Phải nói là khúc ruột miền Trung, các tỉnh khu năm dài dằng dặc mà phương tiện giao thông thời 1976-1988 đi đầu tỉnh tới cuối tỉnh có thể từ tinh mơ tới nửa khuya, sản vật thì hơi bị khó lưu hành thuở “ngăn sông cấm chợ”. Cho nên, “đồng hương” mà nhiều người Quy Nhơn cứ xuýt xoa “don Quảng Ngãi tỏi Lý Sơn” như một thứ xa xỉ đáng mơ ước chứ khó mà có dịp thưởng thức.
Cho nên nhân dịp cuối tuần đẹp trời, các anh chị em cơ quan tôi đồng loạt hưởng ứng đi thăm “đồng hương một thuở”. Cơ quan tôi là Sở Thông tin - Truyền thông Bình Định, một Sở thành lập giai đoạn đầu thế kỷ XXI, cho nên cán bộ công chức đa phần trẻ, được sinh ra trong thời “nhập Nghĩa Bình” và trưởng thành thời “tách Nghĩa Bình”, bởi vậy “bà con xa” Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Lạt, SaPa… có thể đã đặt chân đến mà “láng giềng gần” Quảng Ngãi lại chưa!
Cổng Tò Vò.
Con đường từ Quy Nhơn ra Quảng Ngãi tuyệt đẹp, bên núi bên biển, gió rừng đung đưa quấn quýt với sóng trùng dương. Qua khỏi đèo Bình Đê ranh giới là Sa Huỳnh thơ mộng với tầng văn hóa cổ nghìn đời cộng với những quán hải sản hiện đại thuộc loại “ngon nhất đường số Một”.
Chúng tôi ngồi trên ô tô bình tán mười hai cảnh đẹp của Quảng Ngãi xưa: Thiên Ấn Niêm Hà, Long Đầu Hí Thủy, Thiên Bút Phê Vân, La Hà Thạch Trận, Hà Nhai vãn độ, An Hải Sa Bàn, Thạch Bích Tà Dương, Hà Nhai Vãn Độ, Liên Trì Dục Nguyệt, Vân Phong Túc Vũ, Vu Sơn Lộc Trường, Thạch Ky Điếu Tẩu, ai cũng xuýt xoa. Tuy nhiên, thời gian gói gọn trong hai ngày, ngày đầu chúng tôi tranh thủ thăm các di tích ven đường như Bệnh xá Đặng Thùy Trâm rồi trèo núi Thiên Ấn thăm chùa.
Biển Lý Sơn tuyệt đẹp.
Cảnh đẹp khoáng đạt và hùng vĩ của núi sông làm nao lòng người khi đêm xuống, và ai cũng có nhu cầu dạo sông Trà tìm cái thú ẩm thực với tô don nghi ngút khói. Thực ra, cả nước nghe tiếng cá bống sông Trà và con cá bống sông Trà đã lưu hành bằng cách kho khô bỏ hũ xuôi ngược Bắc Nam, hoặc thường trực trong các quán cơm thiên lý ở bản địa. Còn loài don nổi tiếng không kém, nhưng nó lại không lưu hành như “gã giang hồ cá bống”, cho nên nó mới gọi những ai “tri âm” tới ngay quê nhà nó để tìm nó.
Đêm đó, chị em cơ quan tôi dốc lòng tìm đến một quán don nổi tiếng để hít thở hương vị sông Trà núi Ấn khoáng đạt hào phóng qua tô don, những vật nhuyễn thể có màu vàng và những tua hồng bao quanh, phi hành mỡ, bẻ bánh tráng, rưới nước luộc, mùi vị đặc trưng khác xa với “người bà con” của nó là con hến. Đặc biệt, những tép tỏi Lý Sơn ngoài trùng khơi sông Trà đã đồng điệu khá nhịp nhàng và du dương trong bản giao hưởng ẩm thực bình dân mà sang trọng.
Sáng hôm sau, chúng tôi lên đường ra đảo. Đến Quảng Ngãi là để tìm về một địa danh thiêng liêng và thời sự là Lý Sơn. Lý Sơn của những đội hùng binh gìn giữ lãnh thổ Hoàng Sa Trường Sa của đất nước, với “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” và bi tráng.
Ra Lý Sơn bằng tàu cao tốc, nỗi cảm khái lâng lâng với lịch sử và xôn xao cùng phong cảnh của “vương quốc tỏi”, chúng tôi lần lượt ghé thăm Chùa Hang, Đình làng An Hải, Chùa Đục, Miệng núi Lửa, di tích lịch sử Hải đội Hoàng Sa - Trường Sa, Âm linh tự…
Ai cũng xôn xao khi đến thăm những di tích xác định chủ quyền biển đảo ở Hoàng Sa Trường Sa mà các hùng binh Cù Lao Ré (tên gọi của của Lý Sơn) thực hiện. Mà không xôn xao cảm khái sao được. Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió ngoài trùng dương đã được dệt bằng máu và nước mắt cụ thể bao nhiêu thế hệ, mà những cư dân Lý Sơn từng được lịch sử đặt lên vai sứ mệnh này.
Đoàn công tác của Sở Thông tin - Truyền thông Bình Định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.