Con chuẩn bị vào lớp 1 là chị Nguyễn Thị Phượng (Đống Đa – Hà Nội) đã đầu lo lắng tìm hiểu lý lịch, địa chỉ nhà tất cả giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm dạy con mình để có “chiến lược” chăm sóc cô. Chị Phượng cho biết, bé nhà chị là đứa trẻ khá nghịch ngợm và thiếu tập trung. Ở nhà, chị luôn phải kèm cặp con học từng chút một.
Những món quà cũng không làm cô giáo quan tâm hơn đến con bạn (ảnh minh họa: IT)
“Khi con vào lớp 1, điều lo lắng nhất của là nếu con không được cô giáo quan tâm, chỉ bảo, con sẽ chểnh mảng và học hành sa sút. Chính vì vậy mà ngày Lễ, Tết mình luôn phải đau đầu tìm quà, hoa để tặng cô giáo” – chị Phượng chia sẻ.
Trong khi đó, chị Trần Hồng Loan (Việt Trì – Phú Thọ) lại có lý do khác để mong được cô giáo quan tâm đến con mình. Chị Loan cho biết, con gái chị đã học lớp 4 nhưng sức khỏe yếu, con thường xuyên bị ốm vặt, ăn uống cũng kém. Ở nhà có mẹ kèm cặp và theo dõi con còn được ép ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ. Từ ngày học bán trú, chị chỉ còn biết trông cậy vào sự chăm sóc, quan tâm đặc biệt của cô giáo.
“Để con được quan tâm, tất nhiên mình phải quan tâm đến cô trước. Ngoài quà cáp các ngày lễ, mình còn thường xuyên gọi điện hỏi thăm cô, kết bạn trên facebook, zalo thường xuyên trao đổi và nhờ vả cô để ý đến con. Rồi cho con đi học thêm lớp ở nhà cô để cô kèm cặp. Không biết có phải nhờ vậy mà sức học của con cũng tốt, con được cô ưu tiên xếp ngồi bàn đầu dễ tiếp thu bài. Trong các hoạt động của lớp cũng được chọn tham gia” – chị Loan chia sẻ.
Chị Loan cũng cho biết thêm, không chỉ mình chị, rất nhiều phụ huynh gia đình có điều kiện “chăm” cô giáo rất kỹ: “Tôi biết nhiều mẹ không cứ ngày Lễ, Tết, cứ đều đặn hàng tháng tặng cô phong bì “bồi dưỡng”, cô không nhận thì chuyển thành quà. Chính vì vậy, mình không chạy theo, con mình sẽ chịu thiệt thòi”
Nói về vấn đề này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, bố mẹ có tư tưởng “hối lộ” cô để con mình được quan tâm hơn các bạn là hoàn toàn sai lầm.
Theo cô Nguyễn Thanh Huyền - giáo viên một trường tiểu học tại Tp Vinh (Nghệ An), đối với giáo viên, việc quan tâm đến học sinh chỉ vì được bố mẹ “đút lót” là không nhiều.
“Hầu hết, học sinh trong lớp nhận được sự quan tâm của cô như nhau, trừ những học sinh cá biệt cần có “chế độ” riêng. Một lớp 40 – 50 cháu, bố mẹ nào cũng muốn con được quan tâm hơn là không thể vì công việc của giáo viên trên lớp rất nhiều. Có khi mẹ dặn trước cô gật đầu rồi cũng…quên luôn, nếu con không có gì quá đặc biệt cần lưu ý” – cô Huyền chia sẻ.
Còn theo TS Vũ Thu Hương – Giảng viên khoa giáo dục tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) việc bố mẹ can thiệp để cô giáo chú ý đến con có nhiều “tác dụng phụ” không mong muốn ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến con.
Theo bà Hương, học sinh sống trong tập thể, điều quan trọng là phải biết hòa đồng, chấp nhận mọi “cuộc chơi” nếu có và thích nghi với mọi môi trường sống để truởng thành. Nếu con có lợi thế hơn các bạn khác (được cô quan tâm hơn) thì việc con học tốt hơn, được điểm cao hay thành tích gì đó thì sẽ không vẻ vang. Nếu con đạt được điều đó nhờ chính khả năng của mình (không cần hậu thuẫn) chắc chắn con sẽ càng ngày càng mạnh mẽ và tự tin hơn.
Bà Hương cũng cho rằng, lo lắng cho con chẳng có gì sai cả, có điều các bậc cha mẹ đừng để nỗi lo đó cản trở sự trưởng thành của trẻ: “Hãy dũng cảm vượt qua nỗi lo lắng sợ hãi và để bọn trẻ tự thân vận động ở trường và tự giải quyết công việc học hành của mình. Nếu vậy, bọn trẻ sẽ trưởng thành nhanh hơn khả năng tưởng tượng của chúng ta đó” – bà Hương nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.