CLB G.Rangers phá sản: Con mồi của "cá mập"

Chủ nhật, ngày 19/02/2012 13:27 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc nhiều CLB khác sắp chung tình trạng với Glasgrow Rangers - đội bóng giàu truyền thống bậc nhất Scotland này có nguyên nhân từ việc những con cá mập trong bóng đá thế giới đã xuất hiện.
Bình luận 0

Hồi đầu thế kỷ 20, khi nền tư bản phát triển tới mức cực thịnh, những tập đoàn khổng lồ xuất hiện. Những tập đoàn hùng mạnh (được gọi là những con cá mập tư bản) này đã dùng sức mạnh hùng hậu của mình để o ép các đối thủ yếu và khiến cơn bão phá sản diễn ra khắp trên cựu lục địa và nước Mỹ. Sang đầu thế kỷ 21, chính xác là đến thời điểm này, các con cá mập lại xuất hiện trong bóng đá châu Âu và Glasgrow Rangers chính là một con mồi của những con cá mập bóng đá đó.

 img
Chủ tịch Craig Whyte của Glasgow Rangers đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

 Quân bài Domino đã đổ

Chủ tịch Craig Whyte đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản cho CLB này. Được biết, hiện Rangers đang nợ khoản thuế lên tới 75 triệu bảng, trong khi không có nguồn thu để thanh toán. Hôm qua, Chính phủ Scotland chính thức nắm quyền quản lý mọi hoạt động của CLB vốn là niềm tự hào của đất nước.

Trước đó, cựu á quân Cúp C1 Leeds Utd (Anh) dù năm 2002 họ mới dự bán kết Champions League nhưng hiện tại đã được coi là bị xóa sổ. Hàng xóm của họ là CLB Portsmouth cũng trong tình trạng tương tự. Hiện tại, CLB này đang nợ thuế đến 11 triệu bảng Anh, rất có thể, tòa án tối cao sẽ tuyên bố họ phá sản trong thời gian tới.

Portsmouth đang nợ tổng cộng 60 triệu bảng và 3 lần trả lương không đúng hạn cho cầu thủ cũng như nhân viên trong 5 tháng qua. Vậy là CLB được thành lập năm 1898 này sẽ không còn hiện diện tại giải bóng đá chuyên nghiệp nước Anh nữa khi chưa đầy 2 năm giành Cup FA.

Fiorentina (Italia), đội bóng về danh nghĩa đã phá sản từ lâu (đội Fio hiện đang chơi tại Serie A là một CLB khác) được thành lập lại sau khi CLB cũ phá sản năm 2002. Dortmund, nhà vô địch Champions League 1997 và đang là ĐKVĐ Bundesliga, cũng đang lao đao nợ nần chồng chất...

Làn sóng phá sản này diễn ra trong thời điểm này khiến nhiều người nghĩ nguyên nhân chính là khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, với cách làm bóng đá hiện tại thì khủng hoảng kinh tế chỉ là cái cớ để làn sóng phá sản ở bóng đá châu Âu bùng phát.

Công xã Paris sụp đổ

Hiện tại, chính ở Scotland, giá một chiếc áo đấu chính hãng của Glasgow Rangers có giá 40 euro, trong khi giá một chiếc áo đấu của Barca là 140 eurro, áo M.U là 120 euro... Chuyện rất cụ thể về giá cả một chiếc áo đấu bán cho người hâm mộ đã cho thấy xu hướng của cả nền bóng đá châu Âu. Các nhà đầu tư, các cầu thủ, những người hâm mộ và cả những nguồn thu (tất nhiên) trên khắp thế giới đổ xô về các CLB lớn của châu Âu, những con cá mập thật sự về tài chính.

Truyền hình, Internet và xu hướng “thế giới phẳng” đã xóa bỏ mọi khoảng cách để người hâm mộ dễ dàng tiếp xúc với CLB mà mình yêu mến. Trừ những người có tuổi, lớp trẻ hiện nay chỉ muốn chọn cho mình những CLB “ra tấm, ra món” để đặt tình yêu. Người hâm mộ của M.U hiện nay là 75 triệu người, Barca là 100 triệu người... Những con số khủng khiếp ấy là mối đe dọa thực sự với các CLB bóng đá nhỏ trên toàn châu Âu chứ không chỉ trong khuôn khổ nước Anh hoặc Tây Ban Nha.

Glasgow Rangers đã vô địch quốc gia 53 lần, nhiều hơn bất cứ đội bóng nào trên thế giới. Họ đã vô địch cúp liên đoàn Scotland 25 lần - nhiều nhất ở Scotland - cúp quốc gia Scotland 33 lần.Vào năm 1961 Rangers là đội bóng đầu tiên thuộc vương quốc Anh lọt vào đến trận chung kết cúp châu Âu. Họ vô địch cúp C2 vào năm 1972, về nhì vào các năm 1961 và 1967, và về nhì ở cúp UEFA 2008.

Quy luật nghiệt ngã với các CLB bóng đá nhỏ ở châu Âu rất rõ ràng và vẫn diễn ra đều đều, tàn nhẫn. Quy luật rất đơn giản ấy là: Không có tiền đầu tư cho đội bóng và không cạnh tranh nổi với những con cá mập trong việc mua và giữ chân các cầu thủ giỏi, thành tích của đội sẽ bị bết bát, người hâm mộ xa rời, không có nguồn thu, CLB càng trở nên nghèo đi... liên tục như thế và sự phá sản không thể không diễn ra.

Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu M. Platini đã sớm nhận ra xu hướng ấy và cũng đã có nhiều biện pháp để cải thiện vấn đề. Từ khi xuất hiện trên vũ đài bóng đá với cương vị người quản lý, ông đã sớm ngăn chặn được ý tưởng về giải bóng đá giữa các “ông lớn” (đe dọa cả Champions League).

Bên cạnh đó, các CLB nhỏ khắp châu Âu được nhiều vé hơn để tham gia vào giải đấu danh giá và có nhiều nguồn thu là Champions League... Nhưng dù nhân ái và đầy lòng trân trọng thì những hành động của M. Platini cũng chỉ xuất hiện đẹp và ngắn ngủi như bức tường của Công xã Paris hồi cuối thế kỷ 19 mà thôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem