nghiệp chỉ còn khoảng 5% -7% nhưng do nâng cao được kỹ thuật, cơ giới hóa hoàn toàn sản xuất, xây dựng tốt mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, nên nông nghiệp Đài Loan không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn phục vụ xuất khẩu sang một số thị trường nước ngoài...”, bà Tiểu Bình thông tin.
Tìm cơ hội xúc tiến thương mại
Bên cạnh việc tham quan học tập các quy trình sản xuất giống và nhân giống, nhiều nông dân giỏi tham gia chương trình tham quan học tập các mô hình nông nghiệp chất lượng cao tại Đài Loan cũng tranh thủ tìm kiếm các cơ hội xúc tiến thương mại với các đối tác phía bạn.
Là người phụ nữ duy nhất trong đoàn, bà Phạm Thị Nụ, nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Lai Châu cho biết, cách đây vài năm thì gia đình tôi còn xuất khẩu được vài container chè sang Đài Loan nhưng gần đây chỉ xuất khẩu được khá ít. Có thể do công nghệ sản xuất trà của mình chưa đáp ứng hoặc chưa có mối quan hệ thân thiết với các đối tác Đài Loan. “Đi đợt này, mình sẽ tranh thủ học kinh nghiệm, công nghệ sản xuất chè của Đài Loan, đồng thời cũng hy vọng sẽ kết nối được với các đối tác sở tại để có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang", bà Nụ hào hứng chia sẻ.
Sản xuất cây giống
Trong khi đó, cũng phấn khởi không kém khi lần đầu tiên sang đây, lại được tham quan những vấn đề đúng sở trường của bản thân, ông Phạm Văn Động, nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Bình Thuận, cho biết, từ lâu đã nghe nhiều về nền nông nghiệp Đài Loan, cũng đã nhiều lần đọc báo, nghe đài, học tập kinh nghiệm của xứ bạn nhưng chưa một lần được nhìn thấy tận mắt. Do đó, chuyến đi này sẽ là cơ hội lớn để tôi “mục sở thị” nền nông nghiệp được đánh giá là đang phát triển lớn mạnh ngang tầm thế giới.
Còn ông Võ Công Thọ, nông dân sản xuất giỏi cũng của Bình Thuận, cho biết: “Tôi đang làm nghề chế biến, xuất khẩu hạt điều nên mỗi chuyến đi thăm quan ở ngoài nước như thế này giúp cho mình tự đánh giá và có cái nhìn khác về nông nghiệp trên thế giới. Vì thế, tôi cho rằng, để làm ăn hiệu quả hơn, nông dân Việt Nam cần dành thời gian đi thăm quan, học tập các mô hình nông nghiệp trên thế giới nhiều hơn”.
Đoàn Nông dân Việt Nam xuất sắc bắt đầu chuyến thăm Đài Loan
Mở đầu chuyến thăm quan, trong ngày hôm nay 26.10, đoàn đã đến thăm 2 cơ sở nghiên cứu và sản xuất, chuyển giao các loại giống cây trồng lớn của Đài Loan nằm tại TP. Đài Bắc. Trong buổi sáng, đoàn đã được thăm quan Trung tâm Nghiên cứu dịch vụ giống cây trồng Đại Nam, đây là cơ sở chuyên nghiên cứu những bộ giống đầu giòng như hoa, các loại quả, đồng thời trung tâm này cũng sản xuất các loại giống để xuất khẩu.
Chia sẻ trong ngày đầu tiên thực hiện chuyến thăm quan này, nông dân xuất sắc Nguyễn Thường Lang (Sáu Lang) ở Phan Rang- Tháp Chàm (Ninh Thuận), người trồng được giống nho dại Coudere có doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm cho biết: “Tôi thấy, đây là một chuyến đi rất ý nghĩa do Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức. Sang đến vùng đất này, tôi mới thấy có quá nhiều loại giống hoa, quả mới, lạ mà mình chưa biết. Chắc chắn sau chuyến thăm quan này, tôi sẽ về nghiên cứu tài liệu kỹ hơn để học hỏi và có kế hoạch hợp tác, mua giống từ phía bạn”.
Cùng chung cảm xúc như ông Sáu Lang, nông dân xuất sắc Nguyễn Thị Nụ đến từ Lai Châu, một người chuyên sản xuất, chế biến chè xuất khẩu trong đó có xuất sang Đài Loan cho biết: “Đối với tôi, chuyến đi này là một trải nghiệm hết sức tuyệt vời. Tôi rất ham mê nông nghiệp, nên ngoài trồng chè, sau chuyến đi này tôi có thể sẽ mở rộng sang lĩnh vực trồng hoa, vì ở Đài Loan có rất nhiều giống hoa đẹp mà theo giới thiệu có thể trồng được ở Việt Nam”.
Trong buổi chiều cùng ngày, đoàn đã được đến thăm quan Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Đài Loan đặt ở TP. Đài Trung. Đây là viện nghiên cứu nông nghiệp hàng đầu của Đài Loan được thành lập từ năm 1895. Viện có chức năng chuyên nghiên cứu, lai tạo các giống cây trồng chủ lực của Đài Loan, cũng như phục vụ cho nhu cầu kiểm nghiệm giống cây trồng từ các nước trên thế giới gửi về.
Theo kế hoạch, trong ngày mai 27.10, đoàn sẽ có buổi làm việc với Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan.
Ngọc Lê
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.