Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Đại học quốc gia TP.HCM nhận định với kết cấu đề thi môn tiếng Anh của Kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia 2016 đã gây khó khăn cho 3 khâu: Tổ chức thi; chấm đi và công bố kết quả thi. Xét ở khâu tổ chức chấm thi, nghiễm nhiên môn tiếng Anh đã trở thành 2 môn riêng biệt. Lí do là việc chấm thi cho 2 phần tự luận và trắc nghiệm được tổ chức chấm thi hoàn toàn khác nhau. Ở phần thi tự luận, việc chấm thi được tổ chức phức tạp hơn. Sau khi có kết quả của 2 phần thi thì mới tổng hợp lại. Điều này sẽ khiến việc chấm thi rối rắm và mất thời gian. Đây chính là lí do dẫn đến sự cố công bố nhầm điểm thi môn tiếng Anh của trường ĐH Luật TP.HCM vào ngày 19.7 vừa qua.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cũng có chung quan điểm trên. Ông cho rằng sự kết hợp 2 phần thi trắc nghiệm và tự luận sẽ khiến việc chấm thi rất mất công, mất thời gian và có những rủi ro.
Ngoài lí do 2 phần thi tự luận và trắc nghiệm trong cùng một đề thi sẽ khiến cho việc chấm thi mất nhiều thời gian, có một lí do nữa để các chuyên gia cho rằng không cần thiết phải giữ lại phần thi tự luận đó là chính là các câu hỏi trắc nghiệm vẫn có thể đảm nhận được nhiệm vụ đánh giá năng lực học tập của học sinh. Điều này có thể được chứng minh qua các chứng chỉ Anh ngữ quốc tế như TOEIC và TOEFL trên giấy vẫn chỉ có các câu hỏi trắc nghiệm mà thôi. Trong khi đó, phần thi tự luận của đề thi môn tiếng Anh chỉ chiếm tỷ lệ 20% kết cấu đề thi nhưng lại có nhiều khả năng gây ra rủi ro, nhất là khi thời gian chấm thi quá gấp gáp.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, nếu không có sự thay đổi trong kết cấu đề thi môn tiếng Anh thì khả năng xảy ra những sự cố tương tự là điều khó tránh khỏi.
Về giải pháp đặt ra cho kết cấu của đề thi môn tiếng Anh trong kỳ tuyển sinh quốc gia năm sau, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng phải thống nhất một dạng đề thi: Hoặc là trắc nghiệm; hoặc là tự luận, không nên kết hợp cả hai. Một đề thi tuyển sinh phải có những câu hỏi phản ánh được trình độ chung của học sinh, nhưng cũng phải có những câu hỏi khó để phân loại học sinh. Hai năm qua, các môn thi khác đã làm được điều này. Môn ngoại ngữ cũng làm được điều này. Còn Thạc sĩ Đào Đức Tuyên, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ, trường Đại học Nông lâm TP.HCM cho rằng nếu chỉ có một dạng trắc nghiệm thì vẫn có khả năng phân loại được trình độ học sinh nếu tăng thêm lượng câu hỏi lên nhiều hơn nữa như đề thi các chứng chỉ quốc tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự cố đề thi môn tiếng Anh chỉ là một trong những vấn đề cần phải thay đổi trong rất nhiều vấn đề của giảng dạy môn tiếng Anh ở bậc phổ thông. Kết quả điểm thi tiếng Anh của Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016 không mấy khả quan cho thấy chất lượng giảng dạy và học tập của học sinh là chưa cao và không đồng đều ở địa phương.
Sáng ngày 20.7, sau khi nhận được phản ánh về kết quả điểm thi môn tiếng Anh tại cụm thi 64 (tỉnh Bến Tre), trường Đại học Luật TP.HCM đã liên hệ với Trung tâm Khảo thí Đại học quốc gia TP.HCM đề nghị kiểm tra lại kết quả chấm thi của toàn bộ 1.567 bài thi môn tiếng Anh. Kết quả đã phát hiện điểm thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016 được công bố vào ngày 19/7 có sự nhầm lẫn do lỗi kỹ thuật. Cụ thể, đề thi tiếng Anh bao gồm hai phần: phần trắc nghiệm và phần tự luận, trong đó phần trắc nghiệm điểm tối đa là 80/100 được quy đổi thành 8 điểm theo thang điểm 10, phần tự luận điểm tối đa là 2 điểm. Tuy nhiên, do phần mềm không áp dụng công thức quy đổi nên điểm tối đa trong phần thi trắc nghiệm vẫn được tính 100 thay vì 80. Ngay sau đó, Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia TP.HCM đã tiến hành khắc phục sự cố và gửi kết quả chính xác cho Trường Đại học Luật TP.HCM để công bố lại cho thí sinh. Trung tâm khảo thí ĐHQG TP.HCM cũng khẳng định sai sai sót kỹ thuật này chỉ có thể xảy ra đối với điểm thi trắc nghiệm môn tiếng Anh mà thôi.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.