Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: HoREA phản đối áp dụng hợp đồng BOT để nâng cấp đường hiện hữu

Quốc Hải Thứ ba, ngày 30/05/2023 08:20 AM (GMT+7)
HoREA đề nghị không nên áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu để tránh xảy ra xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư dự án với người dân khi sử dụng tuyến đường BOT phải trả phí.
Bình luận 0
Cơ chế đặc thù cho TP.HCM - HoREA phản đối áp dụng hợp đồng BOT để nâng cấp đường hiện hữu  - Ảnh 1.

HoREA phản đối việc áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu. Ảnh minh họa: Quốc Hải

Góp ý với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng, có một số cơ chế, chính sách đặc thù của "Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM" còn bất cập hoặc chưa khả thi, chưa phù hợp.

Trong những bất cập này, HoREA nhấn mạnh đến việc không nên áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu để tránh xảy ra xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư dự án với người dân sử dụng tuyến đường BOT phải trả phí, tiềm ẩn phát sinh "điểm nóng" trong xã hội.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho hay, điểm a khoản 1 Điều 45 Luật PPP có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng công trình BOT do phải trả phí và cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trực tiếp, nên khoản 5 Điều 7 Luật PPP đã quy định nguyên tắc thực hiện dự án PPP là phải "bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng" để không xảy ra "xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng".

Trên thực tế, đã từng xảy ra xung đột lợi ích giữa "nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng" trên các công trình BOT tại một số địa phương trong những năm trước đây.

Cơ chế đặc thù cho TP.HCM - HoREA phản đối áp dụng hợp đồng BOT để nâng cấp đường hiện hữu  - Ảnh 2.

Theo HoREA, những năm trước đây, xung đột lợi ích đã xảy ra giữa nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng trên các công trình BOT tại một số địa phương. Ảnh: Nguyên Vỹ

"HoREA nhận thấy, nếu nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới đường giao thông, trong đó có đường bộ theo hợp đồng BOT thì hợp lý. Nhưng đối với đường bộ hiện hữu mà thực hiện theo hợp đồng BOT thì chắc chắn sẽ dẫn đến xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng, ông Châu khẳng định.

Vì vậy, HoREA đề nghị cần bỏ điểm c khoản 3 Điều 4 "Dự thảo Nghị quyết" không nên quy định thành phố được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư, xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu.

Thay vào đó, nên thực hiện dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu theo hợp đồng BT, sử dụng nguồn vốn ngân sách của thành phố để thanh toán cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, theo Chủ tịch HoREA, các quy định pháp luật trước đây chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng làm thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai và làm cho môi trường đầu tư kém minh bạch, thiếu tính cạnh tranh, không công bằng. Chính vì vậy, điểm d khoản 5 Điều 101 Luật PPP 2020 đã quyết định "Dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT" là rất đúng, rất cần thiết.

Nhưng sau 3 năm dừng dự án BT mới, HoREA nhận thấy đến nay rất cần thiết xem xét cho phép tái khởi động trở lại các dự án đầu tư xây dựng theo hình thức Hợp đồng BT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, dứt khoát không thanh toán bằng quỹ đất để nhà đầu tư thực hiện dự án khác. 

Đồng thời, Nhà nước tạo nguồn vốn ngân sách thông qua hoạt động đầu tư phát triển quỹ đất; quỹ phát triển đất; tổ chức phát triển quỹ đất; đấu giá quyền sử dụng đất" theo quy định của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), để huy động nguồn lực của khu vực tư nhân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, công trình giao thông… theo chủ trương xã hội hoá đầu tư của Đảng và Nhà nước.

Cũng liên quan đến "Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM", HoREA cho hay, cần nhận diện rõ vướng mắc về "nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch đô thị" không phải do "vướng Luật Đầu tư" mà do "vướng" điểm c khoản 7 Điều 31 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ.

Do vậy, chỉ cần Chính phủ sửa điểm c khoản 7 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP là tháo gỡ được vướng mắc về "đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch đô thị" cho tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nên không cần thiết quy định trong "Dự thảo Nghị quyết" cho riêng TP.HCM.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem