Cảnh bạo lực và tự sát trong các MV của làng nhạc Việt: Giới hạn nào cho sự sáng tạo?

Yến Linh Chủ nhật, ngày 01/05/2022 15:51 PM (GMT+7)
Trước "There's no one at all" của Sơn Tùng, đã có không ít sản phẩm âm nhạc khiến người xem đặt dấu hỏi về những ảnh hưởng tiêu cực của nó với đối tượng khán giả trẻ.
Bình luận 0

Khi MV bạo lực, kịch tính trở thành "trend"

Ngày 28/4, ca sĩ Sơn Tùng M-TP cho ra mắt MV mới mang tên "There's no one at all". Chỉ sau gần một ngày tồn tại, sản phẩm âm nhạc này đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ trên mạng xã hội. Nhiều bậc phụ huynh đồng loạt cho rằng, MV chứa những hình ảnh "độc hại", dễ ảnh hưởng tới tâm lý con em của họ, đặc biệt trong giai đoạn hàng loạt vụ tự tử ở tuổi vị thành niên vừa diễn ra. Cục Nghệ thuật biểu diễn ngay sau đó cũng đưa ra thông báo về việc sẽ dừng phát hành đối với MV này trên tất cả các nền tảng trực  tuyến.

Cảnh bạo lực và tự sát trong các MV của làng nhạc Việt: Giới hạn nào cho sự sáng tạo? - Ảnh 1.

Sơn Tùng M-TP trong MV mới. (Ảnh: FBNV)

Trong MV, Sơn Tùng vào vai một cậu bé lớn lên trong cô nhi viện. Vì quá cô độc và không có người quan tâm, cậu dần trở nên ngỗ nghịch, quậy phá. Cuối cùng, sau những ngày tháng cô đơn, nhân vật chính tìm tới một tòa nhà cao tầng và gieo mình xuống dưới. 

Thật ra, đây không phải lần đầu tiên một MV của ca sĩ trẻ gặp rắc rối với cảnh tự vẫn. Năm 2019, MV "Nếu ngày ấy" của Soobin Hoàng Sơn đã bị YouTube "tuýt còi" bởi các phân đoạn bạo hành và hình ảnh nam chính dùng súng tự sát. Sản phẩm nhanh chóng bị đưa vào danh sách hạn chế cùng lời khuyến cáo: "Cộng đồng YouTube đã xác định nội dung sau đây là không phù hợp hoặc có tính xúc phạm một số khán giả". 

Cảnh bạo lực và tự sát trong các MV của làng nhạc Việt: Giới hạn nào cho sự sáng tạo? - Ảnh 2.

Soobin Hoàng Sơn trong MV "Nếu ngày ấy". (Ảnh: Cắt từ clip)

Trước đó, năm 2018, ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân cho ra đời MV "Màu nước mắt", trong đó anh vào vai nhân vật chính, người tự vẫn bằng thuốc độc sau khi bị bạn gái và bạn thân phản bội. Trong khi đó, MV "Những kẻ mộng mơ" của ca sĩ Noo Phước Thịnh mang màu sắc u tối, miêu tả cuộc sống mất phương hướng của một chàng trai sau khi giết bạn gái vì ghen tuông.

 MV "Ghen" – một tác phẩm đình đám khác của hai ca sĩ trẻ Erik và Min có không ít cảnh quay bạo lực và lệch chuẩn. Tại đó, Min tiệc tùng say sưa cùng bè bạn tới đêm muộn, khiến bạn trai nổi cơn ghen tuông và sẵn sàng làm hại bất kỳ ai có mặt trong bữa tiệc.

Nghệ sĩ cần có trách nhiệm với xã hội

Chia sẻ với PV Dân Việt, nghệ sĩ Trần Tuấn Hùng khẳng định: "Người nghệ sĩ cần có tư duy tốt và văn minh để nhận thấy một sản phẩm âm nhạc có vấn đề hay không, sẽ có những tác động xấu tới xã hội như thế nào để quyết định có đăng tải chúng. Với một MV có kết cục mạnh và tiêu cực thì người xem, đặc biệt là các bạn trẻ sẽ rất dễ bị ấn tượng và đôi khi không hiểu được nguyên nhân dẫn đến hành vi ấy".

Trong khi đó, theo Tiến sĩ mỹ học Nguyễn Thế Hùng, MV là một sản phẩm văn hóa nên cần đáp ứng yếu tố chân - thiện - mỹ: "Khi được chia sẻ và lan truyền, chúng chắc chắn sẽ có sự tác động nhất định tùy đối tượng và nhóm tiếp cận. Đương nhiên, sự ảnh hưởng tới tâm lý của mỗi người là khác biệt".

Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia đã từng "tuýt còi" với những MV có tư tưởng lệch lạc. Không ít sản phẩm văn hoá chứa yếu tố bạo lực hoặc tiêu cực tại nhiều quốc gia tiên tiến đều phải đưa ra những cảnh báo về độ tuổi: "Nội dung của sản phẩm này có thể gây ảnh hưởng tới tâm lý người xem. Trẻ em cần được sự hướng dẫn của cha mẹ". Việc đưa ra một thông điệp cho người xem, đặc biệt là đối tượng công chúng trẻ tuổi luôn được lưu ý và cân nhắc kỹ lưỡng.

Sự việc MV "There's no one at all" của Sơn Tùng M-TP bị Cục Nghệ thuật biểu diễn dừng phát hành sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho các sản phẩm văn hóa trực tuyến trong tương lai, khi thế giới ngày càng phẳng và người trẻ đang dần gói gọn không gian của mình trên những màn hình.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem