Cô gái ngân nga hát khi phẫu thuật não

Trà Li (Theo Epoch Times/Insider) Thứ bảy, ngày 20/04/2019 07:00 AM (GMT+7)
Trong ca phẫu thuật não, Kira Laconetti (20 tuổi, đến từ Mỹ) đã được đánh thức dậy và yêu cầu hát để các bác sĩ đảm bảo rằng họ đang chữa trị đúng hướng.
Bình luận 0

CLIP: Kira Laconetti hát trong khi phẫu thuật não tại Bệnh viện Nhi đồng Seattle.

Khi mới lên 6, Kira đã được làm quen với đàn hát. Tuy nhiên, vào khoảng 4 năm trước, Kira bắt đầu cảm thấy bất ổn khi cô bắt đầu không nghe thấy gì và hát sai lời bài hát. “Cảm giác giống như “công tắc” trong não của tôi bị tắt và đột nhiên tôi không còn nghe thấy gì nữa. Tôi không thể hát, tôi cũng không thể xử lý lời bài hát khi nghe nhạc”, Kira chia sẻ.

img

Kira phải phẫu thuật não do chứng động kinh hiếm gặp liên quan đến âm nhạc.

Sau đó, Kira đã tới bệnh viện thăm khám. Kết quả chụp MRI cho thấy Kira có một khối u bằng kích thước của một viên đá cẩm thạch nhỏ trong não.

Các bác sĩ chẩn đoán, Kira mắc chứng động kinh liên quan đến âm nhạc (tên tiếng Anh là musicogenic epilepsy). Đây là một dạng động kinh hiếm gặp, mà bệnh nhân sẽ lên cơn động kinh khi nghe nhạc và hát.

Các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật loại bỏ khối u trong não của Kira để giúp cô thoát khỏi những cơn động kinh. Nhằm đảm bảo ca phẫu thuật không làm tổn thương những vùng não phát triển âm nhạc của Kira, bác sĩ Jason Hauptman và nhóm phẫu thuật của anh tại Bệnh viện Nhi đồng Seattle đã quyết định thực hiện một ca phẫu thuật tỉnh táo.

“Chỉ trong một thời gian ngắn quen biết Kira, tôi đã cảm nhận được niềm đam mê của cô gái trẻ với ca hát và diễn xuất. Vì vậy, điều tuyệt vời nhất mà tôi có thể làm cho cô ấy là lấy khối u đó ra khỏi đầu cô ấy”, bác sĩ Hauptman chia sẻ nói với trang Insider.

Theo trang Teen Vogue, khi bắt đầu phẫu thuật, Kira vẫn được tiêm thuốc mê. Nhưng sau đó, cô đã được gọi dậy khi các bác sĩ bắt đầu cắt bỏ khối u. Lúc này, Kira được yêu cầu hát và thực hiện các yêu cầu khác liên quan đến âm nhạc để bác sĩ Hauptman có thể xác định phần nào trong não cô cần phẫu thuật và phần nào không.

img

Vết sẹo dài trên đầu Kira sau ca phẫu thuật não tỉnh táo.

Một ca phẫu thuật tỉnh táo nghe có vẻ đáng sợ, nhưng theo bác Hauptman, quy trình của nó tương tự như một cuộc phẫu thuật não thông thường. “Một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân phẫu thuật não khi tỉnh táo có thể sẽ bị co giật, nhưng chúng tôi có thể khắc phục ngay lập tức nếu cần thiết… Một lợi thế của việc phẫu thuật trong khi bệnh nhân tỉnh táo là bác sĩ có thể yên tâm rằng chức năng của não được bảo tồn”, vị bác sĩ này nói thêm.

Ông cũng lưu ý kiểu phẫu thuật này có thể hữu ích cho những người bị động kinh, những người cần giữ khả năng nói hoặc các chức năng não khác, chứ không chỉ dành riêng cho những người bị ảnh hưởng chức năng liên quan đến âm nhạc.

Về Kira, bác sĩ Hauptman chia sẻ: “Đó là màn trình diễn để đời của cô ấy. Cô ấy đã thực hiện vì sức khỏe của mình và đã làm điều đó cực kỳ tốt. Tôi không thể nghĩ ra một bệnh nhân nào khác làm tốt hơn với kiểu phẫu thuật này”.

Đặc biệt, chỉ 48 giờ sau ca phẫu thuật, Kira đã có thể ngồi dậy, hát và chơi ghita. Chính bác sĩ Hauptman cũng cảm thấy rất mừng khi nghe tin bệnh nhân của mình có thể hát và giao tiếp bằng âm nhạc chỉ 2 ngày sau ca phẫu thuật.

Bác sĩ Hauptman cũng hy vọng ca phẫu thuật trên và câu chuyện của Kira sẽ mang đến hy vọng cho những người phải trải qua tình trạng tương tự hay lâm vào thời kỳ đáng sợ, không chắc chắn trong cuộc sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem