Có gì "mới" ở Tokyo kể từ Olympic 1964?

Chủ nhật, ngày 25/07/2021 13:10 PM (GMT+7)
Đây không phải lần đầu tiên Nhật Bản đăng cai một kỳ Thế vận hội. Trong quá khứ, họ từng là nước chủ nhà Olympic 1964, Thế vận hội đại thành công cả về mặt chuyên môn lẫn kinh tế. Đó cũng là thời điểm đánh dấu Nhật Bản thực sự chuyển mình và trở thành một cường quốc.
Bình luận 0

 Hiện tại đáng quên

Tháng 10/1964, giữa tiết trời mùa thu mới chớm lạnh, Nhật hoàng Hirohito đứng tại sân vận động Thế vận hội, tuyên bố khai mạc Olympic Tokyo. Đó cũng là lần đầu tiên Nhật Bản lên tiếng với cả thế giới kể từ ngày họ chịu đầu hàng hồi Thế chiến thứ hai. 2 thập niên trôi qua, Nhật Bản từ một nước thất trận đã trở lại đầy mạnh mẽ.

Với người dân Nhật Bản ở thập niên 60, Olympic Tokyo là một sự kiện vĩ đại nằm ngoài sức tưởng tượng. Hàng chục ngàn ngôi nhà gỗ truyền thống giữa thủ đô phải phá bỏ để nhường chỗ cho kiến trúc bê tông hiện đại. Tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên được xây dựng, nối liền 2 đầu bắc nam đất nước. Nhật Bản đã trở lại thế giới thứ nhất theo cách đó.

Có gì "mới" ở Tokyo kể từ Olympic 1964? - Ảnh 1.

SVĐ Thế vận hội chật kín khán giả tại lễ khai mạc Olympic 1964

57 năm trôi qua. Một lần nữa Tokyo trở thành nơi đăng cai một kỳ Olympic, nhưng mọi thứ đã khác đi rất nhiều. Nhật hoàng Hirohito đã qua đời từ lâu, và người đứng lên tuyên bố khai mạc là cháu nội ông, Nhật hoàng Naruhito. Thay vì đứng trước biển người để tuyên bố, vị tân Nhật hoàng chỉ có vài trăm quan khách lắng nghe ông cùng một khán đài trống vắng.

Olympic Tokyo đã phải hoãn lại 1 năm vì dịch Covid-19, tuy vậy, mọi thứ không hề diễn ra suôn sẻ hơn. Cơn bùng phát dịch lần thứ tư ngay trước lễ khai mạc khiến chính quyền thành phố Tokyo phát lệnh phong tỏa, đồng nghĩa với việc cấm khán giả đến sân. Người hâm mộ muốn vào chứng kiến các VĐV thi đấu nhưng điều đó chỉ làm tăng số ca lây nhiễm, thế nên đề nghị ấy lập tức bị bác bỏ.

Đứng trước viễn cảnh không mấy khả quan về mức độ thu hút khán giả với Olympic, nhiều tập đoàn hàng đầu Nhật Bản đã xin rút khỏi danh sách tài trợ. Với những ai sống qua 2 kỳ Thế vận hội tại xứ sở mặt trời mọc, đây là chuyện họ chẳng hề mong muốn. Không còn Olympic sôi động như ngày trước, giờ đây mọi người chỉ biết sống trong hoài niệm.

Hồi ức sục sôi

“Tôi còn nhớ ngày ấy cả Nhật Bản phát cuồng lên vì Olympic”, ông Kazuo Inoue, 69 tuổi hồi tưởng ký ức năm xưa. Đến giờ ông vẫn còn nhớ như in quang cảnh sân vận động Thế vận hội được phát từ chiếc tivi màu nhà ông mới mua chỉ để phục vụ Olympic. Càng nhớ về kỷ niệm ấy, ông càng cảm thấy trống vắng với Thế vận hội bây giờ và trong lòng chợt dâng lên một nỗi buồn.

Để chuẩn bị cho Olympic Tokyo 1964, người Nhật phải mất đến 12 năm. Họ từng ứng cử đăng cai Thế vận hội 1960 nhưng bị loại sớm vì không đảm bảo các điều kiện cần thiết. Một trong số đó là hệ thống hạ tầng cơ sở giao thông, lưu trú không đảm bảo. Và thế là Nhật Bản bắt tay vào thay đổi đất nước toàn diện.

Rất nhiều tiền được chính phủ Nhật Bản chi ra xây dựng đường sá, cầu cống, nhà cửa; đặc biệt là quanh khu vực Tokyo. Một trong những địa điểm tổ chức hồi năm 1964, Nhà thi đấu Judo Nippon Budoukan vẫn sừng sững tồn tại đầy trang nghiêm cho đến tận bây giờ. Thu nhập của người dân Nhật Bản vì thế cũng tăng lên nhanh chóng, giúp nhiều gia đình như nhà ông Inoue có điều kiện mua tivi màu.

Có gì "mới" ở Tokyo kể từ Olympic 1964? - Ảnh 2.

Nhà thi đấu Judo Nippon Budoukan vẫn sừng sững suốt 57 năm

4 năm kể từ khi diễn ra Olympic Tokyo 1964, Nhật Bản chính thức nằm trong hàng ngũ các nước phát triển và chỉ xếp sau Mỹ về quy mô nền kinh tế. Đó là thành quả của một cuộc đại nhảy vọt với mức tăng trưởng bình quân mỗi năm luôn ở mức hai con số. Nhật Bản từ một kẻ thất trận, nay trở thành gã khổng lồ kinh tế thách thức mọi cường quốc trên thế giới.

Olympic Tokyo 1964 còn được ghi nhận là kỳ Thế vận hội đầu tiên phát trực tiếp trên toàn cầu qua sóng vệ tinh. Tiến bộ công nghệ là điều Nhật Bản luôn đi đầu, nhưng họ bỗng dưng chững lại suốt 3 thập niên vừa qua. Nền kinh tế suy thoái khiến chính phủ nuôi lại hy vọng kích cầu bằng một kỳ Olympic, nhưng mọi thứ không còn diễn ra như trước nữa.

So với Thế vận hội 57 năm trước, giải đấu giờ công bằng hơn, bình đẳng hơn, Tokyo cũng rộng lớn hơn mà hiệu ứng mang lại chẳng thể bằng năm xưa. Số người phản đối nhiều hơn tán thành, khiến người hâm mộ chỉ càng cảm thấy hoài niệm về một thời đã xa.

Cẩm Chi (Theo Bóng Đá Plus)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem