Chính sách giáo dục đáng chú ý có hiệu lực sau Tết Nguyên đán 2022
Chính sách giáo dục đáng chú ý có hiệu lực sau Tết Nguyên đán 2022
A.T (t/h)
Thứ năm, ngày 03/02/2022 07:43 AM (GMT+7)
Đánh giá học viên giáo dục thường xuyên, tổ chức khám sức khỏe cho người học ít nhất 1 năm/lần, không ép buộc thầy cô thi giáo viên dạy giỏi là chính sách giáo dục đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 2/2022, sau thời điểm Tết Nguyên đán.
Thông tư 33/2021/TT-BYT của Bộ GDĐT quy định về công tác y tế trường học trong cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 15/2/2022.
Trong đó, Thông tư quy định tổ chức khám sức khỏe cho người học khi mới nhập học và định kỳ ít nhất một năm một lần trong mỗi năm học. Thực hiện theo dõi, kiểm tra sức khỏe người học, phát hiện các yếu tố nguy cơ sức khỏe, bệnh tật để dự phòng, điều trị hoặc chuyển tuyến điều trị theo quy định của pháp luật.
Triển khai các biện pháp vệ sinh phòng, chống dịch bệnh trong cơ sở giáo dục. Tư vấn cho người học về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, yếu tố nguy cơ sức khỏe, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp lý, phát triển thể chất, tinh thần và hoạt động thể lực. Hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống tai nạn, thương tích trong quá trình học tập, thực hành.
Đánh giá học viên giáo dục thường xuyên
Thông tư 43/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học viên theo học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông.
Thông tư nêu rõ yêu cầu đánh giá là bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực và khách quan. Đánh giá vì sự tiến bộ của học viên; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học viên; không so sánh học viên với nhau.
Hình thức đánh giá gồm có đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số.
Đánh giá bằng nhận xét: Giáo viên dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học viên; nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học viên trong quá trình rèn luyện và học tập; đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học viên.
Đánh giá bằng điểm số: Được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học viên phù hợp với đặc thù của môn học. Kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10.
Điểm trung bình môn học kỳ (ĐTBmhk) được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học viên trong từng học kì, điểm trung bình môn cả năm (ĐTBmcn) được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học viên trong cả năm học. Kết quả học tập của học viên trong từng học kì và cả năm học được đánh giá theo 1 trong 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/2/2022, thực hiện theo lộ trình sau:
- Từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 6.
- Từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 7 và lớp 10.
- Từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 8 và lớp 11.
- Từ năm học 2024 - 2025 đối với lớp 9 và lớp 12.
Không ép buộc thầy cô thi giáo viên dạy giỏi
Từ ngày 12/2, Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông có hiệu lực.
Theo đó, quy định nguyên tắc tổ chức hội thi là dựa trên sự tự nguyện của giáo viên, không ép buộc, không tạo áp lực cho thầy, cô tham gia; đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đảm bảo thực chất; đảm bảo đúng quy định của chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành.
Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường, huyện được tổ chức theo chu kỳ 2 năm/lần, cấp tỉnh 4 năm/lần.
Số lượng giáo viên tham dự hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi các cấp do hiệu trưởng trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ; hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông; trưởng phòng GDĐT; giám đốc sở GDĐT quyết định theo phân cấp quản lý, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất, ngân sách của địa phương hàng năm.
Trưởng phòng GDĐT quy định cụ thể số lượng giáo viên mầm non tham dự hội thi cấp trường đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.
Trước đó, bắt đầu từ tháng 1/2022, một số quy định mới trong lĩnh vực giáo dục đào tạo như xét thăng hạng giáo viên, đưa tiếng dân tộc thiểu số vào dạy học, mẫu bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng chính thức có hiệu lực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.