Có hay không mối liên quan giữa nghệ thuật và hành vi tự tử?

Việt Phương Thứ hai, ngày 02/05/2022 06:00 AM (GMT+7)
Chuyện các sản phẩm nghệ thuật mang màu sắc u ám, trầm uất hoặc chứa đựng các nội dung mang tính tiêu cực, đặc biệt là việc tự tử trong người trẻ... bị phản đối, thậm chí tẩy chay trên thế giới không phải là lạ.
Bình luận 0

Vào ngày 28/4, nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP cho ra mắt sản phẩm âm nhạc có tên There's no one at all (Tạm dịch: Không có một ai cả - PV). Theo dư luận xã hội, trong MV có cảnh nam chính tự tử bằng cách nhảy lầu, được cho là độc hại, ảnh hưởng tới người xem. Cục Nghệ thuật biểu diễn thông báo dừng phát hành MV này trên các nền tảng tại Việt Nam. Bản thân Sơn Tùng M-TP cũng lên tiếng xin lỗi dư luận về nội dung trong MV.

Có hay không mối liên quan giữa nghệ thuật và hành vi tự tử? - Ảnh 1.

Mối liên quan giữa tự tử trong nghệ thuật và hành vi tự tử bắt chước

Câu chuyện các sản phẩm nghệ thuật mang màu sắc u ám, trầm uất hoặc chứa đựng các nội dung liên quan tới tự tử, đặc biệt là tự tử trong người trẻ bị phản đối, thậm chí tẩy chay trên thế giới không phải là lạ.

Có hay không mối liên quan giữa nghệ thuật và hành vi tự tử? - Ảnh 2.

Britney Spears bị chỉ trích dữ dội vì kịch bản dự kiến của MV Everytime. (Ảnh trong MV).

Năm 2004, cả nước Mỹ "sôi sục" trước thông tin MV Everytime của "công chúa nhạc pop" Britney Spears chứa cảnh tự tử. Theo đó, một số thông tin bị "rò rỉ" từ ê-kíp của nữ ca sĩ cho rằng, cốt truyện của MV sẽ rất tăm tối, xoay quanh chủ đề một ngôi sao ca nhạc tự tử trước nhiều áp lực từ cuộc sống. 

Tuy nhiên, do phản ứng từ dư luận, kịch bản này chưa bao giờ được khởi quay, thay vào đó là một MV có tính chất "hiền" hơn rất nhiều. Tuy nhiên, trong MV mới, vẫn có cảnh nữ ca sĩ Britney Spears tự "trẫm mình" trong bồn tắm, như ẩn ý về một quyết định tìm tới cái chết. Tuy rằng, cuối MV có cảnh nữ ca sĩ đi ra khỏi bồn tắm, nhưng không ít người vẫn cho rằng, nội dung MV đã "gieo hạt" ý nghĩ tự tử vào suy nghĩ của người xem.

Năm 2017, Netflix cho ra mắt bộ phim truyền hình có tên 13 Reasons why, chuyển thể từ một tiểu thuyết cùng tên. Bộ phim xoay quanh cuộc sống của những người "ở lại" sau vụ tự tử của nữ chính Hannah Baker. Nam chính Clay Jensen sau khi tìm được cuốn nhật ký của Hannah đã từng bước đi tìm nguyên nhân vì sao cô lại chọn cái chết.

Các nhà giáo dục và nhà tâm lý học cảnh báo bộ phim này có thể dẫn đến những vụ tự tử do bắt chước. Một nghiên cứu được tài trợ bởi Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho thấy rằng, những lo ngại này là có căn cứ.

Có hay không mối liên quan giữa nghệ thuật và hành vi tự tử? - Ảnh 3.

Nghiên cứu chỉ ra tỷ lệ tự tử trong người trẻ tăng sau khi Netflix ra mắt bộ phim 13 Reasons Why. (Ảnh Netflix).

Trong tháng sau khi chương trình ra mắt vào tháng 3/ 2017, đã có sự gia tăng 28,9% số vụ tự tử ở người Mỹ từ 10-17 tuổi, nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Học viện Tâm thần Trẻ em và Vị thành niên Mỹ. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra số vụ tự tử nhiều hơn bất kỳ tháng nào trong khoảng thời gian 5 năm. Trong 8 tháng còn lại của năm 2017, đã có 195 vụ tự tử của thanh niên, nhiều bất thường so với các năm về trước.

Mặc dù các nhà nghiên cứu cho biết những con số không thể chỉ ra nguyên nhân tăng vọt của các vụ tự tử, bởi còn các nhân tố thứ ba không xác định. Tuy nhiên, những cảnh báo đối với bậc cha mẹ khi cho con trẻ xem bộ phim vẫn được đưa ra.

Đồng tác giả nghiên cứu, Lisa Horowitz, một nhà khoa học tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, cho biết: "Kết quả của nghiên cứu này sẽ nâng cao nhận thức rằng những người trẻ tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương trước các phương tiện truyền thông. Tất cả các ngành, bao gồm cả giới truyền thông, cần phải có chung một suy nghĩ mang tính xây dựng tới chủ đề khủng hoảng sức khỏe trong cộng đồng này".

Như vậy, có mối liên quan nào giữa các tác phẩm nghệ thuật và tỷ lệ tự tử gia tăng hay không? Câu trả lời là có thể. Bằng chứng cho việc tự tử gia tăng sau các sự kiện nghệ thuật là thuyết phục nhưng không rõ ràng. Ví dụ, một nghiên cứu năm 1999 cho thấy, tỷ lệ bắt chước tự tử tăng 17% và 9% trong tuần đầu tiên và tuần thứ hai sau một vụ tự đầu độc được mô tả trong một bộ phim truyền hình của Anh.

Lý do nghiên cứu này đáng chú ý là nhân vật chính đã sử dụng ethylene glycol hay còn gọi là chất chống đông làm tác nhân tự tử. Chất chống đông không phải là một phương pháp thường được sử dụng để tự tử, kết quả là việc theo dõi những vụ việc tự tử bắt chước bằng chất này trở nên dễ dàng hơn nhiều.

 "Trăm dâu đổ đầu tằm"

Ca khúc Gloomy SundayChủ nhật ảm đạm, đã xuất hiện trong một trong những thời điểm ảm đạm nhất của lịch sử. Được viết vào năm 1933 bởi nghệ sĩ piano và nhà soạn nhạc người Hungary Reszõ Seress trong bối cảnh cuộc Đại suy thoái và ảnh hưởng ngày càng tăng của phát xít ở Hungary và được Pál Kalmár thu âm ban đầu vào năm 1935. 

Bài hát như một lời cầu xin lòng thương xót khi nhân loại đang ở thời kỳ tồi tệ nhất. Tên bài hát ban đầu là Hồi kết của thế giới. Bài hát này nổi tiếng bởi nó được cho là nguyên nhân của 20 tới 100 vụ tự tử khác nhau.

Có hay không mối liên quan giữa nghệ thuật và hành vi tự tử? - Ảnh 4.

Tác giả ca khúc Gloomy Sunday tự tử vào năm 1968. (Ảnh: IT).

Ở một khía cạnh nào đó, những câu chuyện quái dị về sự tàn phá tâm hồn của Gloomy Sunday dường như là một sự phân tán khỏi nỗi buồn thực sự diễn ra trong xã hội xung quanh bài hát lúc bấy giờ. Bối cảnh nơi nó được phát hành là một trong những nơi đen tối nhất của thế kỷ 20, khi sự thịnh vượng suy giảm và những kẻ độc đoán căm thù nắm tay sắt trỗi dậy. 

Tại  Hungary, trong suốt những năm 80, là một trong những quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Điều này cho thấy rằng, Gloomy Sunday chỉ đơn thuần là sự phản ánh của nỗi tuyệt vọng bao quanh nó chứ không phải là nguyên nhân. Tuy nhiên, bi kịch hơn cả, chính Seress đã chết sau khi nhảy khỏi một tòa nhà ở Budapest vào năm 1968, điều này khiến cho ca khúc này luôn bị gắn với những suy nghĩ về tự tử.

Scape Goat là thuật ngữ trong tiếng Anh chỉ một đối tượng buộc phải nhận chỉ trích, cho dù nó hoàn không phải, hoặc chỉ là một trong các, nguyên nhân gây ra vụ việc. Âm nhạc cũng được coi là một trong những "Scape Goat" như vậy.

Khái niệm "hoảng loạn đạo đức" đã có ảnh hưởng lớn trong việc nghiên cứu "các thế lực cường điệu và cuồng loạn" (Garland, 2008) bùng phát định kỳ trong xã hội. Lý thuyết này lần đầu tiên được đề xuất bởi Stanley Cohen trong cuốn sách Moral Panics and Folk Devils (Hoảng loạn đạo đức và con quỷ dân gian – PV) năm 1972 của ông.

Đây là một phân tích xã hội học cụ thể về hiện tượng Mods và Rockers ở Anh những năm 1960. Đây là hai trong số những tiểu văn hóa thanh niên được xác định đầu tiên, những người đã định hình phần lớn danh tính tương ứng của họ từ lòng trung thành với âm nhạc của họ. 

Trong đó, Mod được cho là những thanh niên thích nghe nhạc soul, blue… cùng phong cách thời trang sạch sẽ, chỉn chủ. Nhóm còn lại rocker thường thích nghe rock and roll với cách ăn mặc bụi bặm, đi xe phân khối lớn.

Có hay không mối liên quan giữa nghệ thuật và hành vi tự tử? - Ảnh 5.

Mods và Rockers. (Ảnh: IT).

Cả hai nhóm hầu như không được công chúng ở Anh biết đến cho đến khi một sự cố xảy ra vào năm 1964 ở thị trấn ven biển Margate đã đẩy họ lên sân khấu quốc gia và sau đó ra sân khấu quốc tế. Những gì xảy ra là một loạt các hành động phá hoại, không đáng kể, được phóng đại trên báo chí như một cuộc bạo động toàn diện.

Những câu chuyện đầu tiên không phân biệt giữa Mods và Rockers, nhưng khi các báo cáo được kể lại và có thêm những xáo trộn xảy ra, cả hai nhóm đều cho rằng, một bản sắc riêng biệt trên báo chí là những mối đe dọa riêng biệt đối với trật tự xã hội. 

Đến năm 1965, Mods và Rockers đã được định nghĩa chắc chắn trong tâm trí người Anh như một tai họa thực sự (Cohen, 1972). Họ là "quỷ dân gian", những nhân vật kích động sự sợ hãi dựa trên sự thiếu hiểu biết; một sự hoảng loạn về đạo đức đã bắt đầu.

Cohen tin rằng một số yếu tố nhất định cần có mặt để tình trạng hoảng loạn đạo đức có thể tạm lắng. Đầu tiên, phải có một sự lo lắng xã hội tiềm ẩn được kích hoạt bởi một sự kiện hoặc sự việc cụ thể. Điều này dẫn đến sự thù địch chung đối với những người có trách nhiệm, sau đó bị gán cho là "quỷ dân gian". 

Do đó, một phản ứng xã hội tiêu cực trên diện rộng đã được hình thành, phổ biến và duy trì bởi các phương tiện thông tin đại chúng với việc họ sử dụng ngôn từ xuyên tạc làm giật gân mối đe dọa thực tế. Chúng xuất hiện đột ngột và có thể tan biến không thể giải thích rất nhanh chóng (Cohen, 1972).

Trong trường hợp này, Cohen tin rằng, nguyên nhân của sự hoảng loạn là do sự phẫn uất và ghen tỵ của tầng lớp trung lưu đối với việc gia tăng quyền chi tiêu và quyền tự do tình dục của thanh niên ở Anh thời hậu chiến. Mods và Rockers do đó đã bị quỷ ám và trở thành vật tế thần cho sự căng thẳng thế hệ này.

Sự phản đối của các bậc cha mẹ nước Anh lúc bấy giờ lên tới đỉnh điểm trong giai đoạn 1964-1966, khi cả hai nhóm ngày càng trở nên phân cực và đối kháng với nhau. Báo chí đã giúp xác định danh tính mới nổi của các nhóm, các phương tiện truyền thông với nhiều thông tin giật gân đã tạo ra và duy trì sự phát triển của cuộc khủng hoảng Mods và Rockers. Nhiều đề xuất về luật như hạn chế tiếp cận bãi biển, nhiều trại lao động cưỡng bức ra đời.

Thế nhưng, bởi nhiều nguyên nhân khó xác định cụ thể, làn song phản đối này biến mất đột ngột vào năm 1966. Chấm dứt thời kỳ "trăm dâu đổ đầu tằm" lên các nhóm thanh niên Mods và Rockers.

Hành vi tự tử là hậu quả của một chuỗi các nguyên nhân

Thực tế xã hội của những năm 1980 ở Mỹ là sự gia tăng đáng kể các vụ tự tử ở trẻ vị thành niên. Dòng nhạc Rock, cụ thể là Heavy metal có liên quan đến hai vụ tự tử riêng biệt xảy ra vào năm 1984 và 1985. Đầu tiên là trường hợp của John McCallum, 19 tuổi, người đã tự bắn mình chết khi nghe bài hát Suicide Solution của Ozzy Osbourne. Cha mẹ anh đã đưa Osbourne ra tòa, cho rằng lời bài hát của anh đã kích động giới trẻ tự tử. Osbourne nói rằng bài hát thực sự là về việc tránh xa rượu chứ không phải là sự tán thành việc tự tử. 

Trường hợp thứ hai liên quan đến hai người đàn ông Nevada trẻ tuổi mà gia đình của họ cho rằng, đã bị ảnh hưởng bởi những thông điệp có trong một album của Judas Priest có tên Stained Class. Họ khẳng định rằng, có những thông điệp ẩn ý thúc giục người nghe tự tử. 

Các thẩm phán trong cả hai phiên tòa đều đứng về phía các nhạc sĩ, nhưng có những khẳng định rằng, một sự hoảng loạn đạo đức mới đã sinh ra trong cả lĩnh vực truyền thông và chính trị. Vì vậy, công chúng đã nhận được thông điệp xuyên tạc rằng có một mối liên hệ nhất định giữa âm nhạc heavy metal và hành vi tự tử.

Có hay không mối liên quan giữa nghệ thuật và hành vi tự tử? - Ảnh 6.

Ozzy Osbourne bị kiện ra tòa vì bài hát Suicide Solution của ông được cho là ủng hộ việc tự tử. (Ảnh: Fin Costerlo).

Thậm chí một Hiệp hội tại Mỹ được thành lập với mục tiêu thúc đẩy thông qua các dự luật nhằm kiểm soát kỹ càng hơn đối với các sản phẩm âm nhạc, đặc biệt là Heavy Metal. Tuy nhiên, cơn thịnh nộ mang tên "Hoảng loạn đạo đức" nay cũng nhanh chóng trôi qua.

Nhưng giới trẻ có bao giờ thực sự có nguy cơ bị tổn hại do sở thích âm nhạc của họ không? Công bằng mà nói, một thiểu số có thể đã dễ mắc phải. Các nghiên cứu của Baker và Bor (2008), cũng như của Stack (1998), Lacourse (2001) và Martin (1993) chỉ ra rằng những người nghe nhạc Heavy metal có thể thích lối sống nguy hiểm hơn (ví dụ như: say rượu lái xe, quan hệ tình dục không an toàn, sử dụng ma túy, ăn cắp và phá hoại) so với những người có sở thích về các thể loại âm nhạc khác. 

Họ cũng có thể dễ dàng chấp nhận việc tự tử hơn và phi tôn giáo hơn. Những đặc điểm này kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác như trầm cảm và các bệnh tâm thần khác, chắc chắn có thể khiến ai đó có nguy cơ tự tử tăng. Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào tìm thấy mối liên hệ nhân quả trực tiếp giữa sở thích âm nhạc hoặc sự đồng nhất với một nền văn hóa phụ cụ thể và tình trạng tự tử. Kết luận rõ ràng là chỉ các yếu tố xã hội tác động sẽ không gây ra hành vi tự tử.

Càng ngày, dưới nhiều công trình nghiên cứu xã hội khác nhau và truyền thông chính xác về tự tử, dư luận xã hội phương Tây đã có cái nhìn đúng đắn hơn về vấn đề này. Cụ thể, vụ tự tử của một thiếu niên người Anh, Hannah Boyd, và nỗi ám ảnh rõ ràng của cô ấy với ban nhạc biểu tượng cảm xúc My Chemical Romance. Nhóm nhạc nay ra mắt album The Black Parade vào năm 2006 của họ và bị cáo buộc cổ súy hành vi tự tử.

Có hay không mối liên quan giữa nghệ thuật và hành vi tự tử? - Ảnh 7.

Người hâm mộ của My Chermical Romance biểu tình chống lại cáo buộc ban nhạc này cổ súy tự tử. (Ảnh: Alamy).

Tuy nhiên, không giống như trước đó, những người hâm mộ My Chemical Romance đã phản ứng trước cáo buộc kể trên một cách chưa từng có trong lịch sự. Họ huy động người ủng hộ qua mạng xã hội, tổ chức một cuộc biểu tình đã được bên ngoài văn phòng của Daily Mail chỉ trích những cáo buộc chống lại ban nhạc và việc họ bị coi là "quỷ dân gian". Bên cạnh đó sự thống trị của truyền thông truyền thống giảm dần và trỗi dậy của truyền thông xã hội, cuộc "hoảng loạn đạo đức" đã không xảy ra.

Theo trang Suicideinfo, trang web chính thức Trung tâm Phòng chống Tự tử, một chi nhánh của Hiệp hội Sức khỏe Tâm thần Canada, hành vi tự tử của một cá nhân không thể chỉ từ một nguyên nhân nhất định.

Bên cạnh đó, không thể có những phản ứng phi lý trước những hiện tượng tự tử chưa được nghiên cứu đầy đủ. Tuy nhiên, tự tử là một hành vi bí ẩn và khó hiểu, nên dư luận có thể bị cám dỗ đưa nó về một nguyên nhân duy nhất để tự trấn an chính mình. 

Trong một số trường hợp hiếm hoi, những ảnh hưởng xã hội như lời bài hát trong ca khúc có thể là nguyên nhân dẫn đến việc đẩy một người đến bờ vực. Tuy nhiên, không bao giờ có thể nói rằng nhạc rock hoặc việc tham gia vào một nền văn hóa phụ gắn với một phong cách âm nhạc cụ thể trực tiếp gây ra vụ tự tử của một cá nhân.

Nguyên nhân khiến một cá nhân chọn tự tử là đa chiều. Thông qua giáo dục và bằng cách trò chuyện mang tính xây dựng về các yếu tố nguy cơ phổ biến dẫn đến tự tử thực sự là gì, chúng ta có thể loại bỏ nó, hiểu rõ hơn và không còn sợ hãi nó nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem