Có bệnh vái tứ phương, tiêm cả vaccine tả cổ điển chống tả châu Phi

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 15/06/2019 15:30 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến vô cùng phức tạp trong khi không có thuốc điều trị đặc hiệu, không có vaccine phòng bệnh, nhiều doanh nghiêp, cơ sở, trang trại chăn nuôi lớn đã áp dụng nhiều phương pháp lạ chỉ với mục đích bảo vệ bằng được đàn vật nuôi.
Bình luận 0

Sử dụng chế phẩm sinh học, tăng đề kháng

Đó là cách Công ty CP Kinh doanh thuốc thú y Amavet đang triển khai. Chia sẻ tại Hội nghị bàn giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi do Bộ NNPTNT tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Bách, Giám đốc Công ty cho biết, dù đã áp dụng các biện pháp phòng chống nhưng thật không may, đàn lợn của công ty vẫn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi.

Ngay sau đó, công ty phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn bị dương tính và lợn ở chuồng bên cạnh, cắt nguồn lây lan của virus sau khi đã rà soát lại toàn bộ quy trình chăm sóc, vệ sinh chuồng trại. "Chúng tôi cũng dùng thêm chế phẩm sinh học cho lợn ăn để tăng sức đề kháng, khả năng miễn dịch. Rất may là sau 30 ngày, chưa có thêm con lợn nào mắc bệnh" - ông Bách nói.

Từ thực tế việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi của đơn vị, ông Bách cho rằng, muốn đạt hiệu quả chống dịch cao nhất ngay khi phát hiện ra lợn mắc bệnh phải cách ly sớm, đúng cách để mầm bệnh không lây lan, phát tán; tiêu độc khử trùng ngay để tiêu diệt virus trong trang trại; quy trình chăm sóc cũng phải thay đổi. "Những trang trại chuồng có nước dịch lây lan nhanh hơn chuồng khô" - ông Bách đúc rút từ kinh nghiệm thực tế.

img

Nhiều ý kiến cho rằng, chuồng ướt dịch lây lan nhanh hơn chuồng khô. Ảnh: I.T

Tiêm thêm vaccine tả cổ điển

Trong khi Amavet chú ý cách ly, diệt trừ sớm, dứt điểm mầm bệnh, cho lợn ăn chế phẩm sinh học để tăng sức đề kháng thì Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) lại áp dụng cách có một không hai, đó là tiến hành tiêm vaccine dịch tả lợn cổ điển cho đàn lợn để có thể giúp tạo ra kháng thể, biết đâu hỗ trợ được trong việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi.  

Ngoài ra, ông Phạm Duy Phẩm, Giám đốc Trung tâm cho biết thêm, ngay khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại Việt Nam, Trung tâm phối hợp với doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi loại bỏ hoàn toàn thành phần bột thịt, bột xương ra khỏi khẩu phần ăn của lợn; đồng thời nâng cấp các biện pháp an toàn sinh học và khử trùng thức ăn, nguồn nước thành nhiều lớp, thậm chí ngay cả tiền khách hàng trả cũng phải có quy trình để xử lý mầm bệnh triệt để.

"Dù tất cả các biện pháp phòng chống dịch cần có thời gian để nghiên cứu, đánh giá hiệu quả nhưng đến thời điểm này, 3 trại của chúng tôi vẫn an toàn"- ông Phẩm nói.

An toàn sinh học là hiệu quả nhất

Đó là khẳng định của nhiều doanh nghiệp chăn nuôi về hiệu quả trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi hiện nay. Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn CP cho rằng, bản thân CP cũng mày mò tất cả các biện pháp có thể để phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi như an toàn sinh học, ức chế virus, dùng thuốc giảm sốt, song hiệu quả nhất đến thời điểm này vẫn là an toàn sinh học.

Tương tự, Công ty CP Green Feed Việt Nam cũng đang phối hợp với các địa phương và người chăn nuôi hình thành nên những cụm chăn nuôi an toàn sinh học theo xã, cụm liên xã hoặc huyện để bảo vệ được trang trại của doanh nghiệp nằm trong cụm chăn nuôi đó.

Trong khi đó, nhờ tuần thủ nghiêm túc các biện pháp an toàn sinh học, 6.000 con lợn của HTX Hoàng Long (Hà Nội) vẫn an toàn. Ông Nguyễn Trọng Long, Chủ nhiệm HTX cho biết, HTX đang ứng dụng ion trong diệt khuẩn chuồng trại, dụng cụ, nguồn nước, công nhân trước khi ra vào trại và trong khu giết mổ.

Đặc biệt, HTX đang thử nghiệm dùng trấu trộn dầu đốt nền chuồng, dùng bình khò gas xử lý nhiệt bên trên và thành chuồng trước khi thả lợn vào đến nay đã qua 20 ngày chưa thấy lợn bị dịch trở lại. 

Đánh giá cao những sáng kiến phòng chống dịch tả lợn châu Phi của các đơn vị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, cần sớm có những đánh giá thật khoa học về hiệu quả của từng phương pháp, để từ đó có thể khuyến cáo người dân áp dụng, giảm thiểu thiệt hại trên đàn vật nuôi do dịch tả lợn châu Phi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem