Có gì mới trong chính sách giảm nghèo tới năm 2025?

Thùy Anh - Ninh Ly Thứ ba, ngày 01/11/2022 11:09 AM (GMT+7)
Một trong những mục tiêu trong công tác giảm nghèo giai đoạn mới 2021-2025 là phải giảm nghèo thực chất, kết hợp với việc thực hiện giảm nghèo đa chiều toàn diện.
Bình luận 0

Về vấn đề này, PV Báo Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn với ông Tô Đức - Chánh văn phòng giảm nghèo quốc gia (Bộ LĐTBXH).

Áp dụng chuẩn nghèo đa chiều toàn diện

Thưa ông, giai đoạn mới công tác giảm nghèo sẽ được thực hiện thế nào?

- Năm 2022 là năm đầu tiên Việt Nam áp dụng đầy đủ, toàn diện chuẩn nghèo đa chiều. Tức là vừa áp dụng theo chiều thiếu hụt về thu nhập, vừa thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.

Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên xác định mức chuẩn thu nhập bình quân trong cả nước. Theo Tổng cục thống kê công bố, thu nhập bình quân khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/tháng và khu vực thành thị là 2 triệu đồng/tháng. Không phải nhiều quốc gia trên thế giới có thể áp dụng theo chuẩn về thu nhập theo chuẩn mức sống tối thiểu. Đây là bước tiến mà Chính phủ Việt Nam đã hết sức nỗ lực trong xây dựng chính sách giảm nghèo.

Tuy nhiên, mức thu nhập bình quân trong cả nước chỉ là căn cứ chung. Chúng tôi khuyến khích các địa phương có nền kinh tế phát triển có thể ban hành mức thu nhập bằng hoặc cao hơn mức chung của cả nước, miễn là phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương ấy.

Ngoài quy định về chuẩn mức sống tối thiểu khu vực nông thôn hay thành thị là thiếu hụt chính, chúng ta còn có tiêu chí thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản đa chiều gồm: Việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và thông tin.

giảm nghèo

Cho người nghèo vay vốn nuôi bò tạo việc làm. Ảnh: N.H

- Thưa ông, hiện nay một số địa phương đã ban hành chuẩn nghèo cao hơn chuẩn quốc gia, điều này sẽ có sự khác biệt gì về chính sách giảm nghèo giữa các địa phương?

- Như trên đã nói, chúng ta không yêu cầu địa phương phải theo chuẩn chung. Chính phủ đã quy định đối với những tỉnh, thành phố, đặc biệt là địa phương có khả năng tự cân đối ngân sách thì nên ban hành chuẩn riêng bởi vì mức sống tối thiểu mỗi địa phương, khu vực sẽ có sự khác nhau.

Ví dụ như ở những tỉnh miền núi phía bắc như là Cao Bằng, Bắc Kạn... lại có mức sống tối thiểu khác của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng. Vì vậy, chúng ta khuyến khích những tỉnh thành phố tự cân đối ngân sách thì ban hành chuẩn riêng. Đến nay, một số tỉnh, thành phố đã ban hành chuẩn nghèo riêng như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... và một số địa phương khác cũng đang nghiên cứu để ban hành những chuẩn nghèo riêng.

Việc các tỉnh ban hành chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo quốc gia các chính sách giảm nghèo cũng được xây dựng, triển khai sát với tình hình thực tế của địa phương hơn. Bên cạnh đó, đối tượng được hưởng chính sách giảm nghèo của địa phương cũng được mở rộng hơn chuẩn quốc gia.

Chuẩn nghèo quốc gia áp dụng chung cho chính sách quốc gia, còn chuẩn nghèo các địa phương sẽ được bảo đảm thực hiện bằng nguồn ngân sách của địa phương và áp dụng thực hiện những cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương đối với người nghèo.

Thực hiện giảm nghèo không trùng lặp 

 Số lượng người nghèo tăng lên khi thực hiện giảm nghèo đa chiều, vậy các chính sách giảm nghèo trong giai đoạn mới sẽ được thực hiện như thế nào?

- Thời gian tới chúng ta sẽ tập trung vào chương trình, các cơ chế, các chính sách, phương thức để hỗ trợ người nghèo, để giúp cho người nghèo được xây dựng với mục tiêu thoát nghèo một cách bền vững. Đặc biệt, các giải pháp giảm nghèo phải tập trung triển khai đồng bộ đảm bảo 3 yếu tố: Đa chiều, bao trùm và bền vững.

"Trong 10 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm đầy ấn tượng. Tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc gia thu nhập trung bình thấp của Ngân hàng Thế giới (WB) giảm từ 16,8% xuống còn 5% với trên 10 triệu người thoát nghèo. Bước sang giai đoạn mới, Việt Nam tiếp tục điều chỉnh chuẩn nghèo với các tiêu chí cao hơn và đa chiều tiếp cận để đạt được mục tiêu kết quả giảm nghèo bền vững".

Ngoài việc tập trung giải quyết các chiều thiếu hụt của người nghèo, chúng ta tập trung giảm nghèo bao trùm. Đó là hướng tới giải quyết vấn đề nghèo đói cho mọi người, mọi đối tượng, mọi nơi, mọi thời điểm, mọi chiều thiếu hụt. Cứ ở đâu có người nghèo là có các cơ chế chính sách hướng tới giảm nghèo, không để ai bị bỏ phía sau, không để lọt đối tượng.

Bên cạnh đó thực hiện giảm nghèo bền vững, nghĩa là chúng ta sẽ giúp cho người nghèo thoát nghèo một cách bền vững. Không phải để người nghèo thoát chuẩn nghèo hôm nay nhưng mà ngày mai khi gặp dịch bệnh, thiên tai, những lý do bất khả kháng thì quay lại trở lại nghèo.

Hiện nay có khá nhiều chương trình lớn, có tới 3 chương trình mục tiêu quốc gia cùng tác động tới người nghèo. Làm thế nào để các chương trình không chồng chéo, thưa ông?

- Tôi cho rằng ba chương trình mục tiêu quốc gia đều tiếp cận góc độ khác nhau. Thứ nhất là chương trình giảm nghèo tiếp cận theo đối tượng, cứ ở đâu có người nghèo thì cơ chế chính sách giảm nghèo đều tìm đến, dù người nghèo ở đâu ở thành phố, ở nông thôn hay ở vùng sâu vùng xa, người dân tộc thiểu số hay người Kinh.

Còn đối với chương trình dân tộc thiểu số miền núi thì là đây là chương trình tiếp cận theo địa bàn, tức là những địa bàn đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao. Chương trình nông thôn mới cũng tiếp cận theo địa bàn nhưng theo hướng tập trung xây dựng các tiêu chí phát triển văn hoá, kinh tế, xã hội…

giảm nghèo

Ông Tô Đức - Chánh văn phòng giảm nghèo Quốc gia chia sẻ về chương trình giảm nghèo trong giai đoạn tới của Việt Nam. Ảnh: N.T

Để các chương trình không trùng lặp, Chính phủ đã ban hành quyết định triển khai có liên quan. Việc phân bổ nguồn lực đầu tư, chính sách hỗ trợ cũng áp dụng theo nguyên tắc đã đầu tư từ nguồn lực chương trình này thì không đầu tư từ chương trình khác.

Các chương trình đảm bảo không trùng lặp bởi từ trung ương tới địa phương đều có một ban chỉ đạo chung của cả ba chương trình. Việc lập danh sách, đối tượng nhận hỗ trợ đều do ban chỉ đạo chung của cấp xã, cấp huyện lập dự toán đối tượng, kinh phí hỗ trợ và có thể đảm bảo không trùng lặp. Nếu địa phương nào lập danh sách một đối tượng mà lại nhận cùng một chế độ của cả hai chương trình thì là vi phạm quy định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thời gian qua hoạt động giảm nghèo đối mặt với nhiều những khó khăn. Theo ông đâu là khó khăn, thách thức lớn nhất trong công tác giảm nghèo?

- Tôi cho rằng khó khăn lớn nhất trong công tác giảm nghèo đó chính là đa số người nghèo hiện nay nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhiều người trong số đó là người dân tộc thiểu số. Mặt khác nhiều người không có kiến thức làm ăn, nhiều người khác dù có vốn cũng không thể làm ăn vì thiếu kiến thức, kỹ năng. Thậm chí nhiều vùng, nhiều địa phương còn quy hoạch những lĩnh vực sản xuất gắn với mong muốn bản thân, địa phương chứ chưa có sự kết nối.

Ngoài ra, khó khăn lớn nữa là hoạt động giảm nghèo chịu tác động lớn của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu... và cả những tác động bất lợi từ cuộc cách mạng công nghệ. Chỉ cần một trận đại dịch, một trận lũ quét... thì y như rằng người trung bình cũng thành người nghèo.

- Xin cảm ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem