“Cơ chế đặc biệt” dùng tiền thu thuế tối thiểu toàn cầu để giữ chân “đại bàng" chiến lược ở Việt Nam
“Cơ chế đặc biệt” dùng tiền thu thuế tối thiểu toàn cầu để giữ chân “đại bàng" chiến lược ở Việt Nam
An Linh
Thứ tư, ngày 30/10/2024 10:27 AM (GMT+7)
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề xuất quy định, Quỹ hỗ trợ đầu tư được sử dụng nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp trong thuế tối thiểu toàn cầu để hỗ trợ lại cho doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn, mang tính chiến lược ở Việt Nam.
Sáng 30/10 tại Hội trường Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Theo đó, hàng loạt nội dung được cơ quan soạn thảo sửa đổi trong bốn luật này.
Liên quan đến Thuế Tối thiểu toàn cầu, tháng 11/2023, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Theo đó, Việt Nam cùng nhiều nước OECD sẽ áp dụng việc thu thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các Công ty đa quốc gia TNCs có doanh thu hơn 750 triệu Euro (tương đương 800 triệu USD)/năm, bắt đầu từ năm 2024.
Tại báo cáo tác động của đề xuất xây dựng Quỹ Hỗ trợ đầu tư sau khi Việt Nam áp dụng thuế Tối thiểu toàn cầu từ năm tài chính 2024, Bộ KH&ĐT chỉ rõ việc Việt Nam áp dụng đánh thuế 15% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các nhà đầu tư đủ điều kiện thì các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư lớn như miễn thuế mà Việt Nam đang áp dụng sẽ không còn ý nghĩa; dẫn đến Việt Nam sẽ không còn cạnh tranh trong thu hút, giữ chân các doanh nghiệp thuộc đối tượng này.
Chính vì vậy, cơ quan này đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép thực hiện nhiều giải pháp, như lập Quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp chịu tác động nhằm hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, hoặc thông qua các cơ chế hỗ trợ khác có liên quan.
Hiện, nội dung này đang được Bộ KH&ĐT, Chính phủ lấy ý kiến Quốc hội, trước khi áp dụng thực tế.
Liên quan đến Luật Quy hoạch, Chính phủ đề xuất cơ chế cho phép sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động quy hoạch để tạo cơ chế linh hoạt khi sử dụng ngân sách nhà nước, phù hợp với tính chất của từng loại quy hoạch.
Về Luật Đầu tư sửa đổi, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị có quy định việc chấm dứt hoạt động đối với các dự án chậm tiến độ, dự án không được triển khai thực hiện trong nhiều năm, gây lãng phí đất đai nhằm giải phóng nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm đơn giản hóa thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai dự án để tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Đối với Luật Đầu tư theo phương pháp PPP, Chính phủ đề xuất cần khuyến khích thực hiện phương thức PPP đối với tất cả các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, trừ các dự án thuộc lĩnh vực Nhà nước độc quyền hoặc dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Tại Báo cáo Thẩm tra, Uỷ Ban Kinh tế, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo rà soát kỹ và quy định rõ ràng, chặt chẽ về đối tượng được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt này.
Uỷ ban Thường vụ yêu cầu nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, bảo đảm việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư đặc biệt đáp ứng khả năng, năng lực quyết định, tổ chức, nguồn nhân lực của từng cấp quản lý, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, yêu cầu Luật cần bổ sung chế tài gắn trách nhiệm cụ thể, xử lý vi phạm nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong triển khai thực hiện, nhất là đối với các dự án lớn, quan trọng, có tính chất chuyên ngành phức tạp, tác động lan tỏa tới phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và cả nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.