Có cơ sở xử phạt nhóm nữ du khách cởi áo ngực chơi team building ở Hạ Long?

Quang Trung Thứ ba, ngày 13/09/2022 12:48 PM (GMT+7)
Cơ quan chức năng đang vào cuộc xác minh thông tin liên quan những hình ảnh, video về nhóm du khách tổ chức team building phản cảm ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Vậy hành vi này có chế tài để xử phạt?
Bình luận 0

Nhóm nữ du khách cởi áo ngực chơi team building ở Hạ Long

Ngày 13/9, mạng xã hội xuất lan truyền đoạn clip dài hơn một phút ghi lại cảnh nhóm nữ du khách tổ chức vui chơi tại một bãi tắm thuộc Khu du lịch Bãi Cháy, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Có cơ sở xử phạt nhóm nữ du khách cởi áo ngực chơi team building ở Hạ Long? - Ảnh 1.

Hình ảnh nhóm nữ du khách cởi áo khi tham gia team building được clip ghi lại. Ảnh cắt từ clip

Trong quá trình vui chơi, nhóm nữ du khách có hành vi cởi áo để tham gia chơi trò chơi ngay trên khu vực bãi cát. Xung quanh nhóm nữ du khách này còn có cả thợ chụp hình riêng. Thời điểm này, trên bãi biển có đông người, cả người già và trẻ nhỏ.

Nhiều người chứng kiến sự việc hô hào và quay lại video, đăng tải lên mạng xã hội.

Clip sau khi được đăng tải đã tạo ra nhiều tranh cãi. Đa số ý kiến cho rằng hành động những người phụ nữ lột áo ngực giữa bãi biển để tham gia trò chơi là phản cảm vì đây là bãi tắm công cộng.

Một lãnh đạo của TP Hạ Long cho biết đã tiếp nhận nội dung phản ánh. Vị này xác nhận hình ảnh trên xảy ra tại bãi tắm thuộc Khu du lịch Bãi Cháy.

Chưa có chế tài xử phạt?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, hành vi cởi áo ngực của một số nữ du khách tại biển Cửa Lò mấy tháng trước và ở Hạ Long mới đây đã gây ra nhiều bức xúc cho dư luận, có dấu hiệu đi ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Theo bà Thơ, thuần phong mỹ tục là khái niệm để chỉ toàn bộ những phong tục, truyền thống, quan niệm đạo đức, lối sống tốt đẹp, lành mạnh của một dân tộc.

Ngoài ra, còn có nhiều từ khác có ý nghĩa tương tự, như là bản sắc dân tộc, tinh hoa văn hóa dân tộc hay gia phong tổ tiên.

Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chưa có định nghĩa rõ ràng ràng về mặc phản cảm là gì, nhưng từ xưa đến nay mặc phản cảm có thể hiểu là mặc trái với những gì vốn đã xây dựng từ bao đời nay.

Như vậy, đây là một khái niệm chỉ tồn tại trong suy nghĩ của mỗi người, không nằm trong văn bản quy phạm pháp luật.

Về vấn đề có xử phạt được nhóm nữ du khách hay không, bà Thơ cho hay, về hành vi ăn mặc phản cảm, trước kia đã có Nghị định 73/2010/NĐ-CP, hết hiệu lực kể từ ngày 28/12/2013 và được thay thế bởi Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.

Cụ thể, Nghị định 73/2010 quy định: Người tham gia lễ hội không mặc áo, quần hoặc mặc quần áo lót ở những nơi như hội họp đông người, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng sẽ bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 60 đến100 nghìn đồng.

Tuy nhiên, Nghị định 167/2013 đã bãi bỏ điều khoản về hành vi vi phạm quy định về nếp sống văn minh.

Trong đó có quy định phạt đối với hành vi không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội.

Sở dĩ pháp luật bãi bỏ quy định xử phạt đối với hành vi này vì vấn đề này liên quan tới chuẩn mực đạo đức và cách ứng xử của con người nên các nhà làm luật tin rằng ý thức của người dân cũng sẽ được nâng cao theo thời gian.

Như vậy, đối với những hành vi ăn mặc phản cảm tại nơi công cộng nói chung, hiện vẫn chưa có quy định chi tiết về chế tài xử phạt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem