CIA chỉ điểm bắt Mandela?

Thứ năm, ngày 17/01/2013 06:34 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) từng chỉ điểm để chính quyền phân biệt chủng tộc apartheid Nam Phi bắt lãnh tụ Nelson Mandela. Đó là sự cáo buộc mới nhất ở Nam Phi.
Bình luận 0

Ngày 5.8.1962, một chiếc xe Ford V-8 phóng trên con đường tới thành phố Howick chở đầy cảnh sát đã chặn một chiếc xe chở một người đàn ông da màu cao lớn mặc chiếc áo khoác màu trắng của tài xế. Cảnh tượng ấy chẳng lạ thời apartheid, ngoại trừ việc người tài xế ấy lại ngồi ở ghế sau xe: từ hôm đó, Mandela trở thành người tù chính trị nổi tiếng nhất, được kính trọng nhất thế giới.

Cuộc đấu tranh cách mạng bí mật của thủ lĩnh chống kỳ thị chủng tộc kết thúc, nhưng một số người Nam Phi đoan chắc chính CIA chỉ điểm, thì cảnh sát mới biết trước được người bị truy nã gắt gao nhất giả làm tài xế chở ông chủ đến Johannesburg.

img
Mandela thời trẻ đốt “thẻ thông hành” buộc người da màu khai nơi ở và màu da

Ai chỉ điểm Mandela?

Người lái chiếc xe là Cecil Williams giả làm một doanh nhân da trắng giàu có. Chỉ mỗi màu da của ông là thật, chứ Williams là một đảng viên Cộng sản Nam Phi và là một đạo diễn nhà hát nổi tiếng. Mandela lúc đó vừa kết thúc một khóa huấn luyện quân sự ở đâu đó tại châu Phi, lãnh nhiệm vụ trở về nước chỉ huy một nhóm vũ trang thực hiện các vụ phá hoại những trụ sở công quyền: những hạn chế của các cuộc biểu tình ôn hòa gây thất vọng đã khiến Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC, bị chế độ apartheid cấm hoạt động từ năm 1960) đã lập tổ vũ trang này.

Buổi trưa hôm ấy, khi từ Durban chạy về Johannesburg, Mandela và Williams chọn điểm tấn công. Khi bị cảnh sát chặn, Mandela lập tức dùng bí danh David Motsamayi và khai là tài xế (theo cuốn hồi ký Hành trình dài đến tự do của ông) nhưng tay trung sĩ cảnh sát râu ria không cạo không tin, vẫn đọc lệnh bắt ông. Tiếp đó, một quan tòa tuyên án 5 năm tù đối với Mandela, gồm 3 năm tù vì tội kích động tấn công, 2 năm tù vì tội vượt biên trái phép.

Qua năm 1964, vụ án được mở lại và Mandela cùng 7 đồng chí bị tuyên án tù chung thân vì tội phá hoại cùng các tội khác. Mandela ở tù 27 năm tại nhà thù Robben Island đến năm 1990 thì được TT De Klerk trả tự do và kết thúc chế độ apartheid. Denis Goldberg là một trong số các đồng chí bị kết án của Mandela, khẳng định một nhân viên CIA đã nắm được tin Mandela ở Durban và chỉ điểm cho an ninh Nam Phi, nhằm đổi lấy một “đặc tình” của ông ta ra khỏi tù. Ông nói hồi ấy, cánh tình báo biết rõ nhau vì thường nhậu với nhau.

Nhưng nhiều thập niên sau, những người tin có kẻ báo tin cho CIA đã nêu rõ với báo chí, rằng kẻ đó là một nhà ngoại giao Mỹ trẻ ở lãnh sự quán tại Durban. Họ nói tay này khoe khoang tại một bữa nhậu rằng đã báo cảnh sát bắt Mandela. Các tờ báo Anh và Nam Phi lần tìm ra nhà ngoại giao ấy: Donald Rickard hiện sống ở bang Colorado.

Ông khẳng định đó chỉ là sự đồn đoán, không đúng sự thật và ông từ chối nhắc lại thời làm nhiệm vụ ở Nam Phi với lý do: “Đó là chuyện riêng tư”. Các tờ báo Anh và Nam Phi cũng đề nghị Cục Tàng thư Mỹ cung cấp thông tin, nhưng CIA khẳng định không có thông tin về Rickard, không có sự liên quan giữa CIA với vụ bắt Mandela. Cảnh sát Nam Phi từ chối bình luận.

img
Mandela trong tù

Giấu súng nhưng không sử dụng

Trong thực tế, chính phủ Mỹ không ưa chế độ apartheid. Một tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 1964 (tổ chức phi vụ lợi National Security Archive chuyên giải mật các tài liệu mật khẳng định có được) có ghi nhận những vụ báo động về các vụ bắt những người chống apartheid. Tài liệu này còn ghi nhận sự lo ngại của Mỹ: phiên tòa năm 1964 có thể tuyên án tử hình Mandela và 7 đồng chí: “Cái chết của họ có thể dẫn đến sự gia tăng bạo lực cùng các hành động cực đoan”. Nhưng vào thời Chiến tranh lạnh lên đỉnh cao, Mỹ vẫn dựa cậy chế độ apartheid như một đồng minh chống cộng sản.

Mandela cũng tự nhận việc ông bị bắt là do không giỏi hóa trang. Trong cuốn hồi ký, ông viết: “Tôi không thể quy việc bị bắt vào cửa CIA. Thực tế là tôi thắc mắc sao mình không bị bắt sớm hơn?” Ông còn kể vào ngày bị bắt, ông giấu một khẩu súng ngắn nhưng không muốn sử dụng đến. Sự lựa chọn hòa bình ấy đã khiến ông từ vị trí tù nhân trở thành TT da đen đầu tiên của Nam Phi, với cương lĩnh yêu chuộng hòa bình, tha thứ và hòa giải dân tộc, không còn phân biệt màu da.

Năm 1996, Mandela trở lại chỗ mình bị bắt, mô tả những năm tháng ngục tù đã làm ông cùng các đồng chí trưởng thành rất nhiều trong tư tưởng đấu tranh: “Dù đó là một trải nghiệm đau thương, nó cũng có ích vì chúng tôi có thể tái định hướng, nhận ra những sai lầm đã phạm cùng các thành quả. Và chúng tôi đã chuẩn bị tốt hơn để hoàn thành nhiệm vụ cũng như đối diện những thử thách mới”.

Theo Thế giới & Hội nhập
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem