Clip: Niềm vui của những em nhỏ tự kỷ được gói bánh chưng đón Tết

Nguyễn Chương Thứ bảy, ngày 26/01/2019 08:00 AM (GMT+7)
Những năm gần đây, mỗi dịp Tết đến, xuân về, trung tâm dành cho trẻ tự kỷ Hand in Hand đã tổ chức hoạt động gói bánh chưng lồng ghép những bài học giáo dục để dạy cho trẻ về ý nghĩa của Tết Nguyên đán.
Bình luận 0

Clip: Niềm vui tự tay gói bánh chưng của các em nhỏ tự kỷ

img

Tết Nguyên đán đang đến gần, với các bạn học sinh ở trung tâm Hand in Hand (Hà Nội) thì Tết có vẻ đến gần hơn qua buổi học cách gói bánh chưng.

img

Để thuận tiện cho việc gói bánh chưng, cô giáo đã chuẩn bị cho mỗi em một chiếc khuôn và chuẩn bị các nguyên liệu đầy đủ như lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn... cho các em từ trước.

img

Muốn gói được một chiếc bánh chưng, đầu tiên các em được học cắt lá, gấp lá và cho lá vào khuôn. Khâu này không đơn giản đối với một bé tự kỷ nhưng các em ở đây đã học rất nhanh khi được sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy cô.

img

Cô Thu Hanh tâm sự: "Do nhận thức môi trường xung quanh của các con hạn chế nên hàng năm cứ đến ngày lễ, trường đều tổ chức các hoạt động như gói bánh chưng, bánh giò... để cho các em hòa nhập với cuộc sống cũng như cho các em hiểu được Tết truyền thống như thế nào".

img

Dù vẫn gặp nhiều khó khăn trong các hành động của bản thân nhưng nhiều em đã rất cố gắng để tự hoàn thiện chiếc bánh của mình.

img

"Đối với trẻ em bình thường thì chỉ cần hướng dẫn 1,2 lần là có thể làm được nhưng những bạn ở đây thì khó bắt chước, nên vấn đề dạy các con làm bánh như thế này cũng khó theo", cô Thu Hanh cho biết.

img

“Các trẻ ở đây đủ mọi lứa tuổi, con bé nhất 4 tuổi rưỡi, con lớn nhất đã gần 20 tuổi, nhưng cách suy nghĩ của chúng thì không khác nhau nhiều. Tuy vậy, mỗi con vẫn có cách hành xử theo cách riêng của mình, tùy vào mức độ tự kỷ chúng mắc phải. Do đó các cô giáo phải nắm tình trạng của từng con để có cách cư xử và giáo dục phù hợp”, chị Diệu Anh vừa giải thích, vừa hướng dẫn một bé đang hoàn thiện chiếc bánh của mình.

img

Công đoạn các em thích nhất là đổ gạo, đỗ và xếp thịt vào khuôn. Hướng dẫn vài lần thì các em cũng nhớ được lần lượt đổ nửa bát gạo, rồi đến đỗ, xếp thịt và lại một lần đỗ, một lần gạo nữa.

img

Phần khó khăn nhất với các em ở đây là buộc lạt. Công đoạn này thường phải nhờ đến thầy cô hoặc người nhà giúp đỡ.

img

Ngọc Hà thích thú khoe chiếc bánh đầu tiên mà mình tự làm.

img

Những chiếc bánh làm ra tuy chưa được vuông vức, hoàn hảo nhưng chứa đựng trong đó tình yêu văn hóa truyền thống. Mỗi chiếc bánh sau khi luộc xong sẽ được gửi lại để học sinh mang về nhà, khoe “thành tích” với bố mẹ, ông bà.

img

Tuấn Khôi (19 tuổi) khoe: "Khôi hôm nay rất vui, hôm nay Khôi gói được 3 cái bánh chưng, Khôi giờ muốn làm thêm 1 lần nữa để gửi cho bà Thịnh, bác Khanh, bác Thu...".

img

Dù cuộc sống có phát triển đến đâu đi nữa, nhưng chắc chắn việc gói và chờ đón những mẻ bánh chưng ngày Tết vẫn là điều thiêng liêng đối với trẻ nhỏ, nhất là những em nhỏ thiệt thòi. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem