Không nhớ nổi những đêm thức trắng
Là học sinh trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, suốt những năm cấp 3, Trần Thạch Thảo (sinh năm 1995) lúc nào cũng mải miết dành thời gian tham gia tổ chức các sự kiện ở trường, lớp và nghĩ rằng, sau khi ra trường nhất định sẽ học quản trị kinh doanh để phát triển khả năng của mình.
Vậy mà, chỉ sau 1 khóa học vẽ, bất ngờ, cô gái nhiều tài lẻ này lại quyết định bẻ ngoặt hướng “chuyến xe tương lai” của mình sang con đường hoàn toàn mới, “gai góc” hơn, “nam tính” hơn: Thiết kế nội thất.
Trần Thạch Thảo và bản thiết kế vừa nhận giải thưởng danh giá tại Mỹ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Thảo chia sẻ: “Sau khóa học vẽ, em nhận ra rằng em rất hứng thú với tư duy về màu sắc, ánh sáng và hình học. Chưa có một môn học nào khiến em hứng thú đến mức dành toàn bộ thời gian rảnh để xem thêm video và đọc thêm tài liệu đến như vậy. Chính vì điều đó, em quyết định theo học chuyên ngành thiết kế nội thất tại SCAD – Học viện Mỹ thuật và thiết kế tại Mỹ” .
Cô cho biết, khi lựa chọn học thiết kế nội thất, mọi người đều cho rằng đó là bước ngoặt khá “mạo hiểm” vì trước đó, cô chưa có kinh nghiệm gì về hội họa. Tuy nhiên, bản thân cô lại tin tưởng rằng, kinh nghiệm từ việc tham gia tổ chức sự kiện trước đó sẽ giúp cô trong công việc sau này.
“Thiết kế nội thất và tổ chức sự kiện là hai lĩnh vực có giá trị cốt lõi là tạo nên những trải nghiệm có giá trị cho những người xung quanh. Chỉ cần giữ được giá trị cốt lõi đó, em nghĩ mình sẽ luôn nỗ lực hết sức và tự hào với công việc mình làm”, Thảo chia sẻ.
Sang Mỹ, vừa học, vừa làm thêm ở một ngôi trường đầu ngành vô cùng cạnh tranh, Thảo đã phải “gồng mình” hết sức để theo đuổi đam mê của mình. Cô cho rằng, nếu các bạn phấn đấu 100% thì bản thân cô phải phấn đấu đến… 200% sức lực.
Chính vì vậy, giải thưởng tài năng của Hiệp hội thiết kế nội thất Mỹ mà cô vừa nhận được là mộc “dấu mốc” quan trọng, là “trái ngọt” đầu tiên của sự cố gắng vượt qua chính bản thân mình.
Thảo cho biết: “Giải thưởng lần này tuy còn nhỏ bé khi đứng cạnh các công trình lớn trong sự kiện, nhưng với em lại vô cùng ý nghĩa. Nó đánh dấu 3 năm kể từ khi rẽ bước ngoặt theo đuổi ngành kiến trúc nội thất. Đó là 3 năm đấu tranh với bản thân, không đếm nổi những đêm không ngủ...”.
“Ngôi nhà mơ ước” cho người già, trẻ nhỏ
Chia sẻ về ý tưởng thiết kế trong dự án Gen2Gen mà cô vừa đạt giải, Thảo cho biết, ngày còn nhỏ, cô được sống cùng ông bà và được dạy rất nhiều về văn hóa, lễ nghĩa, truyền thống, các phong tục tập quán. Cô nghĩ rằng, đó là những “liều thuốc tinh thần” rất bổ ích không chỉ cho cô mà còn đối với bất kỳ đứa trẻ nào trong quá trình phát triển.
Bản vẽ thiết kế nội thất nhận được nhiều sự ủng hộ của Trần Thạch Thảo. (Ảnh: NVCC)
Tuy nhiên, sợi dây liên kết giữa người già và trẻ nhỏ trong xã hội hiện nay đang dần “mong manh” hơn, nhất là ở các đô thị - nơi mà con người đang chú trọng vào phát triển kinh tế. Cuộc sống hối hả, bận rộn, người trẻ không còn nhiều thời gian quan tâm đến ông bà, cha mẹ.
Điều đó đã sinh ra khoảng cách giữa các thế hệ, trẻ em cũng vì thế mà ít cơ hội được tiếp xúc văn hoá dân gian như truyện cổ tích, hay các phong tục tập quán từ ông bà...
Gen2Gen sẽ là một “ngôi nhà lý tưởng” của người già và trẻ nhỏ. Nó là mô hình kết hợp trung tâm sinh hoạt của người cao tuổi và nhà trẻ mẫu giáo. Môi trường giả định xây dựng lên thiết kế này là ở Việt Nam.
"Tại đó, người già sẽ được tiếp xúc, giao lưu, trò chuyện, chia sẻ hàng ngày với trẻ nhỏ tạo niềm vui trong cuộc sống và giúp trẻ phát triển những kỹ năng, hiểu biết về truyền thống, cội nguồn”, Thảo tâm sự.
“Nửa năm là những hôm bật khóc trước mặt thầy vì file nặng quá, dữ liệu mất hết và phải làm lại từ đầu; là những đêm về nhà lúc 5h sáng nhưng mấy đứa bạn thân vẫn nhắn nhau phải gọi điện giục nhau dậy cho kịp lớp 8 giờ; là những miếng bánh ăn vội 3 phút để vừa kịp lấy lại thần thái vào phòng phỏng vấn sau khi vừa kiểm tra trên lớp...”, Thảo chia sẻ.
Thảo cũng cho biết thêm, từ khi bắt đầu ý tưởng đến lúc hoàn thành, cô đã phải mất nửa năm khá vất vả.
Thảo mơ ước một ngày nào đó sẽ có thể đem ý tưởng thiết kế của mình về thực thi tại quê hương. (Ảnh: NVCC)
Cô cũng cho biết, đã có những lần, cô bất lực và than với thầy giáo: “Thầy ơi sao tự nhiên con thấy đồ án con chán quá”. Và thầy chỉ đơn giản trả lời: “Trong cuộc sống, có những khoảng thời gian con sẽ gặp khó khăn và cảm thấy chùn bước. Tuy nhiên, khi ấy, con phải tìm được một lý do để bước tiếp thay vì dừng lại. Và hãy luôn nghĩ về nó, lấy đó làm động lực vượt qua khó khăn" - "Nhờ những lời động viên quý giá đó, em lại cố gắng tiếp tục hành trình của mình”, Thảo hào hứng nhớ lại.
Hiện tại, cô gái bé nhỏ và đầy ước mơ ấy đang vừa phải hoàn thành nốt chương trình học để tốt nghiệp vào tháng 6 tới vừa làm fulltime tại tập đoàn Hirsch Bedner Associates Headquarter tại Los Angeles – một tập đoàn lớn nhất tại Mỹ về thiết kế các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn.
Công việc bận rộn, áp lực thi cử đòi hỏi Thảo luôn phải thắt chặt kỷ luật bản thân để làm việc năng suất hơn và quản lý thời gian thật hiệu quả.
“Cơ hội được tham gia vào các dự án lớn trong thời gian đi làm đã truyền cho em rất nhiều cảm hứng để chuyên sâu vào thiết kế các công trình trong ngành dịch vụ, khách sạn. Dự định gần của em là cố gắng tham gia vào nhiều dự án lớn, trải nghiệm nhiều thử thách để mình có thể học thêm được nhiều nhất về nghề. Tương lai xa, em chắc chắn sẽ về Việt Nam. Và biết đâu một ngày nào đó, em có thể đem ý tưởng Gen2Gen về thực thi tại quê hương”, Thảo nói. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.