Toàn cảnh một cây gòn đại thụ mà trái đã toác và rơi vỏ đang ruột nõn nà.
Tháng 4, cái nóng như đổ lửa của tiết trời đầu hạ kéo nhau trở về, cũng là lúc mùa gòn trái bắt đầu khô quắt, lớp vỏ toác và rơi xuống, để lại phần ruột trắng nuột nà (mà người dân vẫn thường gọi là bông) lủng lẳng đung đưa trên nền trời xanh vắt. Thỉnh thoảng gió lại tinh nghịch thổi mạnh, "kéo" bông gòn ra khỏi nơi bám, xoay tít trên không trung rồi đẩy bay đi thật xa.
Theo lời của những bậc cao niên ở các vùng quê Quảng Ngãi, nhiều năm về trước gòn là loại cây được trồng phổ biến ở khắp nơi. Theo đó đến mùa này, người dân lại í ới gọi nhau mang bao, vác sào đi khèo trái gòn già, khô mang về rồi lựa bỏ bớt hạt để dồn vào bao, túi vải làm gối nằm; hoặc cuộn xe thành sợi có kích cỡ bằng thân nhang làm tim đèn đầu thắp sáng.
Tuy nhiên khoảng chục năm trở lại đây, khi đời sống kinh tế của các gia đình đã khá giả hơn, gối bông gòn đã được thay bằng đệm mút; điện thắp sáng thay cho đèn dầu... nên người dân vùng quê không còn vác sào đi hái trái gòn nữa. Bên cạnh đó loại cây này không mang lại giá trị kinh tế cao như nhiều loại cây trồng khác, dẫn đến gòn bị chặt bỏ nên ngày càng hiếm dần, để rồi trên con đường tất bật mưu sinh đúng vào mùa gòn cho trái, bất chợt nhìn thấy trên ngọn cao chót vót, vô số trái gòn tách vỏ rơi đầy cội, chỉ còn phần bông ruột nuột nà; không ít người ngẩn ngơ nhớ về một thời đã qua, nhưng chưa xa và không lâu.
Vô số bông gòn treo lủng lẳng trên cành.
Nhìn từ xa, du khách cảm nhận như "bông mây" đang treo trên lưng chừng trời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.