Có gì thay đổi khi Covid-19 đủ điều kiện chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B?

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 20/10/2023 12:02 PM (GMT+7)
Theo quy định mới nhất của Bộ Y tế, từ hôm nay 20/10, Covid-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Bình luận 0

Điều kiện chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

Bộ Y tế cũng cho biết, việc chuyển bệnh Covid-19 thuộc nhóm A sang nhóm B là do thông tin đối chiếu giữa quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và thực tiễn diễn biến dịch tại Việt Nam cho thấy bệnh Covid-19 không còn đáp ứng các tiêu chí dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A, cụ thể như sau:

- Từ đầu năm đến 31/8/2023, ghi nhận 97.628 ca mắc, trung bình hàng tháng ghi nhận khoảng 12.000 ca mắc; số mắc trung bình tháng giảm 12 lần so với năm 2021 (khoảng 144.000 ca/tháng) và giảm 68 lần so với 2022 (khoảng 816.000 ca/tháng). 

Có gì thay đổi khi Covid-19 đủ điều kiện chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B? - Ảnh 1.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở các khu công nghiệp Bắc Giang khi dịch bùng phát vào năm 2021. Ảnh BYT

Tỷ lệ tử vong do Covid-19 giảm từ 1,86% năm 2021 xuống 0,1% năm 2022 và hiện còn 0,02% trong năm 2023 (tính đến hết tháng 8/2023), tương đương hoặc thấp hơn tỷ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B ghi nhận phổ biến tại Việt Nam trong 5 năm gần đây như: sốt xuất huyết (0,022%), sốt rét (0,017%), bạch hầu (0,102%), ho gà (0,417%);

- Đã xác định rõ tác nhân gây bệnh Covid-19 là virus SARS-CoV-2;

- Covid-19 hiện nay đáp ứng các tiêu chí của bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm: là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 26/2023/QĐ-TTg sửa đổi Phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.

Quyết định nêu rõ, bổ sung nhóm, thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới đối với bệnh Covid-19 (trước đây gọi là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra).

Theo đó, bệnh Covid-19 thuộc nhóm B, thời gian ủ bệnh trung bình là 4 ngày, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới là 8 ngày.

Nhiều thay đổi khi Covid-19 chuyển thành bệnh truyền nhiễm nhóm B

Về việc Covid-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A, ngày 20/10, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, cho biết thống kê của Bộ Y tế thời gian qua số ca mắc Covid-19 giảm mạnh, đa phần ca mắc nhẹ, có thời điểm không ghi nhận ca nặng vào điều trị, cùng đó nhiều tháng nay Việt Nam không ghi nhận ca Covid-19 tử vong.

Theo PGS Phu, thời gian qua, dù chưa trở thành bệnh nhóm B thì mọi hoạt động kinh tế xã hội của Việt Nam đã gần như trở về như thời chưa có dịch. Ngay cả bệnh nhân Covid-19 khi điều trị ở cơ sở y tế cũng không cần ở khu cách ly riêng mà chỉ cách ly ở khoa phòng. 

Có gì thay đổi khi Covid-19 đủ điều kiện chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B? - Ảnh 2.

Tiêm vaccine Covid-19 tại TP.HCM năm 2022. Ảnh BYT

"Các quy định về đeo khẩu trang nơi công cộng... cũng không bắt buộc. Do đó, việc công bố Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B tại thời điểm này chỉ là thủ tục"- PGS Phu chia sẻ. 

Về việc phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, PGS Phu cho rằng, ngành y tế vẫn cần có những giám sát và đánh giá nguy cơ, không được mất cảnh giác. 

"Covid-19 vẫn có thể có những biến chủng mới do tính không ổn định của virus này. Việc giám sát nguy cơ sẽ giúp chúng ta không bị động trước diễn biến bất thường của dịch bệnh. Các hoạt động giám sát như các bệnh truyền nhiễm nhóm B khác như cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng...", PGS Phu nói. 

Khi Covid-19 thành bệnh truyền nhiễm nhóm B, vaccine phòng Covid-19 cũng không được miễn phí vì vaccine này không nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. 

Ngoài ra, khi chuyển sang nhóm B, người bệnh Covid-19 sẽ được thanh toán viện phí theo quy định với người tham gia BHYT. Trường hợp không có BHYT, người bệnh sẽ phải tự chi trả toàn bộ chi phí. 

PGS Phu cũng khuyến cáo người dâ không nên chủ quan vì Covid-19 có thể vẫn có những biến chủng bất thường. Khi ngành y tế có các khuyến cáo phòng chống dịch mới thì nên tuân thủ để phòng bệnh cho mình và gia đình. 

Những cột mốc đáng nhớ về dịch Covid-19

Ngày 31/12/2019, TP Vũ Hán, Trung Quốc thông báo xuất hiện những ca bệnh viêm phổi lạ đầu tiên.

Ngày 11/2/2020: WHO chính thức đặt tên bệnh là Covid-19, virus gây bệnh được gọi tên là SARS-CoV-2 để thay cho tên cũ 2019-nCoV.

Ngày 11/3/2020, WHO tuyên bố Covid-19 (bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra) là đại dịch toàn cầu.

Từ ngày 13/1/2020, dịch đã lây lan ra các quốc gia ngoài Trung Quốc.

Ngày 23/1/2020 tại Bệnh viện Chợ Rẫy ghi nhận 2 bệnh nhân Covid-19 trên lãnh thổ Việt Nam, là hai cha con người Vũ Hán (Trung Quốc).

Ngày 1/2/2020 Thủ tướng ký Quyết định 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus SARS-CoV-2 gây ra.

Ngày 1/4/2020 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 447/QĐ-TTg công bố dịch Covid-19 thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.

Đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch, ghi nhận 11.624.065 ca Covid-19. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam là 43.206 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Ngày 5/5/2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu. Đồng thời, khuyến nghị các quốc gia chuyển đổi từ việc đáp ứng khẩn cấp sang quản lý bền vững, lồng ghép với các mối đe dọa khác và mang tính dài hạn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem