Có 1 điệp viên QĐND Việt Nam như thế (Phần 2): Điều không ngờ tới

Thứ năm, ngày 26/11/2020 09:35 AM (GMT+7)
Sáng hôm sau, vừa tỉnh giấc, Thủy đã nghe giọng Hai Sinh oang oang ngoài cửa: “Dậy đi chú em, làm vệ sinh lẹ lên rồi thắng bộ để đi ăn sáng” – “Đi ăn sáng, sao phải thắng bộ, anh Hai?”- “Vô chợ lớn, ăn đồ Tàu mới xứng tầm thương gia Hồng Kông chớ”.
Bình luận 0

Sáng hôm sau, vừa tỉnh giấc, Thủy đã nghe giọng Hai Sinh oang oang ngoài cửa: "Dậy đi chú em, làm vệ sinh lẹ lên rồi thắng bộ để đi ăn sáng" – "Đi ăn sáng, sao phải thắng bộ, anh Hai?"- "Vô chợ lớn, ăn đồ Tàu mới xứng tầm thương gia Hồng Kông chớ". Chiếc xe Honda 67 màu đỏ mới khựng dựng giữa sân, máy nổ êm ru, giọng Hai Sinh: "Xe nổ tốt rồi, mời ngài thương gia lên xe, ta nhằm thẳng "thủ phủ Ba Tàu" tiến".

Từ Trương Định – quận 3 lên Chợ Lớn chẳng bao xa, nhưng để lấy le với thằng em và cũng là tạo điều kiện cho nó sớm làm quen thung thổ sau bao năm xa cách, nên Hai Sinh cố tình cho xe chạy lòng vòng qua nhiều đường phố. Vòng ra đường Công Lý (cũ) để lướt qua dinh Độc Lập rồi chạy ra đại lộ Hàm Nghi, rẽ ra bến Bạch Đằng, cua về Nguyễn Huệ rồi lướt qua chợ Bến Thành, chạy lên tượng đài Thánh Gióng, lách vào đường Võ Tánh (cũ) để diễu qua Tổng nha cảnh sát quốc gia.

Tới ngã tư Võ Tánh – Cộng Hòa, thay vì rẽ trái tới đại lộ Trần Hưng Đạo thì Hai Sinh lại rẽ phải và đi chậm lại để giới thiệu với thằng em "đường Cộng Hòa này cách đây mấy năm là điểm nóng của phong trào học sinh sinh viên xuống đường biểu tình chống chế độ Sài Gòn.

Đường tắc nghẽn, cảnh sát phải dùng dùi cui, hơi cay và thẳng tay đàn áp. Bây giờ thì xẹp rồi vì mấy thủ lĩnh phong trào đều bị bắt và giam ở trong đó". Hai Sinh hất hàm về phía cổng ra vào của cơ quan cảnh sát đặc biệt rồi cho xe vòng lại, rẽ phải vào đường Thành Thái, lướt qua chợ An Đông rồi mới chạy lên một tiệm ăn của người Hoa ở trung tâm Chợ Lớn. Đó là tiệm ăn người nhà của bạn Hai Sinh.

Thi thoảng, đổi món, Sinh thường vô đó. Nhân viên phục vụ một trăm phần trăm là các cô gái người Hoa. Má phấn, môi son áo xường xám đủ màu, xẻ dọc một bên tới ngang bắp vế. Đối với Thủy, hôm đó quả là bữa ăn nhớ đời, ê hề những món ngon với tên Tàu lạ hoắc cùng với rượu bổ thận tráng dương đặc biệt của nhà hàng qua lời giới thiệu của ông chủ tiệm – "Ây dà… Rượu này bổ lắm đó, tốt lắm đó, hôm nay chú Hai dẫn khách mới tới, nhà hàng không tính tiền rượu đâu nghen".

Có 1 điệp viên QĐND Việt Nam như thế (Phần 2): Điều không ngờ tới - Ảnh 1.

Tác giả gặp lại một số cán bộ giao thông bí mật tại Hà Nội tháng 5/1997. Chị Tư Thu (đứng bên trái và chị Sáu Loan - bên phải). Hai người đã từng là giao thông viên của B48.

Sau bữa ăn, hai anh em lại rong ruổi về khu vực nhà hát lớn, rẽ vào một nhà hàng bia ôm. Cô gái quầy bar hớn hở reo lên: "A… Anh Hai "đào hoa" tới! Trốn đâu biệt tăm zậy, cả tuần này mới ghé em" – "Giận nhà hàng phục vụ dở ẹc, hổng tới cho bõ ghét. Mà nè, nhỏ Lê, nhỏ Hằng tới chưa?" – "Rồi, ở trển". Cô gái chỉ tay lên trần nhà – "Lên lầu 3 là gặp liền".

Cửa thang máy lầu 3 vừa mở, hai người bước ra, gặp ngay cô gái trực lầu. Dáng thon thả bó gọn trong chiếc áo tân thời màu thiên thanh. Cô gái có nét cười thiệt duyên cùng giọng nói ngọt như mía lùi – "Hai anh mới tới! Bữa  nay anh Hai đặt quán quên tới sớm rồi đó!

Đoàn mấy người anh Hai?" Hai Sinh giơ 2 ngón tay – "Nhị Vị thương gia. Kiếm cho phòng ngon nghen Thúy" – "Mời anh Hai vô ba lẻ tám" – "Hổng thèm! Đồ cũ mèm, mất thớ thương gia" – "Zậy vô ba lẻ năm, hết sẩy nghen, có điều phòng hơi nhỏ" – "Cần chi rộng, bữa nay "một chọi một" thôi. Kêu nhỏ Lê và Hằng tới luôn".

Cô gái dẫn khách vô phòng, bật công tắc điện, mở điều hòa, liếc mắt đưa tình với Hai Sinh – "Hai anh chờ chút xíu nghen! Em kêu tụi nó qua liền". Hai Sinh ngồi xuống salon phía trong, chỉ ghế đối diện – "Em ngồi bên đó, anh ngồi bên đây để giám sát phía cửa, nếu "hàng" không đúng yêu cầu, phải thay ngay".

Có 1 điệp viên QĐND Việt Nam như thế (Phần 2): Điều không ngờ tới - Ảnh 2.

Góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ của Sài Gòn trước năm 1975. Ảnh: hinhanhvietnam.com.

Vừa lúc hai "thiên thần" xuất hiện. Minizíp trắng toát, phô 2 cặp đùi núng nính gần như đồng màu với xiêm y, môi thắm, má hường, nhác trông như một cặp song sinh. Cả hai tuổi chừng mười chín, đôi mươi. Bỗng một cô reo lên – "Trời đất! "Ông xã hào hoa" của tui, zậy mà bọn cà chớn nó gạt Lê là có khách lạ cần gặp". Cô ta nhào tới, ôm lấy Hai Sinh, nũng nịu – "Lặn đâu zậy để cả tuần nay "bà xã" đỏ mắt mong chờ, bộ không thấy nóng mặt sao?".

Hai tay Hai Sinh vẫn khư khư ôm cô gái, khẽ nghiêng đầu nhìn cô gái đứng đối diện – "Hằng, ngồi xuống chớ, nó là thằng em qua, mới du học bên Tây zìa, quen "đầm tây", còn "đầm ta" thì khờ lắm. Bay mần sao thì mần. Nó mà không zui là cắt "buốc bo" đó nghe".

Cô gái rón rén ngồi sát vô Thủy, xé túi khăn ướt định lau mặt cho anh, Thủy cản tay cô gái – "Ziệc này để tui, bên Tây không quen mần zậy". Hai Sinh chỉ xuống bàn – kêu phục vụ, dẹp mấy thứ kia đi, thay bằng laze (bia) con cọp ướp lạnh, trái cây đủ loại cũng ướp lạnh". Giọng Lê thì thầm – "Bộ… không kêu đồ nhậu sao, ông xã?". Hai Sinh úp mặt vào ngực cô gái với một hành động tục tĩu làm cô ta cười ré lên: "Đồ nhậu là đây, cần chi phải kêu nữa!".

Tư Thủy ngượng chín người, vì chiều ông anh mà phải kiên tâm chịu trận. Bị cô gái tên Hằng ép uống hết một chai laze, mặt đã tưng bừng. Cũng may mà ông anh cho lui quân sớm. Hai Sinh đứng dậy – "Bữa nay "chào xã giao" zậy. Hẹn mời nhậu sáng đêm nghen". Nói rồi, Sinh rút ra 2 tờ bạc 100 đồng nhét vô áo lót của hai cô gái (tiền Sài Gòn lúc đó, một xe Honda kim vàng giọt lệ giá 36.000 đồng). Hai người nhanh chóng về nhà nghỉ trưa.

Có 1 điệp viên QĐND Việt Nam như thế (Phần 2): Điều không ngờ tới - Ảnh 3.

Bếp Hoàng Cầm của B48 sau trận không kích của địch.

Mới 2 giờ chiều Thủy đã lại bị anh Hai dựng dậy: "Tư ơi! Dậy ngay. Chiều còn tới 3 chương trình lận. Thứ nhất, đi tắm hơi và mát xa, anh sai bọn đàn em lo 2 phòng Vip cùng 2 con "bê tơ" xinh như mộng; thứ nhì, tới tiệm cơm tây "đệ nhất Sài Thành"; thứ ba, về Palas uống cà phê. Má sang Bình Thạnh thăm bà con, dùng cơm chiều xong mới về. Cứ yên tâm đi, thoải mái đi, đời người như bóng câu qua cửa sổ".

Thủy cảm thấy như mình bị tăng xông đột biến, choáng váng trước những lời "gan ruột" của ông anh. Trấn tĩnh lại mình để đáp lại "thịnh tình" của người anh ruột thịt, Thủy luôn tự hào ngưỡng mộ… để tới giây phút này dường như nó bỗng tiêu tan.

"Em mệt lắm, không đi cùng anh được đâu! Mà em hỏi thiệt nhá, anh vô đây từ bao giờ mà sớm nhiễm cuộc sống xa hoa như vậy?", Thủy hỏi. Hai Sinh cười hô hố, pha vui: "Sai rồi, dùng từ sai rồi "đồng chí" Tư Thủy ơi! Sao lại là NHIỄM, phải nói là "THÍCH NGHI" chớ! Thích nghi để tồn tại, thích nghi để phục vụ cách mạng chớ". Giọng Thủy gay gắt, quyết liệt – "Một sự biện hộ thô thiển! Anh đã biến chất rồi! Mà hình như anh đã bỏ cách mạng, bán thân cho quỷ dữ rồi phải không?".

Gương mặt Hai Sinh chợt biến sắc, ném cái nhìn gườm gườm về phía thằng em, đổi giọng xưng hô – "A… thằng nhãi này láo, mày dám lên mặt dạy đời tao phải không? Mày ngu lâu lắm! Tao đã chuồn từ khuya rồi hiểu chưa! Vô chiến dịch Sedafol là tao biến luôn, chắc bẩm tụi nó sẽ báo cáo cấp trên là tao mất tích hoặc bị vùi thây dưới lòng đất khu "Tam giác sắt". Vô đây tao mới hiểu rõ ngọn ngành, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn họ đâu có tệ như tuyên truyền của ta. Họ văn minh, lịch thiệp biết chiêu hiền đãi sĩ, giàu có và phóng túng…".

Thủy cắt ngang lời Sinh: "Đó là cách đối xử nhằm mua chuộc những kẻ phản bội, chiêu hồi… còn đối với hàng chục vụ tàn sát người dân vô tội như trại giam Phú Lợi; hàng vạn gia đình kháng chiến bị khủng bố, truy lùng, thẳng tay giết chóc cũng là văn minh, lịch thiệp ư…???" – "Câm miệng ngay! Tao đã nói hết đâu mà xía miệng vô. Bay bị nhiễm về lối tuyên truyền chiến thắng rùm beng này nọ. Chớ có ảo tưởng, thắng thế chó nào được sức mạnh của Hoa Kỳ, quân đội quốc gia và đồng minh. Họ đánh "Vi Ci" bằng sức mạnh tổng lực, thủy lực không quân tăng cường tối đa. Còn phía ta ư, khác chi châu chấu đá voi".

Thấy thằng em lặng im không đối thoại nữa, Hai Sinh hạ giọng: "Tánh anh nóng zậy, có quá lời cũng đừng giận. Việc cách mạng là trọng trách của mọi người. Ta như hạt cát giữa sa mạc, tùy cơ mà ứng biến. Hãy lo cho thân phận mình trước đã. Anh đã nhắm chỗ cho chú mày rồi, một vị trí ngon lành. Thiệt tình chỗ đó anh đã thiết kế cho em một cô bạn, thẳng (thằng ấy) cũng ở rừng về, nhưng anh sẽ chọn cho nó nơi khác. Bất ngờ em về, ruột thịt phải lo cho nhau trước chớ. Đêm nay nằm vắt tay lên trán mà suy nghĩ, anh không ép. Nhớ rằng, mọi việc chiều nay cấm không được cho má hay. Thôi, muộn rồi, bay không đi thì anh đi kẻo mang tiếng hứa xạo với tụi nó".

Xe nổ máy rồi vút đi, bỏ lại Thủy ngồi chết lặng trong ngôi nhà im ắng. Lúc bấy giờ gần 5 giờ chiều. Phải lâu lắm Thủy mới hoàn hồn trước sự thật không tài nào tưởng tượng nổi. Anh uể oải đứng dậy, bỗng nhào lên tầng trên như bị ma đuổi, vội vàng mở tủ, lục tung trong ca táp rồi hốt hoảng kêu lên. "Trời ơi! Sao ác nghiệt thế này hả trời!".

Toàn bộ giấy tờ hợp pháp tùy thân đã không cánh mà bay. Vội rút ví ra, tiền còn nguyên nhưng tấm thẻ căn cước cũng chung số phận với đám giấy tờ kia. Sau cơn hoảng loạn, định thần lại, Thủy xác định ngay thủ phạm, trận say, ngủ như chết hồi hôm là cơ hội để Hai Sinh thực hiện mưu đồ "cột chân anh", dần dần biến anh thành kẻ phản bội.

Thủy bình tĩnh trở lại, vội gấp bộ quần áo xếp vào ca-táp, viết vội mấy dòng cho mẹ - "Vì công chuyện đột xuất, có người tới rước con lên trên Bảy  Hiền. Thi thoảng con sẽ về thăm má. Má báo anh Hai giùm con. Anh Hai đi nhậu với bạn chắc khuya mới về".

Thủy chỉnh trang lại quần áo, đầu tóc rồi đi ra ngõ, vẫy một chiếc taxi thẳng hướng quận 10. Tới gia đình cán bộ giao liên, anh thông báo vắn tắt: "Tình huống nghiêm trọng bất ngờ, tôi không thể bám trụ Sài Gòn. Phải về căn cứ gấp để xin ý kiến lãnh đạo". Sáng sớm hôm sau hai người đáp chuyến xe đò đầu tiên đi Bình Dương, xuống xe lam qua Châu Thành, rẽ về cửa ngõ Phú Chánh để vào căn cứ. Rất may, chuyến đi thuận lợi, các trạm kiểm soát của địch đều ngó lơ chứ nếu không thì… bởi một tấc giấy tờ tùy thân Thủy không có...

Kể tới đây, giọng Tư Thủy bỗng nghẹn ngào, nhìn cánh võng rung rung, tôi biết anh đang cố kìm nén mình để không bật ra tiếng khóc. Lòng tôi se thắt trước cảnh trớ trêu của đồng đội mình. Thương quá! Tôi lặng lẽ ngồi dậy, đợi Thủy nguôi tiếng nấc mới dám mở lời – "Sự tình đã thế, đành nén lòng anh Tư ạ! Cũng may, xử sự thông minh, mau lẹ nên anh vẫn trở về với cách mạng, với đồng đội, anh là tấm gương của lòng thủy chung với Đảng, với tổ chức, đã vượt qua cám dỗ của kẻ thù mà kẻ thù đó lại là anh em ruột thịt, đã từng là đồng đội, đồng chí của mình. Cuộc chiến còn đầy gian nan thử thách, bây giờ với anh, chỉ là chuyển đổi địa bàn hoạt động – từ nội thành về căn cứ - yên tâm đi, mọi khó khăn chúng tôi sẽ hỗ trợ". Tôi chỉ nói được chừng đó thôi thì trời phía đông đã hửng sáng.

(Còn tiếp)

PV (Theo CAND)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem