Cơ chế ngân sách đang được thực hiện tùy tiện

Thứ hai, ngày 02/06/2014 06:10 AM (GMT+7)
Chúng ta thực hiện một cơ chế ngân sách mềm, tạm gọi là ngân sách tùy tiện, có nghĩa là cứ vượt thu thì vượt chi, thành ra quyết toán ngân sách giữa Quốc hội đề ra về chi và thực chi tăng đến 30-40%.
Bình luận 0
"Chúng ta thực hiện một cơ chế ngân sách mềm, tạm gọi là ngân sách tùy tiện, có nghĩa là cứ vượt thu thì vượt chi, thành ra quyết toán ngân sách giữa Quốc hội đề ra về chi và thực chi tăng đến 30-40%" - ĐBQH Trần Du Lịch (ảnh) (TP.HCM) trao đổi với phóng viên NTNN bên hàng lang Quốc hội.

Thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012, có ĐBQH cho rằng kỷ luật chi ngân sách chưa nghiêm, ví dụ Chính phủ chỉ đạo thắt chặt chi tiêu công nhưng vẫn xảy ra tình trạng mua 1.700 chiếc xe ô tô, trị giá mỗi xe hàng tỷ đồng?

ĐBQH Trần Du Lịch
ĐBQH Trần Du Lịch

- Vấn đề tồn tại là kỷ cương ngân sách chúng ta thực hiện một cơ chế ngân sách mềm, tạm gọi là ngân sách tùy tiện, có nghĩa là cứ vượt thu thì vượt chi, thành ra quyết toán ngân sách giữa Quốc hội đề ra về chi và thực chi tăng đến 30-40%. Kỷ cương không có. Chúng ta duy trì cơ chế ngân sách mềm để cứ tăng thu thì tăng chi, thành ra kỷ cương ngân sách không còn.

Việc mua mới hàng nghìn xe công và việc sử dụng xe công không đúng mục đích được nhiều đại biểu đặt vấn đề.
Việc mua mới hàng nghìn xe công và việc sử dụng xe công không đúng mục đích được nhiều đại biểu đặt vấn đề.

Vấn đề nữa là quy trình lập ngân sách ngược, khi đưa ra Quốc hội thì mọi thứ đã an bài. Tôi đề nghị lập ngân sách một năm ở 2 kỳ họp Quốc hội, ở kỳ họp giữa năm Quốc hội thảo luận về quan điểm phân bổ. Năm nay phân bổ ngân sách ưu tiên cho ngành nào, lĩnh vực nào, tỉnh nào, nên ưu tiên cái gì, tiết kiệm cái gì... phải thảo luận kỹ. Sau đó Quốc hội ra Nghị quyết, đó là cơ sở để Chính phủ phân bổ, cuối năm Quốc hội chỉ xem lại, cái nào không đúng bỏ ra. Còn hiện nay làm xong rồi đưa ra Quốc hội 1, 2 ngày thì biết bỏ cái gì, giữ cái gì?

Theo ông phải có cơ chế giám sát ra sao để tránh tình trạng "bàn và quyết sự đã rồi"?

- Quốc hội quyết ngân sách của TƯ và phân bổ địa phương, Hội đồng nhân dân (HĐND) quyết ở địa phương nhưng thực chất HĐND hiện nay đa số không quyết định được gì cả vì đã an bài cả, Quốc hội cũng vậy. Quan điểm của tôi khi sửa Luật Tổ chức Quốc hội nên đầu tư tăng cường một ủy ban không gọi là tài chính-ngân sách chung chung mà là Ủy ban Ngân sách riêng chỉ làm ngân sách. Ủy ban phải làm từ khâu lập dự toán, như vậy mới giám sát được.

Hôm nay, 2.6, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và NSNN năm 2013 và những tháng đầu năm 2014. Buổi làm việc sẽ được truyền hình và phát thanh trực tiếp.

Chúng ta phải xây dựng cho được kỷ cương ngân sách. Như ở nước ngoài, Quốc hội chưa thông qua tài khóa, một cơ quan của Quốc hội muốn mời bữa cơm cũng không có tiền. Kỷ cương của họ là như vậy, chúng ta hãy nhìn lại, chúng ta để cơ chế như vậy lại phê bình với nhau không tìm ra được.

Ngân sách hiện nay đang lồng ghép giữa T.Ư và địa phương, đây cũng là vấn rất bất cập thưa ông?

- Vấn đề đang tồn tại trong cơ chế của chúng ta, tôi gọi là ngân sách nhà nước lồng ghép. Hiện nay trên thế giới theo tôi biết có lẽ vài nước, trong đó có Việt Nam lồng ghép ngân sách nhà nước và T.Ư theo kiểu như thế này nói chung là ngân sách nhà nước mà không làm rõ thế nào là ngân sách quốc gia, thế nào là ngân sách địa phương. Chính cơ chế này đẻ ra thực tế hàng năm lập ngân sách thì thấp để vượt thu và xin thưởng để được chi theo ý mình.

Xin cảm ơn ông!

Lương Kết (thực hiện) (Lương Kết (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem