“Ngày 20.11 tặng cô cái gì đây mẹ?”

Thứ hai, ngày 18/11/2013 15:23 PM (GMT+7)
Rồi thì hiện đại hóa, công nghiệp hóa, kinh tế thị trường, mấy năm gần đây, đứa cháu hay hỏi mẹ nó, “Ngày 20.11 tặng cô cái gì đây mẹ?”, chị ậm ừ, xẵng giọng, “Gì cũng được, không thì bỏ phong bì vài trăm.”
Bình luận 0
Chuyện là mấy nay báo ta râm ran chuyện hai thầy trò làng Voi lên tiếng đá đểu nhau. Thầy là cô ca sĩ, tướng đẹp có đường cong, thích đi bay và từng thi nhảy đậu giải cao, dân ta gọi chung là thích bay nhảy. Trò là cô nhỏ vô danh, thắng giải nhờ thi hát với Voi, giọng đẹp mỗi tội hay khóc, đụng chút là khóc.

Trong bài phỏng vấn mới, thầy lỡ miệng nói trò đã mọc đầy lông phủ luôn cả cánh, nên để trò bay, chứ bản thân thầy quá nổi tiếng, cứ đi chung giúp đỡ thì làm sao trò phát huy giọng ca trời phú. Đâu đó trong câu, giọng thầy hơi hờn mát: “nó ra lò rồi, có thèm gọi cho tôi hỏi han gì đâu…” Ý thầy không ai hiểu rõ, nhưng dân ta đọc báo, đoán già đón non thầy đang trách trò ăn cháo đập luôn cái bát, vắt chanh xong thì quăng cái vỏ, dù vỏ chanh có thể đem chà móng tay hay quăng vô ly đá chanh cho đẹp, thế thì phí thật.

Trò im lặng, ngày một ngày hai, nhưng thấy tự dưng có làm gì sai đâu mà bị chửi, nên bèn viết một tâm thư dài như Bình Ngô Đại Cáo, không dám đụng đến tên thầy nhưng gọi “chị” thì ai-cũng-biết-là-ai-đó. Thư trò dài, lời lẽ thiết tha, nghe nói lúc viết, phải thay ba cái laptop vì nước mắt trò rớt xuống cháy luôn bàn phím. Trong thư, trò nằng nặc nói rằng ghi nhớ ơn thầy, thầy tốt ra sao, nhưng cũng không quên kể thêm tội thầy đã bất công thế nào giữa đồng môn sư huynh đệ. Trò tốt ra sao, chẳng ai biết, cái người ta thấy, là trò lên nhận giải thưởng, quên cảm ơn thầy (chắc do mừng nên quên), hay khi gặp nhau, trò cũng chả buồn đi qua gật đầu chào thầy một cái cho có lệ. Đặc biệt kết câu, trò nhấn mạnh mình dùng cả đời tôn thờ thầy.

img

Trong khi trò bù lu lên vậy, thầy đọc xong, bình thản im lặng. Ai hỏi tới cũng chỉ một câu: “Sự im lặng này là điều cuối cùng tôi có thể làm…” Người ta nói thầy vị tha, thầy bản lĩnh, chuyện, khi thầy đi hát thì trò còn bú bình, chuyện thầy nếm trải, mười trò cũng trải chưa bằng. Tính thầy cũng chả hiền lành gì, mới đây ra sân bay, thầy quên, tưởng ở sân khấu nên cứ mắt kính mà mang, bị nhắc nhở cũng về nhà viết bức tâm thư lê thê phân bua đủ chuyện. Nhưng thầy biết, mình là thầy nó, chẳng lẽ nào đi cãi tay ngang, hạ mình bằng nó chăng, nên thầy cao cơ và thầy im lặng. Trò thấy thầy vị tha, cũng xóa luôn tâm thư, coi như chuyện chìm xuồng không sủi bọt.

Chuyện là vậy, nghe xong lại giật mình chợt nhớ gần đến ngày Hiến chương nghề giáo. Nhớ hồi đó, đám học trò nghèo, lễ thầy cô chỉ đi bứt mấy bông hoa dại bên đường, gói bằng giấy báo, ấp úng tặng thầy, thấy hổ thẹn vô cùng, nhưng thầy nhận, cười tươi, trán giãn nếp nhăn mà cũng húng hắng ho vì mớ bụi phấn ban nãy hít. Đợt lớp phân ban, có cô giáo dạy được một tiết xong thì gặp tai nạn xe, phải nằm nhà điều trị gần năm trời mới khỏi, vậy mà ngày Nhà giáo, đám học trò cũng mua bánh, mua hoa, đạp xe cùng nhau ì ạch qua chục cây số tìm tận nhà cô để cảm tạ. Đạo này, người ta gọi “nửa chữ cũng thầy.”

Rồi thì hiện đại hóa, công nghiệp hóa, kinh tế thị trường, mấy năm gần đây, đứa cháu hay hỏi mẹ nó, “Ngày 20.11 tặng cô cái gì đây mẹ?”, chị ậm ừ, xẵng giọng, “Gì cũng được, không thì bỏ phong bì vài trăm.” Nghe vừa thấy buồn, vừa thấy thương cho cái nghề làm “thầy” thiên hạ.

Làm thầy không dễ, bởi làm thầy thì giáo cụ trực quan sinh động nhất chính là bản thân mình. Hồi đi học lớp giảng dạy, thầy nói: “Đi dạy một năm, bước vào cổng trường thì đã phải có đạo đức nghề, đi dạy năm năm, bước ra khỏi nhà đã phải giữ đạo đức nghề, đi dạy mười năm, ngồi trong nhà cũng phải có đạo đức nghề.” Cái tầm quan trọng của đạo đức người làm thầy là thế. Nên, nhiều khi trách trò, phải coi lại thầy.

Như chuyện của hai thầy trò ca sĩ nọ, người ta còn nhớ chưa lâu, thầy bị Sở phạt do ăn mặc phản cảm, cũng có mấy lần thầy lên báo, đụng chạm người nọ người kia, nên giờ, hậu sinh khả úy cũng là điều dễ hiểu. Trò năm nay mới mười tám, suy nghĩ chưa thấu đáo, theo cái kiểu nghĩ sao nói vậy, ghét nói ghét, thương nói thương, nên trách trò cũng không nỡ, thôi thì cứ coi như đây là bài học sớm cho trò trước khi bước chân vào đời, vào cái kiếp cầm ca đầy gian truân, hiểm trở lòng người.

Trong giới nghệ sĩ, đâu ít chuyện thầy trò đấu đá, rồi từ nhau, như cô búp bê tắc kè gì đó với cô cựu người mẫu, cũng thời gian nâng đỡ nhau hết mực, đến khi tranh chấp tiền bạc, cũng lôi nhau lên báo, người nói qua, kẻ kể lại, cuối cùng giờ bản mặt nhau cũng không thèm liếc. Rồi cũng cô tắc kè búp bê với cậu học trò đẹp như hotboy, cũng từng thân thiết đủ kiểu, để rồi đùng một cái, cậu này tặng quà mừng cho thầy là đứa cháu ruột, con em cô búp bê, họ lôi nhau ra tòa kiện, để báo có dịp đưa tin, tên tuổi ai cũng nổi. Rồi thì sau đó, cậu học trò lại đi yêu cô dâu tây dâu ta gì đó, cô búp bê ôm cháu, nói sẽ thương nó như con.

Hay cô đả nữ chuyên đóng phim hành động, đào tạo một đám 5 cậu đẹp trai, toàn tên tây, tên Hàn, đến một ngày đẹp trời nọ cũng bị học trò đưa cái hợp đồng mỗi tháng hai triệu bạc ra cho bàn dân thiên hạ coi. Nhưng chuyện cũng chìm, chừa chỗ cho những ồn ào khác, cái người ta biết đến nhiều nhất, chỉ là hai thầy trò lên báo nói về nhau. Nên nhiều khi, chuyện thầy trò chửi nhau, cũng là nằm trong tính toán, trong kế hoạch quảng bá của cả hai. Vậy đó.

img

Thôi thì gần đến ngày Nhà giáo, chợt nghĩ lung tung về tôn sư trọng đạo, về cái câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, chỉ mong dân ta còn nhớ đó là “một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng là thầy” chứ còn theo kiểu “ở chùa có một ông sư, bán ngôi chùa ông sư vẫn còn” thì có mà chết!

Cơ mà, nếu sư kiểu như cho tạc tượng mình để thay tượng Phật, hay có nhà tỷ, siêu xe, cả keo vuốt tóc, thì không chừng sư mới là người đi bán chùa.
Đẹp Online (Theo Đẹp Online)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem